Là huyện mới chia tách thành lập, đường xá giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, kết cấu hạ tầng chưa đảm bảo, hầu hết các cơ quan, phòng ban, đoàn thể huyện phải làm việc chung trụ sở tạm, để sớm có mặt bằng xây dựng các trụ sở làm việc ổn định, giao thông đi lại đảm bảo, người dân ổn định, định canh định cư sản xuất, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)của huyện Nậm Pồ gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ nhân dân, năm qua công tác GPMB tại huyện đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Quang cảnh trong 1 buổi vận động tại dự án ĐTXD Đồn Biên phòng Nà Bủng
Trong năm 2016, huyện có 8 dự án phải thực hiện GPMB với tổng diện tích đất thu hồi trên 41 ha, ảnh hưởng đất đai, tài sản của hơn 300 hộ dân, bồi thường trên 28,2 tỷ đồng. Đây là thách thức không nhỏ đối với địa phương, bởi công tác GPMB luôn là vấn đề nan giải, phức tạp vì liên quan đến quyền lợi của người sử dụng đất, các chính sách an sinh, trật tự xã hội...
Công tác GPMB ở huyện mới chia tách thành lập như huyện Nậm Pồ gặp không ít khó khăn, cản trở. Nhưng khó khăn nhất vẫn là về phía nhận thức người dân còn hạn chế, vẫn còn tư duy suy nghĩ trong đầu là Nhà nước làm cho mình, đợi tiền hỗ trợ, bồi thường từ Nhà nước, có một số người thấy cán bộ Nhà nước đi xem đất ở đâu thì vội khoanh rào đất ở khu vực đấy để đợi chờ bồi thường coi như là một nguồn thu nhập mà không nghĩ nếu Nhà nước đầu tư thì mang đến cho mình nhiều thuận lợi trong cuộc sống; trong khi đó lịch sử quản lý đất đai của các địa phương và hộ gia đình không có giấy tờ, văn bản nào chứng minh được các mảnh đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, các cá nhân, tổ chức nào; phong tục tập quán của người dân trước đây là tự do phá rừng làm nương rẫy, mỗi 1 mảnh nương các hộ dân chỉ làm 1 – 2 năm rồi bỏ hoang lại tiếp tục đi chặt phá mảnh rừng khác, nhiều mảnh đất bỏ hoang cả chục năm, nhiều chủ thay nhau làm rồi lại bỏ hoang. Đến lúc cơ quan chính quyền thực hiện dự án vào khu đất nào thì cũng có hộ dân nhận là đất của mình và chờ tiền bồi thường hỗ trợ mới trả lại đất.
Trong một chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Thái, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ: Các công trình của huyện thực hiện đều phải hiến đất hết, vận động thế nào để nhân dân đều đồng thuận và tạo điều kiện cho các công trình được triển khai thi công đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn thể quần chúng ở cộng đồng dân cư cùng vào cuộc ủng hộ chủ trương đầu tư và GPMB của huyện. Trong 3 năm qua, huyện và các ngành tỉnh, các tổ chức triển khai khoảng gần 120 dự án lớn nhỏ (quy mô từ 100,0 triệu đồng trở lên đều có nhu cầu GPMB), vì vậy khối lượng công việc GPMB để triển khai Dự án rất lớn trong khi cán bộ công chức thuộc các cơ quan chuyên trách còn rất thiếu biên chế làm việc.
Khó khăn là vậy, nhưng nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên của Huyện ủy, HĐND-UBND huyện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tinh thần trách nhiệm cao của các quan chức năng trực tiếp thực hiện. Các ý kiến kiến nghị, tâm tư nguyện vọng, những bất hợp lý của người dân đã được giải quyết thỏa đáng trên cơ sở chính sách, pháp luật, kịp thời, được cộng đồng dân cư đồng tình ủng hộ cao như: Dự án ĐTXD Đồn Biên phòng Nà Bủng, cả cộng đồng bản, Bí thư, Chủ tịch huyện cùng vào cuộc và tuy chỉ có vướng mắc một hộ nhưng phải sau rất nhiều lần vận động mới thành công. Dự án ĐTXD tuyến đường Km45- Nà Hỳ kéo dài vào trung tâm huyện có hơn 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng, thu hồi đất; các Dự án trong khu quy hoạch mặt bằng Trung tâm huyện có trên 100 hộ bị ảnh hưởng, thu hồi đất; tuy nhiên với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng nên công tác bồi thường, GPMB đã thành công tốt đẹp; có những hộ gia đình toàn bộ ruộng đất, hoa màu, tài sản và nhà cửa đều bị thu hồi, đền bù, như gia đình anh Lường Văn Dinh – bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua có gần 4 ha đất nằm trong giải tỏa, nhưng gia đình anh cũng phấn khởi phối hợp trả lại đất cho Nhà nước. Gặp chúng tôi, anh Lường Văn Dinh vui vẻ nói: Quy hoạch Trung tâm huyện là vào đất Phiêng Ngúa rất nhiều, trong đó đất nhà tôi là nhiều nhất, nhưng gia đình tôi cũng rất vui vẻ ủng hộ trả lại đất cho huyện, không có ý kiến, thắc mắc gì, nhưng gia đình tôi cũng mong sớm có khu tái định cư để gia đình có mặt bằng làm nhà. Vì hiện nay gia đình tôi đang dựng nhà ở tạm.
