Ngày 23/6/2013 huyện Nậm Pồ chính thức ra mắt, huyện coi đây là ngày sinh của huyện. Bối cảnh khi thành lập huyện rất phức tạp về tình hình ANTT, di cư tự do, lợi dụng tự do tôn giáo. Chất lượng cán bộ, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, các điều kiện về cơ sở hạ tầng rất hạn chế. Toàn huyện không có vùng kinh tế đặc trưng rõ nét, không có mô hình kinh tế nào nổi bật, không có sản phẩm địa phương chiếm lĩnh ưu thế thị trường; giao thông chủ yếu là đường đất lầy lội; chỉ 17% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia; đa số trụ sở, trường lớp học, cơ sở y tế nhếch nhác, cả huyện có một chợ được đầu tư đã qua hơn 5 năm nhưng không ai vào chợ bán hàng; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ tràn lan không kiểm soát được; tình hình đơn thư nhiều năm chưa giải quyết được đang trở nên phức tạp, nhiều địa bàn dân cư suy giảm lòng tin và sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn huyện đã thành công chuyển hóa hoàn toàn tình hình an ninh trật tự, đổi mới mọi mặt kinh tế - xã hội cùng với năng lực của đội ngũ. Nếu không thay đổi tư duy về cách giải quyết công việc thì lối mòn cũ, khuyết điểm cũ không thay đổi được. Tập thể lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đã nhìn ra và từng bước loại bỏ tư duy cũ, đồng thuận cách giải quyết các vấn đề trên cơ sở tư duy mới gắn với phong cách mới, tạo nên hiệu quả rõ nét đưa huyện vào thế phát triển thuận lợi và ổn định về lâu dài.
Trước hết phải có tư duy mới về phong cách làm việc, cơ quan tham mưu phải phát huy trách nhiệm và tính chủ động thực hiện đúng chức năng tham mưu, giúp việc, không đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Lãnh đạo huyện làm gương và phổ biến phong cách làm việc sâu sát cơ sở, nắm chắc cơ sở, giải quyết việc ngay và dứt điểm không để nhân dân chờ đợi và không để phát sinh điểm nóng. Kiên quyết loại bỏ tư duy làm việc thụ động, cấp trên nghĩ việc cho cấp dưới, ngồi một chỗ chờ cấp dưới báo cáo, đề xuất lên thì cấp trên mới có việc; cấp xã đề xuất lên thì các phòng ban chức năng cấp huyện mới có việc. Đến nay tư duy, phong cách mới đang phổ biến ở các cấp, các cơ quan trong huyện; đơn vị, tổ chức, ban ngành nào, cá nhân cán bộ nào đổi mới tư duy, phong cách theo xu hướng này thì luôn đạt hiệu suất công tác cao.
Trong công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch dài hạn, kế hoạch đầu tư, huyện luôn chú trọng tầm nhìn nhiều năm. Quy hoạch đô thị huyện, xã phải tính toán khả năng phát triển trong vài chục năm sau, đảm bảo các điều kiện cho phát triển, sớm xử lý những dấu hiệu bất ổn có thể gây phức tạp cho những năm sau. Từ một huyện có điểm xuất phát thấp về kinh tế, xã hội, phức tạp về an ninh trật tự, huyện đã khẩn trương hoàn thành Đề án giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Quy hoạch xây dựng nông thôn mới các xã mới chia tách, Quy hoạch xây dựng đô thị trung tâm huyện, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định những tiềm năng lợi thế chính của huyện là đất đai rộng, diện tích rừng tự nhiên lớn, vị trí thuận lợi giao thương với các địa phương trong tỉnh và một số địa phương vùng bắc Lào, đồng bào các dân tộc ở đây có bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng đậm nét. Trên cơ sở đó định hướng được lộ trình phát triển một cách hợp lý và theo quy luật để phát huy hiệu quả của các nguồn lực; lường trước được những hệ lụy, mặt trái có thể phát sinh trong quá trình phát triển; bố trí nguồn lực, quản lý nguồn lực và phát huy giá trị của các nguồn lực sao cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
Quản lý tốt quy hoạch để phát triển hạ tầng nông thôn
Từ các nguồn vốn được giao, huyện đã tập trung đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất các xã; 10/15 trụ sở xã được chỉnh trang, nâng cấp khang trang. Điện lưới quốc gia được đưa đến 70% số bản, gấp 5 lần ngày huyện mới thành lập; giao thông nông thôn được mở mới và nâng cấp cho hơn 95% số bản. Các điểm dân cư xa xôi đã được đầu tư mở mới đường ôtô vào bản như: Pá Kha, Huổi Dạo, Ham Xoong, Nậm Chua 3, Huổi Lụ, Sam Lang, Na Cô Sa 4, Huổi Anh, Huổi Noỏng, Huổi Tre, Hô Hài, Nậm Pồ Con, Huổi Đắp, Mốc 4, ....
