Nhìn lại chặng đường đã qua, ngành giáo dục và đào tạo Nậm Pồ tự hào về những kết quả đã đạt được. Đây chính là tiền đề tạo niềm tin và động lực cho quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo phía trước, từ đó có những bước đi vững chắc hơn.
Ngày 23/6/2013, tại mảnh đất biên giới cực Tây của Tổ quốc, tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ ra mắt huyện mới Nậm Pồ theo Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ trên cơ sở chia tách địa giới hành chính của hai huyện Mường Chà và Mường Nhé. Đây là dấu mốc có ý nghĩa chính trị quan trọng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Nậm Pồ nói riêng, trong đó có ngành giáo dục và đào tạo.
Nhớ lại những ngày đầu huyện mới thành lập, khó khăn chồng chất khó khăn: Đường đến các trường, điểm trường xa xôi, lầy lội, nhọc nhằn; nhiều điểm trường không có chỗ ở cho giáo viên, nhiều lớp học trong cảnh xập xệ, chủ yếu là nhà tạm và bán kiên cố; nhà ở cho học sinh thiếu thốn, ở nhiều trường học sinh bán trú tự nấu ăn ở lán, ở vỉa hè, toàn huyện chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện cho học sinh ăn, ở bán trú; trang thiết bị giáo dục nghèo nàn. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp thấp, nhất là mầm non 5 tuổi và độ tuổi THCS, học sinh học THPT mới đạt gần 20% trẻ trong độ tuổi, việc duy trì sỹ số, đảm bảo chuyên cần càng khó khăn;số trường đạt chuẩn quốc gia “khiêm tốn” với 4/37 trường.
Nhà ở của học sinh nội trú Trường PTDTBT TH Nà Khoa năm học 2013 - 2014
Hầu hết các điểm trường chỉ là tạm bợ
Để đáp ứng cho năm học đầu tiên và quy mô phát triển cho các năm sau, theo tính toán, toàn huyện cần phải tu sửa, làm lại 133 phòng học, 110 phòng nội trú học sinh; phải làm mới 69 phòng học, 190 phòng nội trú học sinh và một số bếp ăn cho trường có học sinh bán trú. Do nhiều nguyên nhân nên chất lượng đội ngũ còn yếu, lúc này chưa thể đòi hỏi nhiều về nâng cao chất lượng dạy và học; xã hội hóa giáo dục rất hạn chế. Năm học 2013-2014 toàn huyện có 37 trường mầm non, tiểu học, THCS và 1 trường THPT, với tổng số 778 lớp, 15.171 học sinh; 1510 cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên; 08 trường Phổ thông dân tộc bán trú. Giáo dục Nậm Pồ đứng thứ 10/10 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Xác định toàn cảnh những khó khăn, thách thức của toàn ngành giáo dục, với tinh thần “Quyết tâm vượt khó, sáng tạo, đổi mới, đoàn kết đồng lòng, tháo gỡ dần những khó khăn, giải thoát dần những bế tắc, tạo dựng nền tảng cơ sở vật chất ổn định an cư để thuận lợi cho nâng chất lượng dạy và học”, Huyện đã có nhiều giải pháp mang tính chất đột phá nhằm phát triển, nâng cao chất lượng công tác giáo dục góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 100% các trường đã động viên được toàn thể cán bộ, giáo viên vừa đảm bảo yêu cầu chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp dạy học, bám trường, bám lớp, bám dân bản vận động học sinh đi học, vừa chung sức lao động xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo tiêu chí “ba cứng”, cải tiến cách phục vụ ăn nghỉ cho học sinh bán trú, tạo dựng cảnh quan môi trường và chất lượng giáo dục hấp dẫn học sinh để hạn chế học sinh bỏ học, duy trì tỷ lệ chuyên cần. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động ủng hộ vật chất và ngày công lao động, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia phát triển giáo dục.
