Thực hiện chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ, qua 4 năm thành lập huyện, Nậm Pồ đã khai hoang ước đạt hơn 314 ha, phục hóa ước đạt gần 42 ha diện tích đất canh tác lúa ruộng và hoa màu, nhờ đó sản lượng lương thực của huyện đã tăng theo từng năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như giúp cho người dân có nguồn thu nhập, thực hiện có hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo trong huyện.
Theo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND huyện Nậm Pồ về thực hiện hỗ trợ khai hoang, phục hóa theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ giai đoạn 2013 - 2016 tại 7 xã trên địa bàn huyện, gồm: xã Nà Nỳ, Nà Bủng, Nậm Nhừ, Nà Khoa, Na Cô Sa, Chà Cang và xã Si Pa Phìn, Với kinh phí hỗ trợ năm 2013 cho khai hoang là 10.000.000đồng/ha; phục hóa là: 5.000.000đồng/ha, đến năm 2016, mức hỗ trợ khai hoang là 15.000.000đồng/ha, phục hóa 10.000.000đồng/ha, Chính sách khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã nhận được sự quan tâm sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và đã mang lại những kết quả tích cực, tăng sản lượng lương thực hàng năm của huyện, đồng thời tạo nên phong trào khai hoang rộng khắp trên địa bàn huyện. Đã có nhiều xã tích cực vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang, phục hóa đất sản xuất nông nghiệp như ở xã Na Cô Sa, Nà Hỳ, Nà Khoa, Chà Cang, Si Pa Phìn; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng cây Chuối tây, cây Chít ở xã Nậm Tin và Nậm Nhừ; mô hình trồng cây Đậu Tương, cây Lạc, Ngô ở xã Nà Bủng và xã Nà Hỳ... Và cũng nhờ đẩy mạnh khai hoang diện tích canh tác lúa ruộng bậc thang, đến nay nhiều địa phương trong huyện đã chủ động được lương thực, hạn chế được tình trạng xâm canh đất rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy.
Trong một chia sẻ của đồng chí Chẻo A Xoang – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ cho biết: Diện tích khai hoang, phục hóa cơ bản đảm bảo nước cấy lúa một vụ phát triển tốt, năng suất cao. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa đã giúp nhân dân dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên với địa hình phức tạp, nguồn nước tưới tiêu chưa đảm bảo thì với mức hỗ trợ 15.000.000đ/ha cho khai hoang và 10.000.000đ/ha phục hóa thấp so với điều kiện thực tế của địa phương. Các xã đề xuất tăng mức hỗ trợ khai hoang, phục hóa để có kinh phí thuê máy san ủi, mở rộng mặt bằng.
Năm 2016, xã Nà Khoa khai hoang được gần 11ha diện tích lúa ruộng và đất canh tác hoa màu
Chà Cang là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khai hoang theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Năm 2016, hưởng ứng chủ trương mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã, nhân dân Bản mới 1 đã khai hoang được 1,3 ha diện tích canh tác lúa nước hai vụ; bản Nậm Hài khai hoang được gần 0,5 ha đất canh tác lúa ruộng, đất canh tác hoa màu. Nhờ có chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa từ năm 2014 - 2016 toàn xã đã tăng diện tích khai hoang được gần 10ha và phục hóa hơn 0,2ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; cùng với đó là gần 80% hệ thống kênh mương tưới tiêu đã được kiên cố hóa. Nhận thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được nhân dân hưởng ứng, từ canh tác một vụ lên hai vụ lúa ruộng trên năm, bên cạnh đó nhân dân đã gieo trồng hoa màu gối vụ như: Lạc, đậu tương và rau màu các loại. Với việc mở rộng được diện tích như trên, đã góp phần giảm diện tích đất lúa nương, tăng diện tích đất trồng lúa nước cũng như sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân trong xã. Đây là yếu tố quan trọng để xã Chà Cang thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Khai hoang mới hơn 5ha ruộng lúa nước ở bản Nà Khuyết, xã Chà Cang
Là hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện chủ trương của xã về khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp, anh Lò Văn Hạnh - Bản Mới 2, xã Chà Cang chia sẻ: những năm trước đây, gia đình tôi được bố mẹ chia cho 200m2 diện tích đất trồng lúa nước, một năm chỉ canh tác được một vụ và chỉ sử dụng sức trâu để làm đất nên năng suất chưa cao, thường xuyên thiếu lương thực khi giáp hạt. Đến năm 2016, từ nguồn kinh phí hỗ trợ khai hoang của huyện và hưởng ứng chủ trương của xã, gia đình tôi đã thuê máy xúc san ủi mở rộng thêm được 8 thửa đất canh tác lúa nước tại Phiêng Cang. Hiện tại gia đình tôi đang khắc phục nguồn nước tưới tiêu cho bãi ruộng mới khai hoang, vụ này chắc chắn gia đình tôi sẽ chủ động được lương thực, không còn thiếu lương thực vào dịp giáp hạt như những năm trước.
Năm 2016, nhân dân bản Mới 2, xã Chà Cang đã đưa máy móc vào khai hoang được gần 4ha diện tích canh tác ruộng lúa nước tại bãi Phiêng Cang
Phát triển kinh tế ở huyện Nậm Pồ chủ yếu từ nông - lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc, với thế mạnh về đất đai, rất phù hợp cho phát triển và canh tác ruộng bậc thang, thâm canh tăng vụ các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày trên đất dốc và trồng cỏ cho chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện tại nhiều địa phương chưa khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh của địa phương mình, dẫn đến lãng phí tài nguyên đất. Để công tác khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp, hạn chế tình trạng xâm canh đất rừng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức, tập quán sản xuất, thâm canh tăng vụ, đầu tư các công trình thủy lợi, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân./.