Gia đình anh Lường Văn Dinh, bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, đang dựng nhà ở tạm sau khi trả lại đất cho huyện
Một số hộ dân bản Huổi Khương, xã Pa Tần nhận tiền bồi thường từ dự án giao thông Trung tâm xã vào bản
Nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện đến xã, bản cùng với các lực lượng chức năng nên các Dự án triển khai ở huyện trong 3 năm qua đều làm tốt công tác GPMB, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao, đảm bảo giao mặt bằng sạch nhanh chóng cho đơn vị thi công. Hiệu quả từ việc làm tốt công tác GPMB đến nay đã giúp các dự án được triển khai tích cực, công tác GPMB các dự án đều không có đơn thư khiếu nại, bức xúc trên địa bàn, góp phần quan trọng đảm bảo ANTT. Trong năm 2016 cả 8 dự án phải bồi thường, GPMB đều hoàn thành sớm việc bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư tổ chức thi công, đặc biệt dự án đoạn kéo dài đường km45 - Nà Hỳ - Trung tâm huyện; Dự án đầu tư Công trình cứu hộ, cứu nạn Nà Hỳ - Nà Bủng; Đồn Biên phòng Nà Bủng; Trụ sở Kho bạc, Trụ sở Chi cục thuế.v.v... đều hoàn thành giải phóng mặt bằng trong thời gian ngắn, tạo tính lan toả cao cho các dự án khác, bên cạnh đó huyện đã giải quyết thấu đáo đối với kiến nghị của hàng trăm hộ từ giai đoạn trước khi có huyện đến thời điểm hiện tại. Một số đơn thư liên quan đến cơ chế chính sách chưa rõ ràng, huyện đã phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng, chủ đầu tư ngành tỉnh để xử lý dứt điểm. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, công tác giải phóng mặt bằng có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tiến độ bàn giao đất cho nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Đồng chí Nguyễn Văn Thái- Chủ tịch UBND huyện cũng cho biết: Giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn huyện được tỉnh giao huyện, giao các ngành tỉnh và kinh phí của các ngành dọc trung ương, kinh phí của các Doanh nghiệp tự đầu tư khoảng 150 danh mục dự án đầu tư xây dựng. Trong đó gần toàn bộ các danh mục thuộc các nguồn do huyện làm chủ đầu tư (khoảng 110 danh mục) không được bố trí vốn bồi thường GPMB mà người dân phải hiến đất; các dự án đầu tư xây dựng Thủy điện của các Doanh nghiệp, dự án nâng cấp đường của Ban QLDA giao thông tỉnh cũng đòi hỏi công tác bồi thường GPMB rất lớn. Vì vậy công tác bồi thường, GPMB của huyện sẽ còn tiếp tục phải sơ kết, rút kinh nghiệm, xác định rõ hơn trách nhiệm của từng lực lượng để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, vận động và huy động quần chúng tham gia GPMB.
Tuyến đường từ ngã ba Nà Hỳ - Trung tâm huyện được giao mặt bằng sạch từ rất sớm và đang được gấp rút thi công
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, công tác giải phóng mặt bằng tại Nậm Pồ đạt nhiều kết quả tích cực. Điều này không chỉ giúp các dự án đang triển khai đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch, mà còn góp phần xây dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào Nậm Pồ; đồng thời đây chính là tiền đề, tạo động lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, sớm hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng của huyện mới./.