Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng quýt đường
Thời gian đăng: 29/12/2023 09:10:22 AM

          Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tuy còn là một huyện nghèo, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng trong điều kiện khó khăn đó, đã có một bộ phận nông dân dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư phát triển kinh tế với những cây, con giống mới mang lại giá trị kinh tế cao như: Cây Sa nhân ở xã Nậm Khăn, nuôi ong lấy mật ở xã Chà Nưa, cây Cam ở xã Nậm Tin...Riêng với gia đình anh Lý Sủ Lảnh (bản Huổi Sâu, xã Pa Tần) lại chọn mô hình phát triển cây quýt đường, loại cây ít được người dân trồng từ trước đến nay. Nhưng bước đầu, mô hình trồng quýt của anh đã và đang mang lại hiu quả kinh tế rõ rệt, dần trở thành mô hình phát triển điển hình địa phương.

192.JPG

Anh Lý Sủ Lảnh thành công nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quýt đường

          Đến bản Huổi Sâu, đi bộ dọc theo một khe suối nhỏ chừng khoảng 30 phút là đến được vườn quýt đường của hộ nông dân Lý Sủ Lảnh. Vườn quýt nằm trên một mảnh đất dốc nhưng gần khe suối nên thuận lợi cho nguồn nước tưới tiêu. Những ngày này, vườn quýt đã bước vào vụ thu hoạch, gia đình anh Lý Sủ Lảnh đang tập trung nhân lực thu hoạch quýt đường vận chuyển ra đường lớn để gửi đến khách hàng.

          Theo anh Lý Sủ Lảnh, trước đây mảnh đất này chủ yếu trồng ngô, nhưng qua vài vụ  trồng năng suất thu về thấp, anh Lảnhcảm thấy trồng ngô, sắn khiến đất ngày càng bạc màu, thu nhập không cao, lại không bền vững, nên muốn thử sức với một loại cây khác tại nơi đồi núi khó khăn này. Là một người dám nghĩ, dám làm anh Lảnh đã lên mạng internet tìm những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, trên mạng nhiều chủ vườn chia sẻ trồng cây quýt đường rất hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao, có thể trồng được trên cả vùng đất dốc, đặc biệt là cây quýt có tuổi thọ cao, chỉ trồng một lần có thể cho thu hoạch lâu dài. Chính vì những ưu điểm của cây quýt đường và mong muốn tìm một hướng đi, anh Lý Sủ Lảnh đã quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng quýt đường.

191.JPG

Những cây quýt được anh Lảnh đưa về bản Huổi Sâu trồng thử nghiệm, nay đã sai quả trĩu cành.

          Chuyện bắt đầu từ năm 2019, anh Lý Sủ Lành mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu đồng về trồng quýt. Qua địa chỉ trên mạng, anh đã tìm về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội mua 300 gốc cây giống quýt đường về trồng trên diện tích đất hơn 1 ha của gia đình. Thời gian đầu, anh Lảnh cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong kỹ thuật trồng, chăm sóc như thế nào cho phù hợp. Với quyết tâm cao, anh vừa tìm tòi trên mạng, vừa gọi điện xin hướng dẫn của Trường Đại học Lâm Nghiệp Hà Nội, sau khi mua đúng phân bón và đầu tư hệ thống tưới tiêu giống quýt đường được anh đưa về trồng đã phát triển tốt. Đến năm 2021, vườn quýt cho vụ thu bói đầu tiên.Những năm sau, vườn cây của anh Lảnh sai trĩu quả, quả quýt tròn đều, mọng nước và ngọt nên khi bán ra thị trường vụ đầu tiên đã được người dân ủng hộ. Những khách hàng đầu tiên chính là hàng xóm của anh, ai nấy đều hài lòng khi thưởng thức. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trên địa bàn huyện tìm đến và đặt mua. Năm nay là vụ thu hoạch thứ 3, ước tính số lượng quả thu hoạch bán ra thị trường khoảng 2 tấn, với giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình anh Lý Sủ Lảnh thu về gần 40 triệu đồng.

          Anh Lý Sủ Lảnh phấn khởi chia sẻ: So với cây ngô, trồng cây quýt đường cho lãi cao hơn nhiều trên cùng một diện tích đất. Cách trồng và chăm sóc cũng tương đối dễ dàng, công và chi phí chăm sóc cũng không cao. Ở đây không có ai trồng nên sâu bệnh cũng rất ít, đầu ra cũng đáp ứng được, giá bán lẻ tại vườn là 20.000đồng/kg, mọi người có thể vào vườn tự tay lựa hái theo sở thích của mình. Sau khi thu hoạch vụ năm 2023 này là vợ chồng tôi trả xong hết nợ ngân hàng, vụ sau là chúng tôi bắt đầu có lãi. Hiện tại, tôi đã tìm hiểu kỹ thuật chiết, nhân giống cây quýt đường để mở rộng diện tích trồng của gia đình và cung cấp giống ra bên ngoài. Nếu ai có nhu cầu muốn trồng, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm.

193.jpg

Quýt đường quả tròn, mọng nước, vị ngọt nữa nên được nhiều người tìm mua

          Ông Lò Văn Thân, Chủ tịch xã Pa Tần, cho biết: Anh Lý Sủ Lảnh là tấm gương nông dân điển hình trên địa bàn xã, dám nghĩ, dám làm để tìm hướng phát triển kinh tế mới trên vùng đất khó. Qua đánh giá thực tế tại vườn quýt của gia đình anh Lảnh cho thấy, đây là một mô hình khá hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể tuyên truyền, vận động tới bà con bản Huổi Sâu nói riêng và người dân xã Pa Tần nói chung, để chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây quýt có giá trị kinh tế cao hơn, giúp bà con ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững./.

Sùng Dính
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên