Sáng ngày 09/4, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025 huyện Nậm Pồ đã tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện một số nhiệm vụ giảm nghèo, xây dựng nông mới quý I, triển khai nhiệm vụ quý II, năm 2024. Các đồng chí: Lê Khánh Hòa, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Lý Thanh Tiềm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Lê Khánh Hòa, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu quán triệt nội dung Hội nghị
Năm 2023, huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện tổng 71 dự án thành phần, hỗ trợ sản xuất, trong đó, 67 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng về cây trồng, vật nuôi gồm: Quế (539,9ha); Mít (185,10 ha); Bí xanh (9,78ha); Chanh leo (40,98ha); Lúa (86,66ha); Khoai tây (66,5ha); chăn nuôi ngựa sinh sản, với 142 con giống và 4 dự án liên kết theo chuỗi giá trị trồng cây gồm: Cam tại xã Nậm Tin, (21,5 ha); Dứa ở xã Nậm Chua (14,5 ha); Sa nhân tại xã Nậm Nhừ (28 ha); Mắc ca tại xã Vàng Đán (19,5 ha). Tổng kinh phí phê duyệt, thẩm định thực hiện các dự án hơn 66 tỷ 700 triệu đồng. Đặc biệt trong quý I, năm 2024, Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo huyện Nậm Pồ đã khảo sát, lập hồ sơ xây dựng các dự án trồng Quế trên địa bàn, đạt gần 1.000 ha, với 600 hộ tham gia; tiến hành khảo sát thực hiện dự án trồng Chanh leo tại xã Si Pa Phìn được 17 ha, với 19 hộ tham gia; tiếp tục mở rộng phát triển, duy trì giữ hạng 3 sao các sản phẩm OCOP Mật ong Chà Nưa, Cam Nậm tin, Rượu Mông Kê Si Pa Phìn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công tác đào tạo, giới thiệu việc làm được đẩy mạnh, với hơn 970 lao động đi làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Việc triển khai thực hiện một số dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG còn chậm, hiệu quả về kinh tế chưa cao; diện tích đăng ký trồng Quế và Chanh leo thấp...
Đại biểu tham gia thảo luận những khó khăn, vướng mắc bàn giải pháp khắc phục trong thời gian tới
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc bàn giải pháp khắc phục để triển khai thực hiện các nhiệm trọng tâm quý II, năm 2024.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Khánh Hòa, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện khẳng định các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự nổi bật nhất định. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán canh tác theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; điều kiện thổ nhưỡng, đất đai không phù hợp; công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn chưa được thường xuyên; việc lựa chọn giống cây trồng chưa phù hợp; nhận thức của người dân còn hạn chế; việc xác định các dự án, mô hình chưa trọng tâm, trọng điểm, chưa rõ rằng.
Định hướng thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân đảm bảo đầy đủ nội dung, tài liệu phù hợp, với từng địa phương; cần có sự đánh giá thống nhất về dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao trách nhiệm và phát huy tốt vai trò của người cán bộ, đảng viên, luôn gương mẫu đi đầu trong việc triển khai thực hiện các dự án, mô hình sản xuất phát triển kinh tế để người dân học và làm theo. Đồng thời, khẩn trương thẩm định, phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2024 đảm bảo về thời gian.../.