Không phá rừng làm nương nữa mà trồng Cam trên nương cũ thôi!
Thời gian đăng: 18/10/2019 07:24:01 AM
“Nậm Pồ đã thành quê hương của nhiều đồng bào Mông di cư từ rất nhiều nơi về đây và mình cũng vậy, mình về đây sau họ, nhưng mình không chọn cách như họ, họ phá rừng làm nương rẫy, nhưng mình, mình trồng Cam thôi, Nhà nước đã cấm phá rừng rồi, mình không thể vi phạm luật được”. Đó là những chia sẻ của ông Sùng Quán Tùng, ở bản Tàng Do - ông chủ vườn Cam rộng nhất xã nghèo Nậm Tin.

1.jpg

Chân dung ông Sùng Quán Tùng - ông chủ vườn Cam trên 5 ha ở Tàng Do, Nậm Tin

        Phải leo qua 2 quả đồi, 1 con dốc dài mới đến được vườn Cam của ông Sùng Quán Tùng ở bản Tàng Do. Sở dĩ chọn địa điểm này, bởi đây là mảnh nương cũ ông mua lại được của họ hàng, lại ở gần con khe có nguồn nước thuận tiện cho tưới tiêu. Ông Tùng khi “di cư hợp pháp” về Nậm Tin, thay vì chọn cách phá rừng làm nương rẫy như bao đời người Mông khác thì ông mua lại nương cũ của họ hàng để trồng thử nghiệm cây Cam - một loại cây nông nghiệp mới ở Nậm Tin.

4.jpg

Một góc vườn cam của gia đình ông Tùng

          Bởi ở quê cũ là Xí Mần, Hà Giang, cây Cam đã đổi đời cho bao nhiêu hộ gia đình. Mang giấc mơ đổi đời và khát vọng làm giàu ấy, ông Tùng đã về mảnh đất Nậm Tin trồng thử nghiệm 2 nghìn gốc Cam với 2 dòng cam là: Cam Vinh và Cam sành trên diện tích đất nương cũ khoảng 5 héc ta. Cũng là người đã từng trồng loại cây này nên ông Tùng khá am hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc. Bởi vậy nên sau 2 năm, những cây Cam đã vươn mình sinh sôi, phát triển khá tốt trên những đất nương cũ đã bạc màu. Ông Tùng cho biết thêm: “Ban đầu mình chỉ trồng cây không thôi, sau 2 tháng là cây đã sống rồi, bây giờ mình một năm bón phân 2 lần cho cây phát triển tốt đã. Sau này cho thu hoạch quả mình mới chăm sóc với kỹ thuật đặc biệt sau để quả Cam mọng nước. So với ở quê cũ mình là bên Hà Giang, thì cây Cam trồng ở Nậm Tin này phát triển tốt hơn, mới trồng 2 năm mà cây đã cao quá đầu người rồi.”

Những cây Cam đầu tiên được ông Tùng đưa về Nậm Tin cho họ hàng trồng thử nghiệm đã bói quả trĩu cành

          Bước vào năm thứ 3, những cây Cam Vinh, Cam Sành trên đồi Cam của gia đình ông Sùng Quán Tùng đã phát triển tươi tốt, cũng đã có nhiều cây bói những quả cam Vinh đầu tiên trĩu ngọt cho thấy triển vọng của loại cây trồng mới này trên xã nghèo Nậm Tin. Nói thêm một chút, rõ ràng đây không phải là một dự án kinh tế liều lĩnh, mà trước đó, ông Tùng đã đem giống Cam về cho anh em họ hàng trồng thử nghiệm trước, thấy phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, ông mới đầu tư với quy mô lớn như bây giờ. Theo thống kê của UBND xã Nậm Tin, trên địa bàn xã hiện nay có trên 6 ha Cam, trong đó có lứa Cam 5 tuổi, có lứa Cam 2 tuổi, qua đánh giá sơ bộ thì đây là cây trồng mới thích hợp với địa phương và cấp ủy, chính quyền xã có thể sẽ phát triển thành cây trồng chủ lực trong thời gian tới đây. Ông Hờ A Lù, Phó chủ tịch UBND xã Nậm Tin cho biết về những định hướng của xã nhà: “Xã cũng mong muốn lấy sản phẩm quả Cam phát triển thành chuỗi giá trị hàng hóa và phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng để đưa khoa học, kỹ thuật trồng Cam đến với người dân, hướng dẫn người dân cách trồng, cách chăm sóc để tạo ra những sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường.”

          Đánh giá cao những nỗ lực tự vươn lên của các hộ nông dân trên địa bàn huyện, UBND huyện cũng đã nhiều lần thăm, đánh giá sơ bộ những mô hình kinh tế gia đình tự phát với những cây con giống mới. Thăm mô hình trồng Cam của hộ gia đình ông Sùng Quán Tùng, đồng chí Hạng Nhè Ly, Phó chủ tịch UBND huyện đánh giá cao những nỗ lực tự vươn lên trong phát triển kinh tế của gia đình. Đồng thời động viên gia đình cố gắng hơn nữa trong phát triển giống cây mới này và chịu khó áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây Cam.

Đồng chí Hạng Nhè Ly, Phó chủ tịch UBND huyện thăm vườn Cam hộ gia đình ông Tùng.

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, tuy còn là một huyện nghèo, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, nhưng trong điều kiện khó khăn đó, đã có một bộ phận nông dân dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư phát triển kinh tế với những cây, con giống mới như: Sa nhân, nuôi ong lấy mật, cây Chuối Tây, Sả dược liệu… Song đây đều là những mô hình tự phát có quy mô theo hộ hoặc theo nhóm hộ gia đình. Bởi vậy nên để phát triển thành hàng hóa mang tính ổn định trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao thì vẫn cần nhiều hơn sự quan tâm, đầu tư, định hướng của các cấp, ngành để những nỗ lực vươn lên thoát nghèo của nông dân huyện biên giới Nậm Pồ được đơm hoa thơm, trái ngọt./.

Thanh Bình
Các tin bài liên quan
  • Công an huyện Nậm Pồ với công tác đảm bảo an ninh trật tự
  • 4041-4041 of 4041<  ...  396  397  398  399  400  401  402  403  404  405  >
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên