Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được coi là vấn nạn nan giải với huyện Nậm Pồ nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung. Mặc dù cấp ủy, chính quyền các cấp luôn nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nhưng đây vẫn là một bài toán khó giải. Trên huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn âm thầm diễn ra đem đến những hệ lụy đói nghèo, lạc hậu.
Một chiều cuối tháng 5, khi cơn dông vừa quét qua bản nhỏ Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, chúng tôi đến thăm nhà Em Sùng Thị Mò. Gọi là nhà, nhưng thật sự rất xót xa, bởi ngôi nhà tranh vách nứa ấy không biết sẽ còn chống trọi được mấy đợt dông gió nữa? Bước vào trong nhà, những “vị khách không mời” làm 3 mẹ con khá hoảng loạn. Sùng Thị Mò sinh năm 1999, ở cái tuổi 19 này, Mò đã là mẹ của 2 đứa con thơ, và chỉ ít tháng nữa thôi là chuẩn bị đón thêm đứa con thứ ba ra đời. Người mẹ trẻ này lấy chồng từ tuổi 14. Gần 5 năm qua, Mò chỉ quẩn quanh ở cái vòng luẩn quẩn giữa sinh đẻ và nương rẫy để tự nuôi sống bản thân mình và những đứa con thơ. Vì quá nghèo đói, lại ít đất sản xuất, chồng Mò đi làm thuê, làm mướn quanh năm, thế nên Mò vừa làm mẹ, vừa làm cha, đến mái nhà tranh cũng liêu xiêu sắp đổ. Tình cảnh bây giờ quá khổ với một người mẹ tuổi 19, nhưng bây giờ có hối hận thì đã quá muộn màng. Mò chỉ biết sống hôm nay mà không thể định hình cho ngày mai. Mò nói trong nghẹn ngào: “ Em không biết nói gì nữa, thật sự là buồn quá, sống hôm nay mà không biết ngày mai. Em cũng không biết phải làm gì, chồng đi làm thuê gửi tiền về thì em mua gạo ăn, chứ em không biết làm gì đâu. Làm nương cũng không đủ ăn”. Mặc dù thấy em đã dưng dưng nghẹn ngào, nhưng tôi vẫn cố hỏi thêm: Nếu được lựa chọn lại, em có lấy chồng sớm thế không? Mò gạt nhanh những giọt nước mắt, em vẫn nghẹn ngào cố nói: “Không chị ạ, em lấy chồng sớm, vì không biết sẽ khổ thế này đâu, vì lúc đó, em mới 14 tuổi, chưa biết gì, nhà lại nghèo, không thể đi học, nên chỉ biết nghĩ lấy chồng thôi. Bây giờ mới biết khổ thế này, em hối hận lắm. Có những lúc em buồn lắm, bỏ đi lang thang một lúc lại quay về với các con”.
Gia cảnh thường thấy khi tảo hôn
Trong các bản làng của đồng bào dân tộc Mông, những hoàn cảnh như Mò không phải là hiếm. Nghèo đói là hậu quả đầu tiên các cặp tảo hôn gặp phải. Thế nhưng, cũng còn những cặp phải đối mặt với những đứa con tật nguyền, ốm yếu nên hoàn cảnh đói nghèo thêm phần éo le hơn. Trong số đó, vợ chồng trẻ Vàng A Dình, bản Lai Khoang, xã Nà Hỳ đã 5 năm nay chỉ có vợ hoặc chồng đi làm để nuôi sống cả gia đình, người còn lại ở nhà chăm con. Bởi cậu con trai đầu lòng của vợ chồng Dình bị tật nguyền không thể tự cử động được. Dình kể lại: “Khi con vừa mới đầy tháng thì bị ốm nặng, em và vợ không biết gì, cũng không cho con đi viện, vì chúng em chưa đủ tuổi kết hôn nên chưa khai sinh cho con. Nghĩ không có tiền nên không cho con đi viện. Sau lần ốm đấy, từ đó thấy con không bình thường. Và cũng từ đó, con bị co giật, lớn lên mới biết con không khỏe mạnh như người ta. Cũng vì vợ em còn trẻ, sinh xong không có sữa cho con bú gì cả, nên con ốm đau suốt. Bây giờ thương con bao nhiêu thì hối hận bấy nhiêu”. Nói thêm về hoàn cảnh của vợ chồng Dình, lấy nhau từ khi 15 tuổi, bây giờ mới tròn 20 đã đẻ được 3 đứa con. Ngoài làm nương, Dình còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Thế nhưng chưa bao giờ thoát khỏi cảnh đói ăn cả, vẫn ăn bưa nay, lo bữa mai.
Trẻ con làm bố làm mẹ trẻ con
Đại đa số, trong các thôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số, dưới những mái nhà tranh nhỏ liêu xiêu ẩn chứa những số phận bất hạnh do nhận thức của họ hạn chế nên dẫn đến tình trạng tảo hôn khi mới qua độ tuổi 14, 15. Trước tiên, tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ trẻ em, người mẹ gầy yếu, con cái sinh ra ốm yếu, còi cọc, dễ mắc bệnh và thậm chí bẩm sinh các bệnh hiểm nghèo. Tảo hôn cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đói nghèo lạc hậu. Vậy một giả thuyết đặt ra là tại sao vẫn đối mặt với hậu quả do tảo hôn để lại, nhưng người dân vẫn không thức tỉnh, lại vẫn tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn tảo hôn và đói nghèo? Rõ ràng đây là vòng luẩn quẩn giữa tảo hôn - nghèo đói - lạc hậu!