Theo một số người chăn nuôi, nguyên nhân phát và lây lan bệnh là do một số người dân tự mua trâu bò ở nơi khác về, do chưa thích nghi với đặc điểm thời tiết, khí hậu nên mắc bệnh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, một phần nguyên nhân là do người chăn nuôi chưa làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, xây dựng chuồng trại ẩm thấp; phong tục tập quán của bà con là thả rông gia súc; khu vực có nhiều trâu, bò mắc bệnh ở Km45 là nơi mua bán, trung chuyển gia súc, gia cầm; nhiều hộ dân khi phát hiện có bệnh chưa thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã để được hướng dẫn cách chữa và cách ly hạn chế lây lan bệnh; một số hộ có trâu, bò mắc bệnh không chủ động chữa trị, chất thải và xác chết gia súc của một số gia súc mắc bệnh chưa được xử lý kịp thời, đảm bảo vệ sinh; gia súc sử dụng chung nguồn nước ở các khe… do vậy việc phát hiện và khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn.
Chuồng trại chăn nuôi thấp và không vệ sinh thường xuyên
Nhận được tin báo của cơ sở, cơ quan chuyên môn của UBND huyện gồm Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Thú y huyện đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với UBND các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ xuống nắm bắt tình hình, yêu cầu các hộ dân tập trung toàn bộ gia súc về chuồng trại của gia đình hoặc tại các bãi đất trống để thực hiện cách ly gia súc bị mắc bệnh và hướng dẫn các hộ chăn nuôi khử trùng môi trường và vệ sinh vết thương cho gia súc (dung dịch xanh me-ty-le, axit chanh, phèn chua…); chữa trị bằng các loại thuốc sẵn có như các loại lá có vị chua, chát (lá trầu không…). Theo Đ/c Phạm Trần Trường - Trưởng trạm Thú y huyện: Bệnh lở mồm long móng nếu được phát hiện sớm và kịp thời xử lý bằng cách dùng dung dịch xanh me-ty-len, axit chanh, phèn chua, lá trầu không…rửa sạch vết thương (ở mồm và móng chân gia súc) thì sau 1-2 ngày gia súc sẽ phục hồi sức khỏe.
Hướng dẫn bà con bản Đề Pua, xã Phìn Hồ vệ sinh, trị bệnh cho gia súc bị mắc bệnh
Hướng dẫn khử trùng chuồng chăn nuôi
Hiện nay các ổ bệnh lở mồm long móng trên địa bàn xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ cơ bản đã được khống chế. Theo Đ/c Vũ Thanh Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: Tuy các ổ dịch đã được khống chế nhưng mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, đề nghị UBND các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ tăng cường công tác truyên truyền, hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, khử trùng môi trường; không thả rông gia súc; khi phát hiện gia súc mắc bệnh phải báo cáo ngay cho cán bộ thú y xã, bản; chăm sóc gia súc mắc bệnh bằng thức ăn mềm, dễ tiêu; điều trị dứt điểm cho gia súc theo hướng dẫn của cán bộ thú y…
Nuôi nhốt tập trung và phòng chống đói, rét để nâng cao sức đề kháng cho gia súc
Bệnh lở mồm long móng là một loại bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm do virus gây ra trên động vật móng guốc chẵn như lợn, bò, trâu, hươu, dê… Bệnh này rất nguy hiểm vì bệnh lây lan rất nhanh qua nhiều con đường khác nhau như tiếp xúc trực tiếp giữa động vật với nhau, truyền qua không khí, nước… do đó, bệnh lở mồm long móng được xếp đầu tiên trong các bệnh truyền nhiễm trên động vật./.