Để khai thông, đẩy mạnh việc giao thương, trao đổi hàng hóa, huyện luôn chú trọng đảm bảo giao thông kết nối với huyện Mường Chà, Mường Nhé và cửa khẩu A Pa Chải qua quốc lộ 4H, với thị xã Mường Lay qua đường Chà Tở - Mường Tùng và với bạn Lào qua cửa khẩu phụ Si Pa Phìn - Huổi Lả, lối mở Mốc 49 và Mốc 65, thông thương với huyện Nậm Nhùn qua tuyến đường thủy Nậm Khăn - Nậm Nhùn. Các trung tâm cụm xã, trung tâm huyện được đầu tư xây dựng chợ đầu mối giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa nông, lâm sản.
Nậm Pồ đã có mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối với các huyện Mường Nhé - Mường Chà - Thị xã Mường Lay
Thời điểm huyện mới thành lập, tình trạng đơn thư khiếu kiện, tranh chấp và chiếm dụng đất đai, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do... diễn ra cực kỳ phức tạp. Rất nhiều vụ việc kéo dài qua nhiều năm chưa tìm ra hướng giải quyết, hoặc đã giải quyết nhưng chưa được nhân dân đồng thuận cao. Làm thế nào để xử lý dứt điểm các vụ việc, được đại đa số nhân dân đồng thuận, đồng thời không để xảy ra điểm nóng mới? Đó là câu hỏi khiến cả tập thể lãnh đạo huyện cùng nhau trăn trở. Quan điểm và phương châm giải quyết được tập thể thống nhất là phải xuất phát từ việc phải bảo đảm quyền lợi của người dân, cân bằng lợi ích của các bên trong tranh chấp, nắm bắt cụ thể tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi của người dân để giải quyết, trên cơ sở những quy định hiện hành của luật pháp. Đối với vấn đề di cư tự do, công tác vận động phải làm cho bà con hiểu rõ đất và rừng đang là chỗ dựa cho cuộc sống hiện tại và lâu dài của nhân dân sở tại, nên nhân dân phải tự bảo vệ, không để người di cư vào chiếm dụng.
Đối với hoạt động tôn giáo, huyện tổ chức gặp mặt và đối thoại với 92/92 trưởng điểm nhóm đạo, thống nhất nguyên tắc quản lý và phối hợp. Nhờ vậy, di cư tự do được kiềm chế hoàn toàn, hoạt động tôn giáo đi vào nề nếp. Đơn thư khiếu nại, vụ việc tranh chấp, chiếm dụng đất đai, đòi bồi thường đất với gần 60 vụ việc tồn đọng phức tạp từ nhiều năm trước, trong đó tồn đọng đơn khiếu kiện về giao thiếu đất của 200 hộ tái định cư mẫu Nậm Chim, tranh chấp địa giới có 29 điểm rất khó giải quyết. Tư duy nhất quán là giải quyết những vụ việc về đất đai phải đồng thời đưa công tác quản lý đất đai vào nề nếp, chính quy, chuẩn xác, từng bước hiện đại hóa, coi trọng quyền lợi và lịch sử quản lý của nhân dân; chủ động xem xét xử lý các vụ việc, sắp xếp thứ tự giải quyết vụ việc sao cho đảm bảo sự ổn định đồng thời phải đúng pháp luật, hợp lòng dân, dứt điểm từng vụ việc, không né tránh, không đổ lỗi cho ai, tạo niềm tin cho nhân dân. Đến nay, dù chưa được đo vẽ bản đồ địa chính, chưa được kiểm kê đất đai, nhưng các vụ việc từ lịch sử để lại đều đã lần lượt giải quyết xong.
Cần có định hướng chiến lược cho phát triển kinh tế lòng hồ
Để phát huy nguồn lực con người, huyện đã tích cực cải tạo cơ sở vật chất trường lớp học, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước và của các tổ chức cùng công sức lao động của giáo viên, cha mẹ học sinh nên chỉ sau 2 năm, từ 80% cơ sở vật chất trường lớp học, nhà và bếp ăn bán trú ở tình trạng tạm bợ, dột nát, lầy lội đã cơ bản giải quyết xong, không còn tình trạng này; sân chơi, nhà vệ sinh ở các trường, điểm trường đều được bê tông hóa, lớp học đảm bảo 3 cứng đến kiên cố hóa. Cả hệ thống chính trị vào cuộc huy động học sinh ra lớp, tạo mọi điều kiện cho giáo dục phát triển. Đó là những yếu tố rất quan trọng nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp từ dưới 70% lên trên 95%. Sau hơn 4 năm số trường chuẩn quốc gia đã tăng từ 4 trường lên 20/37 trường, mở mới thêm 2 trường trung học phổ thông. Huyện chú trọng tạo điều kiện cho con em trong huyện đã học xong chuyên nghiệp được vào các cơ quan huyện, xã làm việc, giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp để người lao động tìm việc làm phù hợp.
