Một lứa ngô 6 lần phun thuốc không hết sâu
Khảo sát trong ngày 24.7 tại TT.Nông trường Mộc Châu (H.Mộc Châu, Sơn La), nhiều thửa ruộng ngô 2 - 3 lá cho đến ngô trổ cờ đang bị sâu cắn phá tả tơi. Ông Tạ Mạnh Hùng (tiểu khu 3, TT.Nông trường Mộc Châu) cho biết, chưa khi nào nông dân nông trường phải đối mặt với loại sâu vừa nhiều vừa khó diệt như sâu keo mùa thu. Ông Hùng kể, ngay sau khi phát hiện sâu, cứ 2 - 3 ngày ông lại phải phun thuốc một lần nhưng chỉ được 3 - 4 ngày sau lại thấy có nhiều sâu to, sâu non mới và phải tiếp tục “đánh thuốc”. Mảnh ruộng trồng ngô rộng 8.000 m2hiện đang có bắp non nhiễm sâu keo mùa thu từ khi gieo trồng đến nay đã phun thuốc 6 lần, cả tiền công lẫn thuốc tốn hơn 11 triệu đồng. “Vụ ngô bình thường chỉ phải phun thuốc 1 - 2 lần là cùng, nhưng với con sâu keo này đã phun đến 6 lần mà vẫn chưa hết. Vẫn biết phun nhiều là không còn lãi nhưng nếu không phun thì mất trắng”, ông Hùng nói.
|
Xã Đông Sang (H.Mộc Châu) cũng đang là “điểm nóng”. Có ruộng ngô nhiễm sâu keo mùa thu, ông Nguyễn Thông Tiềm cho biết so với các loài sâu từng gặp trước đây, sâu keo mùa thu có tốc độ phát triển rất nhanh và cắn phá khốc liệt nhất. “Nếu không phun thuốc, “buông” chỉ 1 - 2 ngày là ruộng ngô bị ăn sạch lá. Mỗi lần phun thuốc hiện nay tiêu tốn 2 triệu đồng. Ruộng ngô này trồng 75 ngày, chưa đến ngày thu hoạch nhưng đã phải phun thuốc lần 4 rồi”, ông Tiềm nói.
Bà Lưu Thanh Nga, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (BVTV) Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La, cho biết toàn tỉnh có trên 22.000 ha ngô nhiễm sâu keo mùa thu, chiếm 22% tổng diện tích ngô tại địa phương. Ở nơi nhiễm nặng nhất, sâu có mật độ lên tới 50 - 70 con/m2, một nõn ngô có đến 2 - 3 con cùng trú ngụ, cắn phá. Cũng theo bà Nga, thiệt hại do sâu keo mùa thu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và khó khăn nhất hiện nay là địa hình đồi dốc hiểm trở, bà con chỉ dùng bình phun thủ công thì không đạt hiệu quả diệt sâu ở mức tối đa.