Tại huyện Nậm Pồ, dân tộc Dao chiếm hơn 4,15% trong tổng số 8 dân tộc cùng sinh sống, tập trung chủ yếu ở xã Nà Hỳ, Vàng Đán và Pa Tần với các nhóm Dao đỏ, Dao Khâu...Cũng như các dân tộc khác đời sống văn hóa – tinh thần của người Dao Nậm Pồ cũng rất phong phú, hiện nay họ vẫn còn giữ được: Tiếng nói, chữ viết, Lễ thờ cúng tổ tiên, Lễ tạ ơn Bàn Vương, lễ đặt tên, lễ cưới, lễ cấp sắc ...và một trong những nghi lễ mang bản sắc văn hóa đặc trưng nhất là Lễ nhảy lửa – tiếng Dao gọi là Nhìang Chằng Đao.
Lễ nhảy lửa thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày mùng 01 đến mùng 05 tháng giêng âm lịch hàng năm. Đây là một nghi thức chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, với mục đích cầu mong mùa màng bội thu và cầu thần linh phù hộ cho mọi người trong bản nhiều sức khỏe, xua đuổi tà ma, bệnh tật.Ông Chảo Siểng Tá, Thầy cúng Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần cho biết: Hằng năm, theo từng dòng họ, dòng họ nào làm ăn phát đạt và có điều kiện thì mỗi năm làm một lần. Làm lễ này quan trọng nhất phần cúng bàn vương, cầu bàn vương mời các thần linh, tổ tiên xuống để yểm hộ cho người thực hiện nhảy lửa không bị bỏng chân tay.
Thầy cúng làm lễ kêu gọi các thần linh, tổ tiên về thực hiện nhảy lửa
Bắt đầu vào buổi lễ, cũng là lúc đống củi được đốt lên và khi nghi lễ cầu may, cầu phúc của thầy cúng xong cũng là lúc đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy. Các chàng trai người Dao trong đội tham gia nhảy lửa như được phù phép, trong phút thăng hoa xuất thần, họ từng người hoặc từng đôi một nhảy bật lên bằng hai chân hay là nhảy lò khò tiến vào đống củi cháy rừng rực hoa than bừng sáng phủ lên người nhưng không ai bị bỏng chân tay quần áo, cứ người nọ nối tiếp người kia cùng nhảy cho đến khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than để lại.
Sau nghi thức nhảy lửa của các chàng trai người Dao, là đến nghi thức trình diễn các điệu nhảy, điệu múa truyền thống. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong Lễ nhảy lửa. Với các điệu múa, điệu nhảy thể hiện sức mạnh âm binh; tạ ơn các binh tướng, thần linh, tổ tiên. Điệu nhảy thể hiện các vị thần linh về vui với trần gian hay sự ban thưởng lễ vật cho các thần linh và cũng là tượng trưng cho thành quả lao động sản xuất. Tiếp đến sẽ là phần hát thể hiện niềm vui, niềm tin của bản làng qua các tiết mục hát song ca, đơn ca, hát đối, hát giao duyên…với nội dung cảm tạ Tổ tiên, Ngọc Hoàng, Bàn Vương, các tướng quân, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương hay những người có công tạo dựng cuộc sống để bà con dân bản có ngày yên vui, hạnh phúc.
Đội đánh trống, thổi kèn
Người thanh niên nhảy vào đống lửa đang cháy rực đỏ để bốc than ném lên mà chân tay không bị bỏng
Trước khi thực hiện nhảy lửa, chúng tôi được thầy mo yểm vào, cảm giác mơ màng, như đang mộc du, chân tay run run rồi tự nhiên nhảy vào đống lửa bốc than trong đống lửa đang cháy. Sau khi bốc được than ném lên thì người lại tỉnh táo trở lại bình thường - Chia sẻ của anh Chảo San Phin, Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, một người tham gia nhảy lửa.
Ông Chảo Kiềm Phin Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần cho biết thêm: Để tham gia tết nhảy lửa phải là nam giới từ 18 -60 tuổi, có sức khỏe tốt. Trước khi đi tham gia nhảy lửa phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt trước hôm đó không được gần gũi phụ nữ…
Phần múa gà
Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của dân tộc Dao đỏ, dù còn mang màu sắc tâm linh huyền bí nhưng nó minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên của đồng bào nơi đây. Đồng thời vừa có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách của con người, vừa chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện và những việc làm tốt thể hiện qua sự đoàn kết, đùm bọc, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.