Độc đáo nghệ thuật múa dân gian của người Khơ mú ở huyện Nậm Pồ
Thời gian đăng: 29/08/2021 01:49:10 PM

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, dân tộc Khơ mú sinh sống tập trung chủ yếu ở 3 bản Nậm Ngà 1, Nậm Ngà 2 thuộc xã Nậm Chua và bản Huổi Noỏng thuộc xã Nậm Khăn với 129 hộ, 631 nhân khẩu. Trong nhịp sống hiện đại, người dân tộc Khơ mú nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, nổi bật phải kể đến di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Múa của người Khơ mú” ở huyện Nậm Pồ.

102.jpg

Điệu múa những cô gái Khơ mú của Đoàn nghệ thuật quần chúng xã Nậm Khăn tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng cụm xã năm 2018

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, đồng bào dân tộc Khơ mú ở huyện Nậm Pồ quan niệm thiên nhiên có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Xuất phát từ tập quán canh tác nương rẫy nên từ bao đời nay, đồng bào dân tộc Khơ mú đã hình thành nên những nghi lễ dân gian truyền thống gắn với tập quán lao động, sản xuất của dân tộc, tiêu biểu là những điệu múa truyền thống của người Khơ mú. Nét đặc biệt của múa dân gian Khơ mú là các động tác thường rất khỏe mạnh, mang tính sôi động rõ nét, rất đặc trưng. Những động tác lắc người hay ngồi, tra hạt, dũ ống, … thường biểu hiện những nét sinh hoạt đặc trưng của người Khơ mú. Sở dĩ có những động tác như vậy theo lý giải là vì người Khơ mú yêu lao động, điệu múa cũng mô phỏng các động tác, cử chỉ lao động hàng ngày như: gặt lúa, xúc cá, làm cỏ...

Nghệ thuật múa dân gian của người Khơ mú rất độc đáo, đặc trưng với các đạo cụ chủ yếu từ ống tre, nứa, trống. Là một trong những người nắm giữ, thực hành và truyền dạy di sản, Bà Khoàng Thị Chơ, người dân tộc Khơ mú ở bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua cho biết: Thông thường, điệu múa của người Khơ mú thường có 03 điệu múa: “Tẹ om đêng - múa ống tre”, “Tẹ prin - múa trống”, “Tẹ đao - múa đao”. Múa ống tre là điệu múa chủ đạo của hội mừng mùa măng mọc, có nguồn gốc từ chiếc gậy chọc lỗ tra hạt trỉa lúa trên nương cùng dụng cụ bằng ống tre lấy nước suối. Trai gái tay trong tay múa những động tác mạnh mẽ, dứt khoát, sôi động theo nhịp của ống tre trỗ mạnh xuống đất đánh thức những khát vọng và những hạt mầm. “Tẹ prin” cũng thường được múa trong lễ cầu mùa. Điệu múa này phần nhiều là những vũ điệu và tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động, nhưng không kém phần hồn nhiên của các chàng trai, cô gái. Mục đích của điệu múa là để xua đuổi các con vật không đến phá nương rẫy làm hại mùa màng nữa. Điệu múa này gắn liền với đời sống lao động của người Khơ mú.

Nếu múa ống tre, múa trống là những điệu múa mà cả nam, nữ đều tham gia được thì điệu múa “Tẹ đao”là loại múa chỉ dành riêng cho phụ nữ, đao làm từ thân cây nứa nhỏ, đường kính từ 3-4cm, dài từ 50-60cm.Khi múa “Tẹ đao”, người múa thường xếp thành hai hàng đối diện nhau, sau nhịp dẫn của người đội trưởng, tất cả cùng hòa theo nhịp. Trên nền nhịp và âm thanh của “Tẹ đao”, các điệu múa sẽ được biến tấu hài hòa, tinh tế,… Cứ như thế, nhịp điệu tăng dần, càng lúc càng thôi thúc hơn, thăng hoa hơn trong điệu múa, như không bao giờ dừng lại.Múa “Tẹ đao” là sự luân chuyển của hai tổ hợp động tác: những bước chân nhún nhẹ nhàng di chuyển ngược theo chiều kim đồng hồ với những động tác lắc mông.

Nghệ thuật múa của người Khơ mú ở huyện Nậm Pồ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Phan Ngọc Linh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin cho biết: Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn huyện, trong thời gian tới Phòng Văn hóa - Thông tin tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt Kế hoạch triển khai Nghị quyết về “Đẩy mạnh bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, dự kiến trong năm 2022, 2023 mở 02 lớp truyền dạy múa cơ bản dân tộc Khơ mú; cùng với đó làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hành, giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Các điệu múa của người Khơ mú gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm với mong muốn con người luôn luôn được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Thông qua các điệu múa dân gian người Khơ mú cũng thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, khát vọng tình yêu đôi lứa, hy vọng về cuộc sống ấm no đã góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa độc đáo trong cộng đồng các dân tộc huyện Nậm Pồ./.

 

Thiện Thơ
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên