Đó là cách làm sáng tạo được xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) phát động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân nông thôn nhằm giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải.
Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, cho biết: Để giải bài toán về rác thải ở những bản làng vùng sâu, vùng xa, thời gian trước, chính quyền xã vận động người dân đào hố rác theo hộ gia đình, nhưng vài tháng lại đầy, đốt rác tại hố thì cháy lâu và không hết, thậm chí làm cách này không an toàn và có nguy cơ hỏa hoạn. Sau đó xã đã đi tham quan 1 số mô hình thu gom và tập kết rác rồi xử lý, tuy nhiên cách làm này không phù hợp với địa bàn vùng cao, các bản ở cách xa nhau, dân cư thưa thớt, không tập trung nên việc thu gom rác thải rất khó khăn. Để có giải pháp phù hợp với thực tế địa phương, đầu năm 2017, xã Chà Nưa tiến hành làm thí điểm lò đốt với sự tham gia của các nhóm hộ và cho kết quả khả quan. Theo tính toán, mỗi lò đốt rác dự kiến sẽ được xây dựng với thể tích từ 1m3 trở lên; tùy thuộc vào số hộ sử dụng để xây lò đốt thích hợp, với kết cấu và vị trí đảm bảo hiệu quả, thuận tiện, khoa học tuỳ theo quy mô sử dụng của từng lò tạo độ hút và sức cháy trong lò đốt, phía trên có mái lợp bằng prôximăng hoặc tôn để tránh mưa. Rác thải hàng ngày được tập trung cho vào lò đốt. Lò đốt này không tốn nhiều diện tích, kinh phí xây dựng là 1,5 triệu đồng/lò, do nhân dân tự đóng góp tiền, nguyên vật liệu và ngày công lao động. Một lò đốt rác sau khi đã hoàn thành đảm bảo cho 3-10 hộ sử dụng.
Nhóm 6 hộ dân bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, xây lò đốt rác.
Trước đây, khi chưa xây dựng được các lò đốt rác thì các hộ gia đình chủ yếu vẫn tự tiêu hủy bằng cách đào hố chôn lấp tại vườn nhà hoặc đổ ra lề đường, sông suối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm mất mỹ quan thôn, bản. Khi những lò đốt rác phát huy hiệu quả, người dân đã tích cực vận động cùng nhau đóng góp kinh phí xây dựng lò đốt rác. Hiện nay, xã Chà Nưa đang tích cực triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Qua rà soát, cơ bản nhân dân các bản đều đồng tình ủng hộ. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 20 lò đốt rác thải sinh hoạt theo quy mô nhóm hộ gia đình hoặc hộ gia đình, người dân đã bắt đầu làm quen với việc phân loại rác hàng ngày và xử lý rác đúng nơi quy định. Đến cuối tháng 5/2017, phấn đấu sẽ có 80% điểm dân cư các bản vùng thấp (8 bản) có lò đốt rác, đảm bảo xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt. Đối với 1 bản vùng cao (bản Nậm Đích), sẽ thực hiện điểm ở các hộ là cán bộ, đảng viên, để người dân nhận thấy được hiệu quả sau đó sẽ triển khai rộng ra toàn bản. Dự kiến, toàn xã sẽ xây dựng 120 lò/568 hộ dân. Sau khi hoàn thành sẽ giải quyết cơ bản số rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Bản Nà Sự 2 là 1 trong 8 bản vùng thấp xây dựng lò đốt rác đầu tiên của xã Chà Nưa. Ông Lò Văn Mai, Bí thư chi bộ bản Nà Sự 2, cho biết: Bản có 63 hộ với 273 nhân khẩu. Trước đây, rác thải sinh hoạt của bà con đều đổ hết xuống suối hoặc tiện đâu vứt đó. Vào mùa mưa thì rác trôi nổi, trời nắng sẽ bốc mùi hôi thối. Khi xã có chủ trương vận động xây lò đốt rác theo nhóm hộ, người dân bản Nà Sự 2 hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Đến nay, bản đã xây được 3 lò, trung bình 3-10 hộ sử dụng 1 lò. Việc xây dựng lò đốt rác thải to hay nhỏ tùy thuộc vào lượng rác đốt của mỗi gia đình hoặc một cụm hộ gia đình. Lò đốt sẽ được mọi người trong nhóm hộ phân công quản lý theo quy định, trung bình mỗi tuần sẽ xử lý rác và vệ sinh lò 1 lần, tùy số hộ sử dụng.
Chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao, mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt theo nhóm hộ gia đình triển khai tại xã Chà Nưa đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Không những vậy còn hình thành nên ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường ở nông thôn. Đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới.