Huyện Nậm Pồ có địa bàn rộng, địa hình chia cắt, cấu tạo địa chất thiếu tính ổn định, mùa mưa lũ thường xảy ra các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại lớn về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Còn nhớ, tháng 9/2013, mưa lớn kéo dài trên diện rộng khiến bản Pắc A1, xã Na Cô Sa có 3 điểm bị nứt, lún dài khoảng 600m, vết nứt rộng khoảng 70cm, ảnh hưởng trực tiếp tới nhà của 60 hộ dân với 344 nhân khẩu. Ngay sau đó, UBND huyện Nậm Pồ đã kịp thời tuyên truyền, vận động, bố trí điểm tái định cư và hỗ trợ để 60 hộ dân bản Pắc A1 di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm. Không chỉ riêng bản Pắc A1, huyện Nậm Pồ có rất nhiều điểm xung yếu, có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, là mối hiểm họa luôn rình rập cuộc sống người dân trong mùa mưa lũ. Nguy hiểm là vậy song việc phòng và chống đối với hiểm họa này không phải là điều dễ dàng do nhiều nguyên nhân. Theo số liệu thống kê, hiện nay, huyện Nậm Pồ có 55 hộ dân, 307 khẩu thuộc vùng có nguy cơ thiên tai cần phải di dời, trong đó: xã Nà Bủng 18 hộ, 88 nhân khẩu; Nậm Nhừ 1 hộ, 6 nhân khẩu; Chà Nưa 3 hộ, 18 khẩu; Nà Hỳ 11 hộ, 69 khẩu; Nà Khoa 9 hộ, 61 khẩu; Vàng Đán 1 hộ, 18 khẩu và Chà Tở 9 hộ, 46 khẩu. Tuy nhiên, đến nay, huyện mới triển khai di dời được 6/55 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, đạt 11% kế hoạch.
Bản Pắc A1, xã Na Cô Sa chuyển về nơi ở mới an toàn sau sự cố năm 2013. Trong ảnh: Một góc bản Pắc A1.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, công tác di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai trên địa bàn huyện Nậm Pồ gặp rất nhiều khó khăn. Đối với chính quyền các xã, khó khăn là: Người dân không có quỹ đất để tái định cư; không muốn rời xa nơi ở cũ để thuận tiện cho sinh hoạt và sản xuất; đa số các hộ dân là hộ nghèo không có tiền đối ứng để thực hiện việc di dời sang nơi ở mới… Đối với cấp huyện, khó khăn lớn nhất cũng là yếu tố quyết định đến việc thành bại trong công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, đó là nguồn kinh phí. Hàng năm, huyện tổ chức khảo sát, rà soát và triển khai sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/11/2012 về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, với mức kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện Nậm Pồ không được bố trí nguồn vốn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg nên không thể triển khai thực hiện. Năm 2017, huyện Nậm Pồ phải dùng nguồn ngân sách địa phương để triển khai di dời 6 hộ dân, 41 khẩu tại 2 xã: Nà Hỳ (2 hộ, 15 khẩu) và Nà Khoa (4 hộ, 26 khẩu) vì nằm trong khu vực cực kỳ nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp trước mùa mưa. Đối với các hộ còn lại, phần lớn các hộ đều có nhu cầu di dời đến nơi ở mới an toàn nhưng huyện phải chờ kinh phí mới triển khai thực hiện được.
Xã Nà Bủng có 18 hộ, 88 nhân khẩu nằm trong vùng thiên tai cần phải di dời - nhiều nhất của huyện Nậm Pồ. Tuy nhiên, việc di dời dân đến nơi an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Tráng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng cho biết: Ngay từ đầu năm, xã đã tổ chức khảo sát, lập danh sách các hộ dân thuộc vùng nguy hiểm, phải di chuyển đến nơi an toàn để gửi UBND huyện. Trong quá trình đợi huyện phê duyệt, bố trí phương án sắp xếp dân cư thì chính quyền xã đã chủ động đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động và giải quyết những vướng mắc, khó khăn như: Thiếu quỹ đất, thiếu kinh phí hỗ trợ thêm để các hộ chuyển nhà. Đến nay, 100% các hộ đều đồng ý chuyển đi nhưng huyện không bố trí được kinh phí nên chưa thể thực hiện được.