Qua 4 năm thành lập huyện đến nay, UBND huyện đã giao rừng cho các tổ chức và cá nhân nhận bảo vệ rừng hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng được trên 51.972,92 ha. Ở nhiều xã trong huyện, kinh tế rừng đang mang lại nhiều lợi ích: Thu nhập tăng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập từ khai thác và chế biến lâm sản phụ như sa nhân, mật ong, thảo quả… Huyện chủ trương trong các tháng cuối năm 2017 và trong các năm 2018, 2019 sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, khoanh nuôi tái sinh rừng để giao thêm khoảng trên 10.000 ha rừng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của huyện Nậm Pồ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân toàn huyện quan tâm, hưởng ứng, từng bước hình thành phong trào sâu rộng; nhiều địa bàn dân cư đã tự khoanh nuôi và đề xuất đưa diện tích khoanh nuôi được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thực tế đã cho thấy, đời sống nhân dân được hưởng lợi và cải thiện nhiều từ lợi ích rừng, từ việc lấy củi đốt, chăn thả gia súc, khai thác lâm sản phụ cho tới những nguyên liệu phục vụ nghề thủ công sản xuất hàng hóa phục vụ cho sinh hoạt. Tuy nhiên, ở nhiều địa bàn, công tác tuyên truyền của các lực lượng chức năng chưa tốt, còn có nhiều đơn vị chưa vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, nhân dân chưa nhận thức đúng đắn về trách nhiệm bảo vệ rừng, nuôi dưỡng nguồn lợi từ rừng để rừng mang lại thu nhập tăng lên cho đời sống nhân dân nên việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Xã Pa Tần có 10.711,11 ha diện tích có rừng, trong đó rừng được chi trả dịch vụ
môi trường là 9.380,970 ha giao cho 8 cộng đồng và 1 tổ chức quản lý.
Toàn huyện có 127.248,08 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 58.906,08 ha đất có rừng, 68.342 ha đất chưa có rừng. Trong số diện tích có rừng, đến nay đã giao rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng là 51.972,91 ha; còn hơn 6.933,16 ha diện tích chưa giao. Tính từ năm 2011 đến nay huyện đã thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền: 122.145.193,196 đồng, riêng tạm ứng năm 2017 là trên 14,81 tỷ đồng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại nguồn thu không nhỏ so với làm nương nên được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ được rừng thì ngoài hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, chủ rừng còn có thể thu nhập từ nguồn lợi nuôi trồng và khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng. Hàng năm, rừng Nậm Pồ mang lại cho nhân dân trong huyện gần 100 tỷ đồng từ khai thác: Nấm, Măng, Mộc nhĩ, Sa nhân, hạt dổi, lá dong, mật ong, thảo quả, tre, nứa, nguyên vật liệu làm nhà và làm nghề thủ công truyền thống, v.v…
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tráng Thị Chớ, bản Nậm Thà Nà, xã Pa Tần vui mừng nói: Trước đây nhà mình làm nương nhưng không đủ ăn, nay nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng nên nhà mình không phá rừng làm nương nữa, chỉ tập trung vào chăn nuôi gia súc thôi.
Nhờ được hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay gia đình
chị Chị Tráng Thị Chớ có hơn 50 con dê, hơn 10 con lợn và hàng trăm con gà
Rừng là tài sản sinh lợi chung của cộng đồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm chung của cộng đồng. Mỗi cá nhân, tổ chức cần chung tay nâng cao trách nhiệm để bảo vệ nguồn lợi kinh tế từ Rừng./.