Khi người cao tuổi làm kinh tế...
Thời gian đăng: 09/07/2018 04:13:35 PM

 

          Khi bước vào cái tuổi 55, được nghỉ hưu rồi, thì ông mới bắt đầu phát triển kinh tế với mô hình kinh tế tổng hợp VAC.  Với động lực lớn nhất là làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo, ông đã không ngừng nỗ lực, tìm tòi những cách làm hay để áp dụng vào chăn nuôi trồng trọt. Nhờ đó, Ông Lò Văn Phó, sinh năm 1950,  sống tại bản Nà Hỳ 2 - xã Nà Hỳ -  huyện Nậm Pồ đã trở thành người nông dân già làm kinh tế giỏi vào bậc nhất nhì ở xã nghèo Nà Hỳ.

          Trước đây, ông là cán bộ tại Trạm y tế xã Chà Cang, sau 37 năm cống hiến, tận tình với công việc, năm 2004 ông nghỉ hưu và cùng với đồng lương tích cóp được trong quá trình công tác, kết hợp với nguồn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông quyết tâm cùng vợ phát triển kinh tế để tăng thêm thu nhập. Với lợi thế đất vườn rộng, ông bắt tay vào phát  triển kinh tế gia đình theo mô hình tổng hợp VAC. Ông cho biết: Thời gian đầu, khi mới bắt tay xây dựng mô hình VAC tổng hợp, gia đình tôi gặp phải không ít khó khăn do: Nguồn vốn eo hẹp, việc đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, con giống chưa được nhiều; kinh nghiệm  nuôi, trồng còn  hạn chế, vì vậy, mấy năm đầu gia đình tôi chịu không ít thua lỗ. Không vì đó mà tôi nản chí bỏ cuộc, nhờ sự tìm tòi học hỏi tôi đã tìm ra các phương pháp đem lại hiệu quả và chăm sóc vật nuôi, cây trồng tốt hơn.

76image001.jpg

Mô hình ao cá nhà ông Lò Văn Phó

          Với ý chí quyết tâm như vậy, cho nên tìm gặp ông ban ngày thật khó, bởi ông làm luôn chân, luôn tay lúc thì lên tận trang trại cách nhà hơn 5 km để chăn thả đàn gia súc, lúc thì ông đi cắt cỏ cá, lúc lên rừng chặt cây chuối, cây khoai về chăn đàn gia cầm... Công việc của nhà nông vốn đã không nhàn, nên công việc của một người nông dân ở tuổi xế chiều nhưng vẫn quyết tâm phát triển kinh tế giỏi lại càng thêm vất vả. Ông chia sẻ: Vất vả thì cũng không vất vả gì nhiều, việc nhà nông làm là quen thôi, không làm thì buồn chân buồn tay, quan trọng là mình có động lực, có đam mê, và với tôi, xuất phát để làm kinh tế không phải vì nghèo, vì đói, mà vì tôi muốn xây dựng một hình ảnh người ông, người bố mẫu mực, nỗ lực phát triển kinh tế để làm giàu, làm gương cho con cháu noi theo. Với động lực như vậy, cùng với sự cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, qua mỗi năm kinh nghiệm chăn nuôi ngày một dày lên. Cho đến nay, nhìn lại chặng dường 14 năm làm kinh tế ông đã có một Trang trại tổng hợp ngay tại nhà rộng hơn 1,5 ha, Trong đó có gần 1 ha với hơn 200 cây ăn quả các loại gồm xoài, vải, nhãn, bưởi... nhưng chủ đạo là xoài, vải mỗi năm cho thu nhập khoảng gần chục triệu đồng. Hơn 2.000 mét vuông ao nuôi các loại cá: Chép, trắm, trôi, rô phi đơn tính,… đem lại lợi nhuận mỗi năm trên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng trên diện tích trang trại, ông nuôi thêmđàn gia cầm các loại, trong đó chủ yếu ông tập trung nuôi Vịt thịt và gà đẻ trứng. Mỗi năm ông xuất bán 2 lứa gà, vịt thịt và thu về gần 20 triệu đồng và 10 triệu đồng tiền bán trứng. Ngoài trang trại tổng hợp ngay tại nhà, ông còn khoanh nuôi đàn gia súc dựa vào nguồn cỏ tự nhiên. Hiện nay, với gần chục con trâu bò, mỗi năm ông xuất bán từ 2-3 con. Tính sơ qua, mỗi năm ông thu nhập được hàng trăm triệu đồng nhờ vào mô hình chăn nuôi tổng hợp. Ông cũng chia sẻ: Với mức thu nhập đó, không chỉ dư dả trong sinh hoạt, chi tiêu mà ông còn giúp các cháu nội, ngoại học hành nên người.

          Đã 14 năm bắt tay vào phát triển kinh tế,với sự chăm chỉ, cần cù, quyết tâm học hỏi kinh nghiệm ở những người có mô hình phát triển chăn nuôi đi trước và qua tìm hiểu sách, báo thông tin trên ti vi, ông tự đúc kết cho mình những kinh nghiệm chăn sóc, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông Phó khẳng định: Phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp thì mình vẫn phải xác định đâu là cây trồng chủ đạo, và đâu là vật nuôi chủ đạo, mình tập trung vào cây, con giống đó, còn những loài khác là để tạo thêm thu nhập, tránh lãng phí nguồn thức ăn. Và quan trọng nhất vẫn là phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhà tôi tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm nên rất ít khi bị dịch bệnh lớn.

76image002.jpg 

Ông Phó tự gây giống gia cầm để chăn nuôi

Mô hình phát triển kinh tế của ông Lò Văn Phó là một mô hình tiêu biểu được xếp vào tốp đầu của xã Nà Hỳ. Từ mô hình của ông, nhiều người đã học theo, làm theo để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó đã góp phần tích cực cùng cấp ủy chính quyền địa phương trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo. Còn đối với họ hàng, gia đình, ông thực sự đã trở thành một người ông, người cha mẫu mực về lối sống, tiêu biểu về ý chí nghị lực trong phát triển kinh tế. Bây giờ đã bước vào tuổi xế chiều, nhìn lại chặng đường nỗ lực của bản thân ông thấy vui vẻ hạnh phúc vì con cháu đều đã thành đạt, nhà nào cũng “ cơm ngon - áo ấm” nhờ một phần chỉ bảo của ông, hỗ trợ về kinh tế của ông. Đó là thành công, hạnh phúc lớn của tuổi già./.

 

 

Tao Thu SVTT Đài TT-TH
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên