(TTV Online) Với đặc thù là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Nâm Pồ (Điện Biên) không chỉ tham mưu kịp thời cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng mà còn sâu sát với cơ sở cùng nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (QLBVR&PCCR).

Nậm Pồ là huyện miền núi, biên giới, địa hình núi cao chia cắt, phức tạp với tổng diện tích tự nhiên là 149.559 ha, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 60.220,1 ha, độ che phủ 40,3%. Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của huyện, UBND các xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Trang Trại Việt điện tử, ông Lò Văn Chục – Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ, cho biết: Hiện, đơn vị có 17 công chức thuộc biên chế hành chính; về trình độ chuyên môn: Đại học có 9 đồng chí, trung cấp có 8 đồng chí; bộ phận Kiểm lâm phụ trách địa bàn gồm 12 đồng chí.

 Nhờ làm tốt công tác nắm, bám cơ sở, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Nậm Pồ đã được nâng lên nhiều.

Ông Chục cho biết thêm: Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm luôn chú trọng đến vai trò của bộ phận kiểm lâm địa bàn, bởi đây là lực lượng nòng cốt luôn bám sát cơ sở, gần gũi với nhân dân. Từ đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ có những tham mưu sát thực tế cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành những văn bản kịp thời trong việc QLBVR&PCCR trên địa bàn.

Tâm sự thêm với chúng tôi, ông Chục chia sẻ: Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nậm Pồ ở một số xã còn gặp nhiều gian nan do diện tích tự nhiên rộng, giao thông đi lại khó khăn, biên chế công chức kiểm lâm của đơn vị còn thiếu quá nhiều so với diện tích rừng hiện có nên một số cán bộ phải phụ trách cả 2 xã.

Theo tìm hiểu, diện tích tự nhiên và diện tích đất có rừng ở Nậm Pồ rộng, chủ yếu phân bố ở các xã có địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông đi lại không thuận lợi, khô hanh kéo dài, lượng mua phân bố không đồng đều trong năm gây nhiều khó khăn cho thực hiện nhiệm vụ QLBVR&PCCR.

 Mặc dù giao thông đi lại khó khăn, nhưng cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn ở Nậm Pồ vẫn thường xuyên cùng người dân tuần tra, kiểm soát rừng.

Trình độ dân trí không đồng đều, thành phần dân tộc chủ yếu là người dân tộc thiểu số chiếm 95%, phân bố dân cư không đồng đều, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu chủ yếu dựa vào trên nương rẫy; ý thức bảo vệ rừng của một số người dân còn chưa cao do vậy trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất, đốt, dọn nương rẫy không kiểm soát dẫn đến cháy lan vào rừng làm suy thoái tài nguyên rừng và môi trường sinh thái.

Mặc dù quy định của Nhà nước không cho phép khai thác gỗ từ rừng tự nhiên nhưng nhu cầu, phong tục làm nhà bằng gỗ của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cấp thiết nên rất khó khăn trong việc quản lý ở cơ sở.

“Không chùn bước trước những khó khăn đó, Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ đã cùng với cấp ủy, chính quyền sở tại tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và tư duy của nhân dân trong việc quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng… Đến hết tháng 6 năm 2019, kiểm lâm Nậm Pồ đã tổ chức được 55 buổi tuyên truyền với 2.566 lượt người tham gia” – ông Chục cho hay.

 Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật luôn được Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ chú trọng.

Trong 6 tháng năm 2019, Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ đã phát hiện 31 vụ vi phạm hành chính, đã xử lý 27 vụ. Vi phạm tập trung về việc khai thác rừng trái phép; vi phạm các quy định của nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; phá rừng trái phép; vận chuyển lâm sản trái pháp luật… Tổng số tiền xử phạm vi phạm hành chính là 62.000.000 đồng, tiền bán tang vật tịch thu sung quỹ Nhà nước là 15.694.000 đồng, đã thu nộp vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đã phối hợp tốt với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên tiến hành rà soát, nghiệm thu diện tích rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng của 15/15 xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Các xã mở tài khoản tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thì được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng đợt 2 năm 2018.

Những xã còn lại chưa được mở tài khoản, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc mở tài khoản để thuận tiện cho công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác tuyên tuyền, phổ biến phát luật; công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng cộng với việc luôn bám sát cở sở của cán bộ kiểm lâm địa bàn, người dân Nậm Pồ đã ý thức và hiểu được giá trị của rừng. Qua đó, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn tài nguyên rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và tạo được nguồn thu nhập từ rừng cho nhân dân.