Kết thúc năm học đầu tiên, giáo dục Nậm Pồ đã làm nên một “kỳ tích” mà bao năm là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương về thực trạng giáo dục ở vùng cao gian khó. Toàn huyện đã dựng mới được 116 phòng học, 106 phòng nội trú và nhà công vụ cho giáo viên, 49 bếp ăn tập thể; sửa chữa láng bê tông trên 10.000 mét vuông sân trường và nền nhà… Từ việc xã hội hóa giáo dục đã huy động đầu tư hơn 3 tỷ đồng cho việc xây dựng, tu sửa trường lớp học; giáo viên, học sinh và nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hàng trăm mét khối gỗ, sỏi làm nền,… Ngay từ năm học đầu tiên, nhiều trường đã có diện mạo mới đổi thay rõ nét, tạo đà cho chất lượng giáo dục, sĩ số học sinh được duy trì, giáo viên yên tâm công tác, bám trường, bám lớp.
Kết thúc năm học 2013 - 2014, Nậm Pồ đã xây mới được 217 phòng học "3 cứng", một sự quan tâm thiết thực cho giáo dục vùng cao
Sau 5 năm xây dựng, phát triển với muôn vàn khó khăn, thách thức mà ngành giáo dục và đào tạo đã trải qua, diện mạo hệ thống ngành giáo dục và đào tạo Nậm Pồ đã thực sự đổi thay từng ngày:Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học và yêu cầu giáo dục phổ thông. Hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS có 834 phòng học (trong đó: 385 phòng kiên cố, 80 phòng bán kiên cố, 369 phòng ba cứng), có 249 phòng công vụ, 472 phòng nội trú; 37/48 trường có công trình nước sạch, công trình vệ sinh, 37/48 trường với tổng số 552 máy tính được nối mạng; 20 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ... Đối với các trường THPT, huyện đã tạo điều kiện giúp Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cấp trường THPT Chà Cang và xây dựng mới đi vào hoạt động trường THPT Nậm Pồ, nâng tổng số học sinh THPT từ quy mô hơn 500 học sinh lên hơn 1.000 học sinh, đồng thời triển khai quy hoạch xây dựng trường THPT dân tộc nội trú huyện.
Đội ngũ giáo viên tâm huyết với nghề
Nhiều trường đặc biệt khó khăn không còn cảnh “thấp thỏm” lo học sinh bỏ học, lo chỗ ăn ở cho các em và thiếu nước sinh hoạt. Niềm vui nào hơn với các thầy cô là học sinh chăm chỉ đến trường, xin đến học không phải như trước đến từng nhà vận động để phụ huynh cho con đi học; hàng loạt những phòng học tạm, tranh, tre, nứa, lá được thay bằng những phòng học “ba cứng”; công tác xây dựng trường “Xanh - Sạch - Đẹp” được quan tâm. Đặc biệt là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú và mầm non, cơ bản đã được cung cấp đủ số trang thiết bị và đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Hầu hết các điểm trường ở bản đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có đủ điều kiện cho giáo viên yên tâm cắm bản.
Nậm Pồ đã xóa bỏ hoàn toàn phòng học tạm
Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao
Thế hệ những thầy cô giáo trong 5 năm qua - những người lái đò thầm lặng “Gieo chữ vùng cao” tự hào về bước chuyển mình to lớn của sự nghiệp giáo dục huyện nhà, tự hào về những đóng góp công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình tạo dựng trong bước khởi đầu đầy gian nan, vất vả.
Chặng đường 5 năm chưa phải là dài, nhưng đổi thay thực sự rõ nét mà bất kỳ ai trải qua cũng thấy được, công sức của những người đang ngày đêm cống hiến trong ngành Giáo dục và Đào tạo huyện nhà thật lớn lao. Những thành công đó tiếp tục là khởi đầu cho giai đoạn mới phấn đấu toàn ngành tổ chức tốt các hoạt động dạy - học - giáo dục toàn diện; từng bước nâng cao chất lượng, quy mô và các hoạt động giáo dục hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo phía trước còn nhiều thách thức mới, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên chức ngành giáo dục. Hy vọng, với sự quyết tâm và nỗ lực của ngành, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện sẽ vươn lên tầm cao mới và phát triển toàn diện./.