Mô hình sản xuất luôn là con đường ngắn nhất giúp bà con nông dân tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khi người dân được trực tiếp làm và nhìn thấy hiệu quả của mô hình đem lại liệu bài toán về thoát nghèo có được mở ra?
Từ năm 2013 đến nay trên địa bàn huyện đã triển khai rất nhiều mô hình sản xuất cho bà con nông dân học tập, các mô hình đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức như mô hình trồng lúa, đậu tương, sả dược liệu, mô hình nuôi vịt, gà…
Đối với mô hình trồng lúa: Được triển khai tại 02 xã Nà Hỳ và Si Pa Phìn. Diện tích 5,0 ha, số hộ tham gia mô hình 26 hộ. Mô hình phát triển giống lúa lai Nhị ưu 838 TW tại Si Pa Phìn: triển khai tại 02 bản Nậm Chim 1 và Văn Hồ với tổng diện tích hỗ trợ là 2,5 ha; hỗ trợ 75 kg giống, 2.025 kg phân bón (đạm, lân, kali) cho 13 hộ tham gia thực hiện mô hình. Năng suất đạt 73,3 tạ/ha, cao hơn năng suất bình quân của toàn huyện là 45 tạ/ha. Mô hình thâm canh lúa nước tại Nà Hỳ: triển khai tại 02 bản Nà Hỳ 1 và Nà Hỳ 2 với tổng diện tích hỗ trợ là 2,5 ha; hỗ trợ 200 kg giống, 1.625 kg phân bón (đạm, lân, kali) cho 13 hộ tham gia thực hiện mô hình. Năng suất đạt 56,6 tạ/ha.
Mô hình lúa trên địa bàn xã Nà Hỳ
Mô hình đậu tương: triển khai tại xã Nà Bủng với quy mô mô hình là 2,0 ha; số hộ tham gia mô hình là 20 hộ. Tổng kết mô hình năng suất đạt 22,3 tạ/ha.
Mô hình đậu tương phát triển tốt
Mô hình nuôi vịt: Triển khai tại 03 xã Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Chua, hỗ trợ 2.250 con vịt an toàn sinh học cho 48 hộ tham gia mô hình: Xã Chà Nưa và xã Chà Tở: Quy mô mô hình là 1.170 con giống; 9.711 kg thức ăn hỗn hợp, 30 hộ tham gia thực hiện mô hình. Đàn vịt sinh trưởng, phát triển khỏe, tỷ lệ vịt con bị chết là 23/1.170 con; trọng lượng trung bình mỗi con nặng 2,5 kg/con. Xã Nậm Chua: Quy mô mô hình là 1.080 con; 8.964 kg thức ăn hỗn hợp 18 hộ dân bản Phiêng Ngúa tham gia thực hiện mô hình. Đàn vịt sinh trưởng, phát triển khỏe, tỷ lệ vịt con bị chết là 30/1.080 con; trọng lượng trung bình mỗi con nặng 2,5 kg/con.
Mô hình nuôi vịt
Mô hình thí điểm trồng Sa nhân xanh: Triển khai tại xã Nậm Khăn với diện tích 2,0 ha. Đã hỗ trợ 4.400 cây con (bao gồm 2.000 cây trồng chính, 400 cây trồng dặm), 1.200 kg phân bón NPK tổng hợp cho 20 hộ tham gia thực hiện mô hình. Kết quả thu được sau 3 năm triển khai: Sa nhân bói quả năm đầu ước đạt 200 kg quả tươi, nay thu hoạch khoảng 100 kg quả tươi.
Hỗ trợ trồng thí điểm Sa nhân xanh: Triển khai tại 02 bản Nậm Tắt 2 và Pá Kha, xã Nà Bủng với diện tích 2,0 ha cho 26 hộ tham gia mô hình. Đã hỗ trợ 4.400 cây con (4.000 cây trồng chính, 400 cây trồng dặm) và 1.200 kg phân NPK tổng hợp để thực hiện mô hình. Hiện nay mô hình đang trong giai đoạn 2 (năm thứ 2), cây sa nhân sinh trưởng phát triển tốt.
Mô hình Chăn nuôi gà giống nội (Gà xương đen, gà lai chọi): triển khai tại 02 xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ với 30 hộ tham gia mô hình:
+ Đối với xã Phìn Hồ: Quy mô mô hình: hỗ trợ 1.500 con giống gà lai chọi cho 15 hộ dân tham gia mô hình tại bản Đệ Tinh 2. Tỷ lệ gà sống sau cấp giống đạt 91,13%; nay đã tổng kết mô hình xong, trung bình các con gà nặng 2,4 kg (khoảng từ 1,7 - 3,1 kg).
+ Đối với xã Si Pa Phìn: Quy mô mô hình: hỗ trợ 1.500 giống gà xương đen cho 15 hộ dân tham gia mô hình tại bản Tân Hưng. Tỷ lệ gà sống sau cấp giống đạt 90%, đến nay đã tổng kết mô hình xong, trung bình mỗi con gà nặng 1,7 kg.
Rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư trên địa bàn huyện và mang lại những hiệu quả đáng kể:
Về hiệu quả kinh tế: Trong thời gian triển khai hỗ trợ mô hình, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân, cải thiện cuộc sống; tạo việc làm, tranh thủ được thời gian nông nhàn cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, đối với các mô hình vật nuôi đều đã kết thúc song một số hộ đã biết tận dụng số tiền lãi để phát triển thêm sau đầu tư: bán hàng tạp hóa, mua lợn để nuôi,...
