Năm 2015, Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ thành lập và chính thức đi vào hoạt động, chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn. Hàng năm, Trung tâm phối hợp với chính quyền các xã, tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, trên cơ sở đó, hướng dẫn, tổ chức cho người dân đăng ký và lên kế hoạch thực hiện các lớp dạy nghề theo kế hoạch giao của UBND huyện. Do là huyện vùng cao, giao thông đi lại khó khăn nên tất cả các lớp học nghề thường được tổ chức tại nhà văn hóa bản hoặc tại nhà trưởng bản để học viên tham gia đầy đủ, đạt hiệu quả. Với phương châm “Trăm hay không bằng tay quen”, các lớp dạy nghề thường được rút ngắn thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Học viên được chia thành từng nhóm, thực hành những kiến thức đã học, thảo luận và trình bày kết quả trước lớp. Sau đó, giáo viên sẽ nhận xét, đánh giá và trực tiếp thao tác lại những khâu học viên chưa thành thạo.
Lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng nấm tại bản Mới 1, xã Chà Cang.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT của huyện Nậm Pồ vẫn chưa thực sự hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhiều năm liền, Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ không hoàn thành kế hoạch đào tạo UBND huyện giao. Năm 2015, Trung tâm liên kết với một số cơ quan chuyên môn thuộc huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trường Cao đẳng Nghề tỉnh; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật… mở 4 lớp dạy nghề về trồng nấm, chăm sóc, phòng trị bệnh cho lợn và kỹ thuật xây dựng cho 130 người dân. Năm 2016, UBND huyện phê duyệt kế hoạch giao cho Trung tâm đào tạo nghề cho 520 lao động nhưng Trung tâm chỉ mở được 14 lớp với 462 lao động. Còn 2 lớp với 70 lao động phải chuyển sang năm sau. Năm 2017, kế hoạch giao mở 15 lớp đào tạo nghề cho 528 lao động, song đến tháng 7/2017, Trung tâm vẫn chưa khai giảng được lớp nào. Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đang tập trung công tác tuyển sinh. Dự kiến, trong tháng 8/2017, sẽ khai giảng 4 lớp đào tạo 2 nghề là: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn và kỹ thuật trồng nấm tại 2 xã: Pa Tần và Si Pa Phìn. Phấn đấu đến 31/12/2017, hoàn thành 100% kế hoạch huyện giao. Mặc dù được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện, song trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Nậm Pồ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Khó khăn đầu tiên là thiếu giáo viên, hiện nay, Trung tâm có 6 biên chế, trong đó Ban Giám đốc chiếm 3 biên chế, những biên chế còn lại phụ trách công tác tuyển sinh, tổ chức mở lớp. Trung tâm chưa có giáo viên cơ hữu nên khi mở lớp phải hợp đồng với giáo viên theo khóa học hoặc liên kết đào tạo. Năm 2016, vì không thể hợp đồng giảng dạy được với giáo viên dạy nghề nên Trung tâm đã trích ngân sách cho 2 cán bộ thú y xã Nậm Khăn đi đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để về tham gia giảng dạy tại các lớp đào tạo nghề.
Việc triển khai Đề án Đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đến năm 2020 với 2 nhóm nghề: Nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp. Nhưng trên thực tế, Trung tâm Dạy nghề huyện chỉ tổ chức đào tạo các lớp nghề nông nghiệp, không đủ điều kiện, khả năng mở các lớp nghề phi nông nghiệp. Bởi vì, nghề phi nông nghiệp bắt buộc phải học tại Trung tâm dạy nghề. Song, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Trung tâm dạy nghề chưa đáp ứng được công tác đào tạo.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa được thực sự hiệu quả. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách này hoặc nhiều lao động chỉ đăng ký học nghề theo phong trào, chưa coi việc học nghề là yêu cầu cần thiết để có thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống hay để nâng cao tay nghề. Tâm lý của một bộ phận người lao động không chịu xa gia đình nên việc học nghề chuyển dịch cơ cấu lao động còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc vận động được nông dân tham gia học nghề, lên lớp đầy đủ đã khó nhưng để học viên sau đào tạo phát huy kiến thức đã học nâng cao tay nghề, nhân rộng các mô hình trình diễn lại càng khó hơn. Theo đánh giá của Trung tâm Dạy nghề huyện: khoảng 40% học viên sau đào tạo nghề chưa biết cách vận dụng kiến thức nghề được đào tạo vào phát triển kinh tế gia đình.
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Nậm Pồ đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã và đang tập trung gỡ “nút thắt” về giáo viên giảng dạy các khóa đào tạo; từng bước bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho LĐNT của Đảng và Nhà nước để người dân nhận thức được vai trò của học nghề đối với tạo việc làm, tăng thu nhập; tạo điều kiện hỗ trợ học viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình sau khi có chứng chỉ nghề…