Đối với những ai đã và đang gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao nói chung và giáo dục huyện Nậm Pồ nói riêng thì công tác vận động học sinh là công việc đặc thù và khá quen thuộc. Đặc biệt sau mỗi dịp nghỉ Tết, nhiệm vụ huy động học sinh ra lớp lại càng cần thiết. Hiểu được tầm quan trọng đó, ngay từ những ngày đầu sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc, chúng tôi đã bắt tay ngay vào hoạt động huy động học sinh ra lớp.
Tết của người dân tộc Mông nói riêng và các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nói chung thường kết thúc muộn, các hoạt động vui xuân kéo dài gần như hết tháng Giêng. Phong tục này đã ăn sâu vào nếp nghĩ tự bao đời nay, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của học sinh. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, các em có tâm lí vui chơi Tết đến khoảng rằm tháng Giêng mới trở lại trường để tham gia học tập; nên ngay sau kỳ nghỉ Tết các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn huyện đã xuống từng bản, vào từng nhà làm công tác vận động từng phụ huynh, học sinh để đảm bảo sĩ số, kế hoạch giảng dạy cũng như chất lượng dạy và học.
Ngày 27/2, theo đúng kế hoạch giáo viên trong Trường PTDTBT THCS Phìn Hồ đã có mặt tại các điểm bản được phân công phụ trách, tôi được phụ trách điểm bản Phìn Hồ (xã Phìn Hồ). Ngày đầu đi vận động, Phìn Hồ đón chúng tôi bằng cơn mưa xuân đột ngột, thoáng đến thoáng đi trong suốt cuộc hành trình. Nó không dai dẳng để thử thách sự kiên trì của người khác nhưng đủ làm cho con đường đồi gần 10km trở nên lầy lội, trơn trượt, đủ làm nản lòng bất cứ ai nếu như lần đầu đặt chân xuống bản làng heo hút này.
Đường về bản ngày mưa
Bản Phìn Hồ nằm khá xa trung tâm xã Phìn Hồ, giao thông đi lại tương đối khó khăn. Vào mùa mưa, đường nhỏ hẹp, trơn trượt, đất thành vũng lầy chỉ có thể đi bộ, việc xuống bản thật sự rất vất vả. Người dân trong bản 100% là đồng bào dân tộc Mông, nhận thức còn hạn chế, cuộc sống còn vô vàn khó khăn. Vì vậy, bản Phìn Hồ là bản trọng điểm trong công tác vận động học sinh. Đây thực sự là thử thách rất lớn đối với những người làm công tác giáo dục trên địa bàn cũng như cấp ủy, chính quyền xã, đặc biệt là những người thầy, người cô như chúng tôi. Nhưng với nghị lực quyết tâm, sự tâm huyết với nghề và tình yêu thương với trẻ, chúng tôi đã vượt chặng đường dài vào với bản. Tại bản Phìn Hồ, chúng tôi đã gặp gỡ và trao đổi với đồng chí trưởng bản để nhờ sự trợ giúp, phối kết hợp tuyên truyền tới bà con. Tiếp đó, chúng tôi đi đến từng nhà vận động đồng thời rà soát số lượng học sinh lấy chồng, lấy vợ sau Tết. Đến mỗi gia đình, chúng tôi đều gặp gỡ các phụ huynh, trao đổi để phụ huynh hiểu được trách nhiệm của gia đình đối với việc học tập của con em mình. Đồng thời chúng tôi cũng nắm bắt tâm lý của các em học sinh, giải thích để các em hiểu sự cần thiết của việc học và phổ biến lịch học của nhà trường.
Đường đi vận động học sinh ra lớp gian nan, vất vả
(Từ trái qua: Thầy Lò Văn Thái, cô Lê Thị Kim Oanh, Thầy Lò Văn Dũng–giáo viên trường PTDTBT THCS Phìn Hồ trên đường đi vận động học sinh bản Phìn Hồ)
Công tác vận động tại nhà học sinh
Trải qua những chuyến đi, điều làm chúng tôi ấm lòng nhất là cảm nhận được tình cảm của các bậc phụ huynh và học sinh. Tuy rằng cuộc sống của đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, việc học tập của con em chưa thực sự được chú trọng, đường đến trường còn vất vả song họ vẫn dành cho những người thầy, người cô tình cảm mến yêu, kính trọng rất đỗi trong trẻo, giản đơn như con suối, chân thật mà nồng nhiệt như ngọn núi của bản làng. Niềm vui nghề giáo chỉ cần như thế, đó cũng chính là động lực để chúng tôi tiếp tục những chuyến đi ngày hôm nay và cả sau này. Những bàn tay thô ráp nắm tay chúng tôi thật chặt, những nụ cười như nắng tỏa mùa xuân làm chúng tôi quên đi mệt mỏi của chặng đường dài vất vả. Đồng chí Cháng A Chư, trưởng bản Phìn Hồ tâm sự: “Cảm ơn các thầy cô đã đến thăm bà con dân bản chúng tôi, có các thầy cô lên thăm chúng tôi vui lắm, chúng tôi sẽ cố gắng thường xuyên họp bản vào các buổi tối để vận động dân bản không cho con bỏ học lấy vợ, lấy chống sớm, đi học để có cái chữ, để giúp dân bản thoát nghèo”. Thành công của mỗi người thầy không chỉ là “Người lái đò” đưa các lớp thế hệ tương lai cập bến mà còn là cầu nối giữa nhà trường với cha mẹ học sinh để nâng cao hiệu quả giáo dục. Thầy Lò Văn Dũng, giáo viên trường PTDTBT THCS Phìn Hồ chia sẻ: “Người dân ở đây rất chân thật, hiền hậu và mến người; mỗi lần được đi vận động học sinh trên bản lại là những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, về gian khổ, được cảm nhận sự ấm áp tình người, sự nghiệp “gieo chữ” lại trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết”.
Dù còn nhiều lắm những khó khăn, vất vả trên con đường gieo chữ vùng cao, chúng tôi cùng biết bao đồng nghiệp đã và đang bước những bước chân không mỏi. Bất giác tôi chợt nghĩ đến biết bao thế hệ thầy, cô giáo đã từng đi trên con đường chúng tôi đang đi - đi khơi nguồn tri thức, thắp sáng tương lai cho mảnh đất vùng biên ải. Vì bao ánh mắt em thơ, tôi tin những bước chân không mỏi hôm nay là để đi tới một ngày mai tươi sáng hơn, lấp lánh hi vọng và ấm áp như mùa xuân đang về trên mảnh đất Phìn Hồ này.