Nậm Pồ là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn vẫn còn gần 60% là hộ nghèo. Đời sống của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Trong những bản làng vùng cao, vùng sâu, biên giới người dân canh tác lạc hậu, thuần túy, dẫn đến đói nghèo lâu đời. Tuy nhiên trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây, một số người lao động đã thoát ly khỏi canh tác nương rẫy đi lao động làm thuê, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác trên nương.
Ngôi nhà mới hoàn thành của gia đình bà Chảo Mí Nảy ở bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ mới hoàn thành còn thơm mùi sơn trong niềm vui cả gia đình. Bà Chảo Mí Nảy dẫn khách thăm quan hết các phòng của ngôi nhà mới và phấn khởi chia sẻ: Để làm được ngôi nhà này là nhờ con gái bà đã tích lũy tiền của sau 4 năm đi lao động làm thuê. Nếu như vẫn chỉ ở nhà canh tác mảnh ruộng 2 sào và ít đất nương thì có lẽ, gia đình sẽ không bao giờ được sống trong ngôi nhà khang trang đến vậy. Để làm được ngôi nhà này, ngoài số tiền con gái tích lũy sau 4 năm đi lao động làm thuê thì gia đình cũng vay mượn thêm của anh em họ hàng thì mới đủ số tiền 400 triệu để làm nhà. Bây giờ gia đình phấn khởi lắm, vui lắm, con gái lại tiếp tục đi làm thuê để lấy tiền trả nợ.
Bà Nảy yên tâm chăm sóc con cháu cho các con đi lao động làm thuê
Cũng ngay trong bản Sín Chải 1, chị Lý Lù Mẩy là một trong những hộ gia đình đầu tiên của bản làm được nhà xây kiên cố. Ngôi nhà xây cấp 4 có đầy đủ phòng ở, phòng khách, phòng bếp và nhà vệ sinh được bố trí hài hòa, ngăn nắp. Đây chính là thành quả đi lao động làm thuê suốt 4 năm của chị Mẩy ở nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội. Chị Lý Lù Mẩy, Bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ chia sẻ: Đi lao động cũng vất vả, mình cũng trải qua nhiều công việc như làm công nhân may, công nhân điện tử, vì mong muốn kiếm thật nhiều tiền nên mình cũng chịu khó tăng ca để có thêm thu nhập. Sau 4 năm đi làm công nhân mình cũng dành dụm được tiền, vây mượn họ hàng nữa làm được nhà kiên cố để ở, coi như đã yên tâm để tiếp tục lao động sản xuất.
Thành quả sau 4 năm đi làm công nhân của chị Mẩy là ngôi nhà xây kiên cố
Trong 5 năm trở lại đây, trong bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ nhiều người lao động đã rủ nhau đi làm thuê. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng người lao động ở đây chủ yếu đi lao động làm thuê. Một số người dân đi lao động tại các công ty, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương. Về mặt tích cực, số lao động làm thuê tại bản Sín Chải đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc canh tác nông nghiệp tại địa phương. Theo thống kê, tại bản Sín Chải có 30/97 hộ có người đi lao động làm thuê. Bình quân cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/hộ/ năm. Trong số đó cũng đã có hộ thoát ra khỏi diện hộ nghèo. Anh Tẩn Kim Sơn, Trưởng bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ cho biết: Trong 4 - 5 năm trở lại đây, trong bản đã phát triển phong trào đi lao động làm thuê, có một số thì lao động ở các tỉnh miền xuôi trong nước, một số làm giấy thông hành sang Trung Quốc làm thuê, tuy nhiên chưa ghi nhận rủi do đáng kể nào. Phần lớn bà con đều có tiền mang về làm nhà làm cửa, cũng rất phấn khởi cho bà con. Cũng có hộ ra khỏi diện hộ nghèo, và cận nghèo.
Sín Chải vẫn đang mọc thêm nhiều ngôi nhà xây kiên cố
Lao động làm thuê đang trở thành hướng đi mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của một bộ phận người dân huyện biên giới Nậm Pồ. Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế từ lao động làm thuê, nhưng người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi sang lao động làm thuê tại Trung Quốc. Bởi đây là thị trường lao động ngoài nước, và nếu là lao động chui, thì người lao động có nguy cơ sẽ gặp phải rủi do đáng tiếc. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, hướng người dân đi lao động theo các chương trình của Nhà nước để đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe, cũng như đem lại hiểu quả kinh tế, góp phần từng bước xóa đói nghèo./.