Niềm vui của trẻ em đồng bào Mông ở bản Huổi Quang khi được đến trường. Ảnh: T.G
“Khát sóng” điện thoại
Trở lại bản Sam Lang lần này tôi có nhiều cảm xúc đặc biệt hơn những lần trước đó. Từ trung tâm huyện lỵ, trên chiếc xe máy cà tàng mà thầy Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện mượn của người hàng xóm, chúng tôi vượt hơn 20 cây số đường rừng, uốn lượn như con giun khổng lồ để đến với bản Sam Lang, xã Nà Hỳ.
Cô giáo Lò Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Hỳ 1 có mặt tại bản từ rất sớm. Điều khiến tôi ngạc nhiên, chốc chốc cô Thùy lại hớt hải chạy ra cổng trường để “hứng” sóng điện thoại, những mong liên lạc được với cán bộ Phòng để trao đổi thông tin. Các thầy cô ở đây ví cổng trường là “cột sóng” của điểm bản này bởi chỉ vị trí đó mới có sóng điện thoại.
“Cả bản chỉ có cổng trường là có sóng ổn định nhất. Thi thoảng có việc gì muốn liên lạc lại ra đứng ở đấy để hứng sóng. Có hôm muốn gọi đi, bấm máy đến cả chục cuộc nhưng cũng chẳng truyền đạt được thông tin gì. Hôm thời tiết đẹp, nắng ráo thì sóng ổn định hơn, chúng em buộc điện thoại vào một cái dây rồi treo lên, khi máy báo cuộc gọi nhỡ thì chạy ra “cột sóng” để bấm máy gọi lại”, cô giáo Lèng Thị Tịnh chia sẻ.
Cô giáo Tịnh chuyển công tác từ huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) về điểm bản Sam Lang, xã Nà Hỳ dạy mầm non cách đây vài năm. Khi đó tình trạng cô giáo phải chui túi nilon để qua suối mỗi khi nước lũ dâng cao không còn bởi điểm bản Sam Lang đã được xây cầu treo, qua suối. Dãy nhà lá lớp học mầm non được lợp bằng tranh tre nứa lá cũng không còn. Thay vào đó là những nếp nhà khang trang hơn theo tiêu chí ba cứng (khung cứng, nền cứng và mái cứng).
Vì nhà ở cách điểm trường gần 20 cây số nên cô Tịnh vẫn đi về trong ngày nên đỡ vất vả hơn nhiều giáo viên khác. “Có những anh, chị quê xa, công tác ở đây, họ buộc phải ở lại điểm trường. Mặc dù đường đi khá thuận lợi, trừ mỗi mùa mưa là vất vả, nhưng họ thiệt thòi đủ thứ. Muốn xem tivi thì cũng chẳng có. Buổi tối buồn, nhớ chồng, nhớ con muốn bấm một cuộc điện thoại để nghe giọng thôi mà cũng chẳng được. Để kết nối được với gia đình, họ phải tìm đến những chỗ có sóng điện thoại. Có những khi phải đi vài cây số chỉ để gọi một cuộc rồi lại quay về”, cô Tịnh tâm sự.
Kéo học sinh đến lớp
Gần 150 giáo viên cùng phụ huynh học sinh làm cầu bắc qua suối để trẻ mầm non đến trường học. Ảnh: T.G |
Câu chuyện về giáo dục ở vùng cao luôn chứa đựng chuyện lạ lùng. Đầu năm 2019, trong đợt cán bộ Phòng GD&ĐT đi thực địa để phối hợp với chính quyền các xã thống kê cơ sở vật chất các trường học thiệt hại do mưa lũ thì “bắt gặp” một điểm trường ở bản vùng sâu, giáp biên giới trong tình trạng “ngủ quên”. Đó là điểm bản Huổi Quang (nay thuộc Trường Mầm non Pa Tần).
Kể từ khi chia tách Mường Nhé thành hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, điểm trường này thuộc địa phận của huyện Nậm Pồ, nhưng người dân chủ yếu ở Mường Nhé sang làm ăn. “Chúng tôi vận động họ trở về địa phương sinh sống nhưng chẳng ai đi, đành nhập cư để trở thành người của huyện Nậm Pồ. Có dân phải có trường. Chúng tôi khảo sát thấy lớp học ở điểm bản này tồi tàn, rách nát. Vào sâu hơn nữa có duy nhất một phòng học được xây dựng từ chương trình kiên cố hóa trường lớp học trong tình trạng bỏ hoang vì học sinh tiểu học đã di chuyển ra trung tâm. Hơn nữa, điểm trường này quá hẻo lánh, mùa lũ nước chảy xiết thì không thể qua suối để đến trường học” thầy giáo Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ nhớ lại.
Điểm trường có thì không thể học vì không có đường đi, các cô phải mượn căn nhà tranh với diện tích hơn chục mét vuông làm phòng học tạm. Khó khăn là vậy, song với quyết tâm đưa học sinh đến lớp, thầy Thuận cùng với tập thể Phòng GD&ĐT huyện phân công cán bộ, giáo viên ở cả điểm trường trung tâm và giáo viên cắm bản một mặt đến tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đến trường, đến lớp. Mặt khác, kêu gọi phụ huynh tham gia đóng góp nguyên, vật liệu, ngày công lao động để làm cầu tre qua suối, sửa chữa đường đi và lớp học. Gần 50 giáo viên ở các trường lân cận và trên 100 người dân địa phương dành cả tuần để phát quang, sửa chữa hơn 1km đường, rồi làm cầu bắc qua suối để học sinh đi học được dễ dàng. Thế rồi, 32 em học sinh mầm non ở khắp các quả đồi lân cận tụ tập về đây học tập.
Vẫn biết không khó khăn, cách trở không phải vùng núi hẻo lánh. Trong gian khó ấy, mong ước của những người làm giáo dục đôi khi cũng giản đơn đến bất ngờ. “Chỉ mong trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản của Nhà nước còn hạn hẹp thì sẽ đón nhận sự sẻ chia của các tổ chức xã hội và cá nhân có lòng hảo tâm bằng các chương trình hỗ trợ để làm trường, làm lớp cho các cháu. Bởi dù đã thay da đổi thịt nhưng Nà Hỳ vẫn còn nhiều điểm trường chẳng có đường đi lối lại, lớp học tồi tàn. Nghĩ mà thương cho thầy – trò vùng đất biên giới này”, thầy Thuận trầm ngâm.