Được thành lập trên cơ sở những xã đặc biệt khó khăn của hai huyện khó khăn nhất tỉnh Điện Biên, nên huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ nằm trong danh sách 65 huyện nghèo nhất nước. Đến nay, sau gần 5 năm tìm hướng “đột phá” trong khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích đất nông nghiệp, huyện nghèo đang từng bước thay da đổi thịt.
Khai hoang, phục hóa đất cằn
Mấy năm trước, chúng tôi có dịp vào Nậm Pồ, khi ấy huyện mới thành lập còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao vì hầu như người dân chỉ dựa vào sản xuất trên nương, năng suất bấp bênh. Vậy nhưng lần trở lại này đã khác. Con đường từ quốc lộ 4H dẫn vào trung tâm huyện giờ uốn lượn giữa những ruộng lúa, nương ngô chứ không “lẻ loi” giữa sỏi đá khô cằn như trước nữa. Những triền đồi thuộc địa bàn các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Nậm Tin... giờ đã thấy nhiều thửa ruộng bậc thang. Đó là “thành quả” rõ ràng nhất từ chính sách hỗ trợ khai hoang phục hóa theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ cùng với bao mồ hôi công sức của người dân.
Tại bản Nương, xã Nà Bủng (địa bàn gần biên giới Việt - Lào), ông Giàng A Ly (dân tộc Mông) phấn khởi cho biết: "Trước đây chỗ này là bãi hoang um tùm cỏ dại đến gia súc còn ngại đi qua. Vậy nhưng sau mấy lần họp bản, được cán bộ khuyến nông huyện về tận nơi hướng dẫn cách cải tạo đất hoang thành ruộng bậc thang, tận mắt thấy những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh ở Mù Cang Chải, tôi đã thuyết phục vợ con đầu tư tiền, công sức làm ruộng. Những chỗ đất mềm, dễ cải tạo thì gia đình tự làm; những chỗ khó, nhiều đá thì phải thuê máy về xúc đá, đào đất. Ròng rã hơn ba tháng liền, mất gần năm triệu tiền thuê máy và công sức của bốn người trong gia đình, chúng tôi làm được một héc-ta ruộng bậc thang, trong đó 8.000 m2 cấy được hai vụ, còn 2.000 m2 cấy một vụ. Vụ mùa năm 2017, gia đình tôi còn dư lúa, bán cho tư thương để thêm tiền sắm sửa vật dụng gia đình". Ông Ly nhẩm tính thêm: “Vụ này sản lượng lúa không cao hơn thì cũng bằng năm ngoái, tôi tính sẽ có tiền mua thêm tủ lạnh cho gia đình thằng con cả. Vì mấy đứa cháu ao ước có tủ làm kem lâu lắm rồi!”.
Cũng được tuyên truyền, vận động và được hướng dẫn kiểu “cầm tay chỉ việc” như gia đình ông Ly, hai năm qua, toàn xã Nà Bủng có mấy chục gia đình thoát nghèo nhờ tích cực khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2015-2017, toàn xã đã khai hoang, phục hóa được 20 ha ruộng bậc thang; hầu như toàn bộ các bản đều có diện tích ruộng khai hoang mới. Vụ đông xuân năm 2016-2017 là vụ đầu tiên người dân xã Nà Bủng xuống ruộng gieo mạ cấy lúa, với tổng diện tích hơn ba héc-ta. Đó là “việc chưa ai thấy” ở vùng cao xa xôi khuất nẻo này. Với những con người vốn chỉ quen với chọc lỗ tra hạt và quanh năm chỉ biết gieo mạ một lần, thì cái ngày đầu xuống ruộng làm lúa vụ đông xuân là “kỷ niệm” nhớ mãi.
Nhắc về ngày xuống giống lúa đông xuân đầu năm 2017, bà Giàng Thị May, người Mông bản Nậm Tắt, vẫn chưa hết ngạc nhiên. Bà May bảo: “Hơn bảy mươi tuổi rồi tôi mới đi cấy vụ đông đấy. Ngay cả khi cấy rồi trở về nhà tôi cũng không tin là cây lúa sẽ cho hạt, vậy mà khi thu hoạch lúa cứ chất đầy góc nhà. Vui! Vui quá!”.