Về hiệu quả môi trường: Qua các mô hình bà con đều được tập huấn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi; làm thay đổi một phần nhận thức trong bà con nông dân, thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi. Chăn nuôi có quy mô, không chăn thả bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sống, nguồn nước,...Song bên cạnh đó, phần đa các hộ vẫn chưa ý thức về việc nuôi nhốt, chăn thả có kế hoạch, vẫn còn thả rông, chuồng trại không đảm bảo, canh tác theo lối cũ...làm ô nhiễm môi trường, không kiểm soát được dịch bệnh, năng suất cây trồng còn thấp,...
Về hiệu quả xã hội: Qua đánh giá trực tiếp của các xã có mô hình, chương trình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, trong quá trình thực hiện đến tổng kết mô hình thì đều đạt hiệu quả và kết luận mô hình có triển vọng phát triển tại địa phương. Song, hiệu quả sau đầu tư của các xã về thực hiện các mô hình nhìn chung không còn được nhân rộng, phát triển thêm như mô hình vịt thịt an toàn sinh học, mô hình gà xương đen, mô hình thâm canh lúa nước, phát triển sản xuất giống đậu tương ĐT84,...Các mô hình có triển vọng phát triển và đang tiếp tục được nhân rộng như mô hình gà lai chọi, phát triển giống lúa lai nhị ưu 838, trồng cây sa nhân. Số tiền thu được của các hộ gia đình sau khi kết thúc mô hình đã dùng để mua giống cây ăn quả, mua hàng tạp hóa để bán,...
Ngoài các mô hình được nhà nước đầu tư đến nay bà con nông dân trên địa bàn các xã đã tự mình làm các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập cho gia đình mà không cần đến sự đầu tư của nhà nước, đây là tinh thần rất tích cực trong việc chủ động, trú trọng vào phát triển nông nghiệp.
Mô hình Sả tự trồng của gia đình ông Tráng A Chu, Bản Ham Xoong, xã Vàng Đán
Ông Tráng A Chu, Bản Ham Xoong, xã Vàng Đán cho biết: Gia đình tôi tận dụng những mảnh nương lúa đã bạc màu chuyển sang trồng cây Sả này để ép tinh dầu bán, cây Sả là cây không kén đất nên dù đất xấu vẫn sinh trưởng tốt, từ khi có cây Sả gia đình tôi cũng có thêm thu nhập.
Ông Phùng Ngọc An, Cán bộ địa chính xã Vàng Đán cho biết: Hiện nay đối với mô hình trồng Sả ép tinh dầu trên địa bàn xã đã có hơn chục hộ trồng với diện tích ước khoảng 20 ha, tuy nhiên nguồn tinh dầu bán ra giá cả chưa được ổn định vì mình phụ thuộc vào thị trường của nơi khác chứ chưa bán được ở thị trường trong huyện. Nếu có thị trường tôi nghĩ mô hình này cũng đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con.
Đối với mô hình trồng cây Sơn Tra (Táo mèo) của gia đình ông Hạng A Già, bản Ngải Thầu 1, xã Nà Bủng, sau khi tìm hiểu ở một số nơi như Sơn La, Tuần Giáo… ông đã tự trồng 1,0 ha cây Sơn tra, đến nay đã cho quả. Ông Già chia sẻ: Tuy bán tại địa phương giá 10.000 đồng/kg nhưng tôi vẫn thấy hiệu quả hơn 1ha lúa nương và cây sơn tra thu hái được nhiều năm mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình tôi, hiện nay gia đình tôi đã giảm các diện tích lúa nương để trồng các loại cây có giá trị và hướng tới trồng rừng sản xuất, giờ lúa ăn chỉ tập trung trồng dưới ruộng.
Ngoài các mô hình trồng trọt ra thì phải kể đến mô hình chăn nuôi tự làm quy mô hộ gia đình của ông Vàng A Thính, xã Phìn Hồ:
Mô hình nuôi đại gia súc của ông Vàng A Thính
Ông Vàng A Thính, Phó chủ tịch UBND xã Phìn Hồ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, là người đi đầu trong sản xuất Nông nghiệp của xã để người dân tiếp cận được với các tiến bộ khoa học và nhìn thấy được hiệu quả mô hình, theo ông Thính chia sẻ: Quy mô đầu tư mỗi lần nuôi tầm 16 con, gia đình tôi nuôi theo hình thức vỗ béo (mua trâu gầy của địa phương mang về nuôi) tầm 5-6 tháng là bán, để phục vụ cho công tác chăn nuôi hiệu quả, an toàn gia đình tôi trồng hơn 1,0 ha cỏ voi, kết hợp trồng chuối là nguồn thức ăn chính cho đàn trâu. Trung bình mỗi con bán được chênh lệch tầm 10-12 triệu/con so với mức đầu tư ban đầu. Như vậy mỗi năm trừ chi phí đầu tư gia đình ông Vàng A Thính thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Vừa có hiệu quả kinh tế vừa tránh được thực trạng thả rông gia súc tại địa phương. Hiện nay đã có rất nhiều người dân quanh địa bàn đã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi đại gia súc của gia đình ông Vàng A Thính. Đây là một loại mô hình ít rủi ro, ổn định đầu ra, mang lại hiệu quả rõ rệt, do vậy UBND xã Phìn Hồ đang tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng theo quy mô hộ gia đình.
Những chuyển biến rõ rệt của nền sản xuất Nông nghiệp của huyện đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cho bà con nông dân, giúp người dân tin vào sự quan tâm của Đảng và nhà nước./.