Với huyện miền núi biên giới Nậm Pồ nói riêng và các huyện của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ở bản Hô Tâu, xã Nậm Khăn - một bản với 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã và đang thực hiện khá tốt tiêu chí về môi trường.
Nằm dọc theo con suối nhỏ, 44 mái nhà ở bản Hô Tâu xen giữa những vạt rừng xanh ngát. Bản nhỏ bình yên là nơi ổn cư của gần 300 nhân khẩu. Tưởng cũng như bao bản người Mông ở nơi khác, nhưng khi vào đến nhà Trưởng bản tôi mới thấy khác, bèn cất tiếng hỏi: Sao nhà bố lắm chuồng gà thế? Nghe tôi hỏi, Trưởng bản Cháng A Câu liền nhoẻn miệng cười và xua tay bảo: Ồ, không phải chuồng gà đâu, đấy là nhà tiêu hợp vệ sinh trong chương trình nông thôn mới đấy chứ…!
Trưởng bản Cháng A Câu tự hào vì là bản Mông đầu tiên của xã Nậm Khăn thực hiện xong việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh
Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, Trưởng bản Cháng A Câu mới đề nghị “cứ vào tham quan” và ông say sưa nói về thiết kế của công trình. Theo lời giới thiệu của Trưởng bản Cháng A Câu thì nhìn chung công trình vệ sinh của các gia đình trong bản được thiết kế theo mẫu chung, đơn giản. Theo đó, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình mà làm phần cứng khác nhau (có nhà làm khung gỗ, mái lợp lá; nhà lại làm mái tôn...), nhưng phải đảm bảo có bể chứa tự hủy chứ không được xả thẳng ra môi trường như trước đây nữa.
Đưa chúng tôi đi thăm công trình của vài gia đình trong bản, Trưởng bản Cháng A Câu, kể rằng: Bao đời nay, do đời sống kinh tế khó khăn lại ở xa xã, xa huyện, chưa có cái điện, cái đường nên dân bản lạc hậu; sống bản năng như con hươu con hoẵng, đói tìm ăn mệt lại tìm ngủ. Từ khi thực hiện chương trình nông thôn mới, xã vận động bà con làm nhà tiêu để đảm bảo vệ sinh môi trường thì Trưởng bản Câu đã hiểu tác dụng và tự giác làm theo. Sau đó, Trưởng bản Câu đã đi vận động từng hộ trong bản cùng thực hiện.
Mất gần 2 năm để tuyên truyền, vận động bà con trong bản thay đổi nếp sống sinh hoạt hướng tới xây dựng khu dân cư văn hóa, Trưởng bản Cháng A Câu và y tá bản Hừ A Súa không nhớ nổi đã đi tuyên truyền, vận động bao nhiêu lần. Anh Súa chia sẻ: Vì nhận thức của người dân trong bản còn hạn chế, mình phải tuyên truyền, vận động nhiều. Trước khi đến từng hộ tuyên truyền, nhà mình phải làm trước, bởi người dân bản mình phải được cái mắt thấy thì cái tai mới nghe lọt được.
Công trình phụ 2 trong 1: phụ nữ Mông nơi đây không còn tắm suối, tắm bể nước nơi công cộng nữa...
Nhờ vào sự tích cực tuyên truyền của Trưởng bản Câu và y tá Súa, và chính tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân tộc Mông nơi đây, bản Hô Tâu đã có nhiều thay đổi. Ngày nay mỗi gia đình trong bản Hô Tâu đều có một nhà tiêu hợp vệ sinh. Cả bản có 44 hộ thì có một nửa làm nhà tiêu thấm dội; còn lại là nhà tiêu đào hố. Bản cũng đã và đang vận động người dân chăn nuôi có chuồng trại, không thả rông gia súc gia cầm... hướng tới xây dựng khu dân cư văn hóa.
Trao đổi với chúng tôi về đổi thay trong nếp sinh hoạt của người dân bản Hô Tâu, ông Lèng Văn Tự, Phó chủ tịch UBND xã khiêm tốn nói:Nếu đem so sánh với các cộng đồng bản làng khác trong huyện thì tất nhiên bản Hô Tâu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Hô Tâu lại là bản tiên phong trong thực hiện tiêu chí về môi trường trong số 4 bản vùng cao của xã Nậm Khăn. Thời gian tới, Hô Tâu sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững với kỳ vọng xây dựng bản trở thành bản văn hóa tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Mông ở xã Nậm Khăn và của cả huyện Nậm Pồ./.