Thay đổi thói quen canh tác
Ông Lèng Văn Liếng, 58 tuổi, dân tộc Thái, bản Mới 1, xã Chà Cang say sưa nói về thành quả lao động của gia đình. Ông Liếng bảo, có nằm mơ cũng không khi nào nghĩ sẽ có nhà cửa, ruộng vườn như bây giờ. “Tất cả là nhờ có ruộng nước thay lúa nương đấy”! - ông Liếng khoe với chúng tôi. Trong câu chuyện, ông Liếng nhiều lần nhắc đến việc cán bộ Trạm Khuyến nông huyện đến từng nhà vận động, hướng dẫn người dân cách khai hoang đất nương thành ruộng bậc thang; cải tạo ruộng một vụ để cấy thành hai vụ như bây giờ.
Không chỉ Chà Cang mà nhiều xã khác trong huyện, phong trào khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Tại các xã như: Nậm Tin, Si Pa Phìn, Na Cô Sa và Nà Khoa, chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như vụ đông xuân năm 2016-2017, nhờ khai hoang ruộng bậc thang mà ba xã: Nà Bủng, Nậm Tin và Na Cô Sa lần đầu hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất huyện giao. Đối với diện tích phục hóa, người dân đã chuyển đổi từ cây ngô, sắn sang trồng chuối tây ở xã Nậm Tin; đậu tương, lạc ở xã Nà Bủng, Nà Hỳ. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang mà diện tích rừng được khoanh nuôi, chăm sóc bảo vệ trên toàn huyện đạt 60 nghìn héc-ta (tăng gần 10 nghìn héc ta so với năm 2013), tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 40%; người dân bỏ làm nương và tích cực khoanh nuôi tái sinh rừng.
Chung quanh câu hỏi “Bằng những giải pháp nào mà Nậm Pồ lại chuyển đổi được nhận thức nhân dân nhanh như thế?”, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Đa số đồng bào nhận ra rằng mình di cư đến đây đã vài chục năm, thói quen phá rừng làm nương không những không hết nghèo mà càng nghèo hơn, môi trường sống khó khăn hơn; vì vậy cần phải thay đổi tập quán sản xuất, không coi phá rừng như một cách mưu sinh được. Nắm được “bước chuyển tâm lý” của nhiều người dân, UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tổ chức giao rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng; tuyên truyền để nhân dân nhận thức được rằng rừng là tài sản sinh lợi, từ đó người dân tự nguyện khoanh nuôi tái sinh, tự giác bảo vệ rừng.
Ông Mùa A Giàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Si Pa Phìn cho biết: Trước đây, người dân Si Pa Phìn chỉ biết làm nương, đến mùa vụ đi vận động bà con làm ruộng nước rất khó khăn. Mấy năm gần đây, xã phát động phong trào khai hoang ruộng nước bậc thang, tất cả các bản đều có diện tích ruộng khai hoang mới. Vụ đông xuân 2016-2017, xã Si Pa Phìn hoàn thành vượt kế hoạch huyện giao. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, chính quyền xã thực hiện nghiêm việc đo đạc, kiểm đếm, chi trả tiền hỗ trợ đầy đủ, kịp thời. UBND xã ưu tiên khảo sát các điểm có vị trí thuận lợi, đề nghị UBND huyện đầu tư xây dựng công trình thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất lúa nước. Từ năm 2016 đến nay, mức hỗ trợ khai hoang tăng lên thành 15 triệu đồng/héc-ta, phục hóa 10 triệu đồng/héc-ta, cũng góp phần đáng kể thu hút người dân chủ động khai hoang.
Nhờ tăng cường khai hoang, phục hóa đất sản xuất, đến nay diện tích ruộng nước ở Nậm Pồ chiếm gần 2.000 ha, tăng 60% so với ngày mới thành lập huyện. Sản lượng lương thực tăng bình quân 1.000 tấn/năm, đàn gia súc tăng bình quân gần 4.000 con trâu, bò/năm. Đó cũng chính là những con số ấn tượng trong bước “đột phá” sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.