Với công tác vận động, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống tại các địa phương. Hội viên, nông dân bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua đã chuyển hơn 2,5 ha đất trồng lúa nước sang trồng cây lạc đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Lò Văn Nọi, HUV, Chủ tịch Hội Nông dân huyện thăm Mô hình lạc tại bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua
Trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết có những diễn biến bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là cây lúa và các loại cây lương thực ngắn ngày khác. Để chủ động ứng phó với những tác hại của thiên tai, việc thay đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ thích hợp nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp cho người dân từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của từng vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao là vấn đề thực tiễn đặt ra đối với nông dân trên địa bàn. Việc sản xuất lúa nước cần được duy trì nhằm đảm bảo nguồn lương thực tại chỗ. Tuy nhiên, đối với một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả, thường xuyên gặp rủi ro, không đủ nước tưới, năng suất thấp, bấp bênh; Hội Nông dân huyện đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Cụ thể đối với những thửa ruộng thiếu nước quanh năm hay thiếu nước một mùa thì nên chuyển đổi sang trồng cây lạc, cây đậu tương, cây ngô, cây bí đỏ, cây khoai tây…
Năm 2023 hội viên, nông dân bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, (Điện Biên) đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang trồng cây lạc mang lại hiệu quả kinh tế, gia tăng giá trị canh tác và nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Trên cánh đồng Phiêng Ngúa, bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua không đảm bảo nước tưới tiêu trong việc trồng lúa nước, trước những khó khăn đó người dân không biết sẽ phải trồng cây gì đem lại hiệu quả kinh tế. Sau khi được tham gia tập huấn, tư vấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hội Nông dân huyện, nhằm phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Hội viên, nông dân bản Phiêng Ngúa đã chuyển hơn 2,5 ha đất trồng lúa nước sang trồng cây lạc đỏ. Qua trồng thử nghiệm cho thấy cây lạc rất phù hợp với điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất cao, thu hoạch đạt 24 tạ/ha, với giá bán hiện nay là 60.000đ/kg lạc hạt khô và 15.000đ/kg lạc củ tươi, cho thu nhập khoảng 360 triệu đồng/ha.
Theo ông Quàng Văn Do - Chi hội trưởng Hội Nông dân và một số hộ nông dân bản Phiêng Ngúa chia sẻ: Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp hội, đặc biệt là sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình của cán bộ Hội Nông dân huyện nên bà con đã chủ động trong công tác trồng, chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây lạc. Vì vậy giá trị kinh tế mang lại từ trồng lạc đã cao hơn so với trồng lúa nước, sau thu hoạch các hộ gia đình đều phấn khởi hồ hởi và sẽ tiếp tục trồng và nhân rộng diện tích trồng lạc vào các vụ tới!
Với hiệu quả thiết thực, mang lại giá trị kinh tế cao, ổn định, cây lạc ngày càng khẳng định vị trí của nó. Bằng chứng là có nhiều hộ gia đình nông dân hầu hết ở các xã trong huyện chọn trồng để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Chính vì vậy, cây lạc được xem là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao so với các loại cây khác ở địa phương, đóng góp tích cực cho việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện nhà.
Qua buổi thăm và kiểm tra mô hình trồng lạc tại bản Phiêng Ngúa, đồng chí Lò Văn Nọi, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Pồ đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần cần cù lao động, chịu khó tiếp thu, vận dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất của hội viên, nông dân bản Phiêng Ngúa. Nhân dịp này đồng chí Lò Văn Nọi cũng đã trao đổi với cán bộ các cấp Hội cơ sở, bà con nông dân tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh, luân canh, xen canh tăng vụ như: luân canh cây lúa vụ mùa - rau vụ đông - lạc vụ đông xuân đối với những thửa ruộng có đủ nước tưới tiêu làm ruộng. Ngoài ra có thể xen canh cây ngô với cây đậu tương, cây lạc; xen canh cây ngô với cây bí đỏ, khoai tây… để tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất của địa phương./.