Đến xã Phìn Hồ, vào các bản của người Hoa (Xạ Phang) mùa này sẽ thấy hình ảnh những người phụ nữ ngồi bên hiên cửa đang tỉ mỉ thêu từng đường kim mũi chỉ để tạo ra những đôi giày thêu truyền thống. Giày của người Xạ Phang thoạt nhìn đã thấy được sự tỉ mỉ trên từng chi tiết hoa văn, và khi tìm hiểu về các công đoạn làm giày mới càng thấy sự khéo léo, tinh xảo và kỳ công để làm nên một đôi giày thêu.
Giày thêu của dân tộc Xạ Phang
Dân tộc Xạ Phang chiếm 1,52% trong tổng số 8 dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tập trung chủ yếu ở xã Phìn Hồ. Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Xạ Phang vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, trong đó phải kể đến nét độc đáo trên đôi giày thêu bằng tay của người phụ nữ Xạ Phang. Để hoàn thành một đôi giày, người phụ nữ Xạ Phang phải mất khoảng 7-10 ngày với nhiều bước khác nhau: Từ việc chọn mo tre, lên hình giày, cắt và thêu hoa văn họa tiết, màu sắc...
Giày của người Xạ Phang có thể chia thành 2 phần là phần thân và phần đế: Thân giày là phần vải bọc phía trên được thêu nhiều hoa văn, họa tiết hoa lá và các đường cong uốn lượn bắt mắt, người phụ nữ thêu kết hợp nhiều chỉ màu khác nhau tùy vào sở thích và mắt thẩm mỹ của mỗi người, nhưng chủ yếu vẫn là các màu đỏ, xanh, vàng, trắng… Ngoài ra, mỗi hoa văn còn được đính kèm thêm một hạt bạc nhỏ để tôn thêm vẻ đẹp của phần thân giày. Còn phần đế giày được làm bằng mo tre, thường phụ nữ Xạ Phang nơi đây dùng mo tre măng Bát Độ để làm đế giày, sau khi nhặt mo tre về họ dùng bàn chải hay vật ma sát cọ bóng mo tre, sau đó cắt theo kích thước của chân, dùng vải màu có hình hoa khâu 4-6 lớp mo tre lại thành đế và mặt tiếp xúc đất của đế giày được dùng vải lanh màu trắng bọc thêm 1 lớp mo tre làm mặt tiếp xúc đất, rồi dùng một sợi chỉ to chắc được sơ chế từ một loại cây tự trồng trong vườn (ngày trước là dùng cây trên rừng) khâu hai phần giầy lại. Vậy nên, giầy của người Xạ Phang rất bền có thể được sử dụng liên tục cả năm mới giảm đi độ bền.
Cô Ngải Lao Mể, sinh năm 1982, là một người đã có nhiều kinh nghiệm trong thêu giày và trang phục dân tộc, cho biết : Để tạo ra một chiếc giày đẹp, người thợ làm giày phải cận thận trong việc chọn mo tre làm đế giày và cắt đúng kích cỡ chân. Đặc biệt, từng họa tiết thêu lên giày phải thật khéo léo, bởi đôi giày có đẹp , nổi bật cũng là nhờ những đường nét hoa văn trang trí. Giày thêu lúc mới đi sẽ hơi cứng do đế giày được luồn chỉ rất chặt nhưng một thời gian sau đó giày khắp tự co dãn, mền mại, đi rất thoải mái và êm chân
Cô Ngải Lao Mể, sinh năm 1982, bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ là một người đã có nhiều kinh nghiệm trong thêu giày và trang phục dân tộc, cho biết : Để tạo ra một chiếc giày đẹp, người thợ làm giày phải cận thận trong việc chọn mo tre làm đế giày và cắt đúng kích cỡ chân. Đặc biệt, từng họa tiết thêu lên giày phải thật khéo léo, bởi đôi giày có đẹp , nổi bật cũng là nhờ những đường nét hoa văn trang trí. Giày thêu lúc mới đi sẽ hơi cứng do đế giày được luồn chỉ rất chặt nhưng một thời gian sau đó giày khắp tự co dãn, mền mại, đi rất thoải mái và êm chân
Trong xã hội ngày nay, không khó để mua được những chiếc giày với mẫu mã, kiểu cách đa dạng, phong phú mà giá thành lại rẻ nhưng dân tộc Xạ Phang vẫn trung thành với đôi giày thêu truyền thống. Khi đến xã Phìn Hồ, không khó để nhìn thấy hình ảnh các em học sinh dân tộc Xạ Phang mang giày thêu đi học hay hình ảnh những người nông dân mang giày thêu đi làm rẫy. rồi vào những ngày lễ lớn họ sẽ đi giày thêu cùng với những bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu.
Là người được mẹ dạy thêu giày và trang phục dân tộc từ nhỏ, chị Hồ Phìn Lưu ở bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hổ chia sẻ: Lúc tôi khoảng 10 tuổi, mẹ đã dạy tôi cách thêu giày. Ngày đó, cắt họa tiết hoa văn thôi cũng khó, học lâu rồi cũng nhớ và làm được. Bây giờ, tôi có thể thêu giày cho các thành viên trong gia đình theo nhiều kiểu khác nhau. Có thể nói, giai đoạn tốn nhiều thời gian nhất khi làm một đôi giày là lúc thêu họa tiết hoa văn và các đường lượn sóng, người thêu phải thật cận thận và tỉ mỉ thì sản phẩm thêu ra mới đẹp. Mỗi thành viên trong gia đình có ít nhất 3-4 đôi giày để đi làm nông và phối với trang phục dân tộc đi chơi vào những ngày lễ tết, cưới hỏi trong năm.
Bà Chớ Thị Mờ, Chủ tịch Hội LHPN xã Phìn Hồcho biết: Mỗi phụ nữ dân tộc Xạ Phang ai ai cũng biết cắt họa tiết hoa văn và thêu giầy của dân tộc mình, cũng như người mông, những cháu bé từ lức 10 -12 tuổi là các bà, các mẹ đã phải dạy cho con cháu mình biết thêu hoa văn và làm đôi dày dân tộc. Với dân tộc Xạ Phang, đôi giày có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, tại các bản của người Hoa đều đã thành lập 01 Tổ thêu, với hơn 30 thành viên để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhau cách thêu giày và may trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Lãnh đạo huyện trao Bằng công nhận của UBND tỉnh Điện Biên về công nhận Nghề truyền thống thêu giày, thêu hoa văn trang phục dân tộc Hoa tại bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là giày thêu của người Hoa, UBND huyện Nậm Pồ đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; tăng cường công tác quảng bá giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của địa phương; phối hợp triển khai có hiệu quả các Đề án, dự án về phát triển văn hóa, du lịch cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, sẽ hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ máy khâu để dân tộc Hoa tiếp tục phát huy và mở rộng các giá trị truyền thống của dân tộc mình trong thời gian tới, ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết./.