Trong công tác cán bộ, chọn những người có trình độ, triển vọng cho đi đào tạo, bồi dưỡng, thử thách luân chuyển để có cơ sở bổ sung nguồn cán bộ lâu dài; thay thế, bố trí, sắp xếp cán bộ xã và các phòng ban huyện phù hợp tiêu chuẩn, năng lực, sở trường và cơ cấu, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức học tập nâng cao trình độ. Tư duy trên đây được thực hiện minh bạch, rõ ràng nên nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của cán bộ và quần chúng; đảm bảo sự ổn định và phát triển lành mạnh của đội ngũ cán bộ huyện, xã, không để dư luận xì xèo về chạy chức, chạy việc.
Các điểm vui chơi tập trung của nhân dân hoặc sân vận động được quy hoạch và đầu tư ở tất cả các xã, trong đó có 8/15 xã đã hoàn thành đầu tư. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được khơi dậy ở tất cả các xã; đầu tư mạnh cho đội văn hóa thông tin lưu động để làm hạt nhân, nòng cốt xây dựng và thúc đẩy phong trào ở cơ sở. Đổi mới tư duy về phát triển sự nghiệp y tế với việc làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong thực hiện các chỉ tiêu y tế quốc gia. Vì vậy sự nghiệp y tế có bước chuyển biến rất tích cực.
Bảo vệ rừng giữ nguồn nước kết hợp sản xuất ruộng bậc thang
Từ xuất phát điểm về kinh tế rất thấp, trình độ sản xuất của nông dân còn rất lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%... huyện đã đánh giá cụ thể tiềm năng về đất đai và rừng, xác định mô hình kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trên cơ sở phát triển mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển ruộng bậc thang trồng lúa nước, từng bước giảm diện tích lúa nương, từng bước ngăn chặn tình trạng phá rừng làm nương, thay đổi tập quán sản xuất, không coi phá rừng như một “cứu cánh” mưu sinh được. Nắm được “bước chuyển tâm lý” của nhiều người dân, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tổ chức giao rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng; tuyên truyền để nhân dân nhận thức được rừng là tài sản sinh lợi, từ đó người dân tự nguyện khoanh nuôi tái sinh, tự giác bảo vệ rừng. Đến nay gần 60.000 ha rừng đã được bảo vệ (chiếm 40% diện tích tự nhiên, tăng gần 10.000ha); diện tích ruộng nước chiếm gần 2.000 ha, tăng 60% so với ngày mới thành lập huyện. Sản lượng lương thực tăng bình quân 900 tấn/năm, đàn gia súc tăng bình quân gần trên 1.200 con trâu, bò/năm.
Xây dựng thương hiệu sản phẩm chè cây cao, nâng cao thu nhập cho nhân dân
Tư duy về cách vận động quần chúng cũng thay đổi rõ nét và rất căn bản. Các nội dung tuyên truyền, vận động ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu với hình thức phong phú gắn với đời sống, sản xuất của nhân dân và nhân dân tự đặt vấn đề, tự bàn bạc đưa ra kiến nghị đề xuất. Hàng năm tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa chính quyền với nhân dân, lãnh đạo tổ chức tiếp công dân, đối thoại với công dân ngay tại cơ sở; cấp ủy Đảng ở cơ sở đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động quần chúng. Do vậy các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đưa trẻ đến trường, các đợt tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... đạt hiệu quả khá cao. Công tác vận động quần chúng kết hợp củng cố chính quyền cơ sở đã làm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân, coi nhân dân là chỗ dựa tin cậy và vững chắc, nâng cao năng lực tự quản địa bàn; đại đa số nhân dân đồng thuận và có quan điểm đúng đắn, luôn nêu cao ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền.
Từ thực tế công tác 5 năm qua mọi người đều đã nhận ra tư duy mới gắn với phong cách làm việc mới đã tạo nên hiệu quả giải quyết công việc rất cao, tạo bước phát triển của huyện có tính chất nền tảng căn cơ lâu dài và khá toàn diện. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2023 và các năm sau, đòi hỏi tư duy mới này cần duy trì và thể hiện tích cực, toàn diện và sâu sắc hơn để huyện Nậm Pồ có bước phát triển mạnh hơn, bền vững hơn, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển và nhân rộng các mô hình, phương thức sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và rừng, không ngừng cải thiện hơn nữa mức sống của nhân dân./.