“Nguồn vốn xã hội hóa giúp thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường lớp học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện Nậm Pồ” - là lời khẳng định của ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Nậm Pồ khi trao đổi với chúng tôi về hiệu quả công tác xã hội hóa. Khi thành lập, ngành Giáo dục huyện có 37 trường học thuộc 3 cấp giáo dục (mầm non, tiểu học và THCS). Trong đó, rất nhiều điểm trường sơ sài, tạm bợ; nhiều phòng lớp học cũ nát, xiêu vẹo; chỉ có 8/37 trường đủ điều kiện tổ chức ăn, ở bán trú cho học sinh. Song đến nay, những ngôi trường mái đỏ, tường xây khang trang, kiên cố “mọc” lên ngày một nhiều. Đối với học sinh nhà xa trường, hiện nay cơ bản đều đã được ở nội trú trong những căn phòng kiên cố, điều kiện sinh hoạt, ăn, ngủ đảm bảo. Hiện nay, toàn huyện có 45 trường học với 834 phòng học. Trong đó: 384 phòng học kiên cố, 53 phòng học bán kiên cố, 397 phòng học “3 cứng”, 346 phòng công vụ, 100% trường có công trình nước sạch, vệ sinh và 387 phòng ở nội trú cho học sinh. So với năm 2013, ngành giáo dục huyện Nậm Pồ đã thay thế toàn bộ 298 nhà lớp học tạm bằng phòng học “3 cứng”, làm mới 88 nhà nội trú cho học sinh, 21 bếp ăn tập thể (17 bếp sử dụng nồi hơi). Cơ sở vật chất khang trang tạo tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay, huyện có 18/45 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 14 trường đạt chuẩn so với năm 2013 (cao nhất tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2016). Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, cái được lớn nhất của ngành giáo dục Nậm Pồ đó là thay đổi nhận thức của nhân dân. Khi bà con đã hiểu: làm nhà, lớp học là để con em mình được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt hơn thì họ ủng hộ nhiệt tình và tự nguyện tham gia đóng góp ngày công san nền, dựng nhà... và nhiều vật liệu sẵn có, như: ván gỗ, cát, sỏi... Chỉ tính riêng năm học 2016 - 2017, ngành giáo dục huyện Nậm Pồ đã xã hội hóa được 14,4 tỷ đồng đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường lớp học.
Không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục, huyện cũng rất tích cực kêu gọi, kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các xã nghèo xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Điển hình như, ngày 18/6, huyện tổ chức lễ khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Cỏ Mần Trầu bắc qua suối Nậm Tin, bản Nậm Tin 4, xã Nậm Tin với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ đồng, 100% nguồn vốn xã hội hóa. Công trình được Công ty Cổ phần Y dược Khánh Thiện (thành phố Hải Phòng) tài trợ 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Phong Linh Điện Biên hỗ trợ đường bê tông dẫn 2 đầu cầu, trị giá 100 triệu đồng.
Tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện như: Nà Hỳ, Chà Nưa, Chà Cang cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư DIA Hà Tây, Hà Nội đã trao tặng các hộ nghèo xã Chà Cang 15 con bò giống; tặng hộ nghèo xã Chà Nưa 5 con bò giống và 10 tấn xi măng. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Năm 2017, xã Chà Nưa đang tập trung thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường về xây dựng nông thôn mới. Xã vận động người dân xây dựng các hố thu gom rác theo nhóm hộ, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh và trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường. Thực hiện tiêu chí này, xã đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xi măng, cát, đá sỏi. Đến nay, xã đã vận động ủng hộ được hàng trăm tấn xi măng, cát sỏi và trên 100 dụng cụ nhà vệ sinh. Dự kiến, xã sẽ đạt chuẩn tiêu chí về môi trường trước 31/12/2017 mà không cần sử dụng đến nguồn ngân sách Nhà nước.