Kinh nghiệm sau một chuyến đi thực tế
Thời gian đăng: 28/09/2017 04:52:44 PM

 

          Trong 2 ngày 27- 28/9, Đoàn công tác của huyện Nậm Pồ đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Những cách làm hay học hỏi được từ huyện bạn sẽ là hành trang quý báu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Kinh-nghi-m-sau-m-t-chuy-n-i-th-c-t-1.jpg

Đoàn công tác huyện Nậm Pồ thăm quan Thủy điện Lai Châu xây dựng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn

          Huyện Nậm Nhùn, Tỉnh Lai Châu được chia tách thành lập từ tháng 4/2013, là một huyện mới mang nhiều đặc thù giống huyện Nậm Pồ. Qua hơn 4 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Nậm Nhùn đã có 3/10 xã đạt nông thôn mới; 3 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí và 3 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí. Để đạt được kết quả này, Nậm Nhùn đã linh động, sáng tạo trong cách lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời tuyên truyền nhân dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Chia sẻ với huyện Nậm Pồ về những kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đồng chí Nguyễn Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: Trong 3 xã đạt chuẩn nông thôn của huyện gồm: Mường Mô; Pú Đao; Lê Lợi thì có xã Pú Đao gồm 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Để đạt được kết quả này, huyện đã phân công cho mỗi phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện phụ trách từng tiêu chí, phụ trách giúp từng xã. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới huyện đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó,  đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân cùng tham gia vào chương trình.

Kinh-nghi-m-sau-m-t-chuy-n-i-th-c-t-2.jpg 

Một góc bản Thái ở xã nông thôn mới Mường Mô ( Nậm Nhùn, Lai Châu)

          Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2017, nhân dân huyện Nậm Nhùn đã đóng góp 2 tỷ 374 triệu đồng tiền mặt, số tiền này vận động được trích từ nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, nhân dân huyện Nậm Nhùn còn đóng góp ngày công lao động, các hiện vật khác trị giá 15 tỷ 827 triệu đồng để cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Hoàng Văn Ven, Trưởng bản Phiêng Luông 2, xã Nậm Hàng chia sẻ: Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con bản chúng tôi nhiệt tình hưởng ứng “cùng làm” với Nhà nước. “Cùng làm” ở đây gồm có các công việc như: đóng góp ngày công lao động như: tu sửa kênh mương, thủy lợi, đường giao thông nông thôn... Bên cạnh đó, mỗi người dân, hộ dân trong bản chú trọng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Theo dân bản chúng tôi, đó là những việc mình đã cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới.

Kinh-nghi-m-sau-m-t-chuy-n-i-th-c-t-3.jpg

Đại biểu các xã của huyện Nậm Pồ trao đổi kinh nghiệm với Chủ tịch UBND xã nông thôn mới Pú Đao ( Nậm Nhùn, Lai Châu)

Trong chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm lần này, huyện Nậm Pồ đã đến thăm 2 xã nông thôn mới Mường Mô, Pú Đao của huyện Nậm Nhùn, thăm các mô hình phát triển kinh tế của bà con nhân dân như: mô hình nuôi cá lồng bè của nhân dân xã Mường Mô, mô hình trồng cây Mắc ca của nhân dân xã Pú Đao. Đợt thăm quan học hỏi lần này chủ yếu là đội ngũ cán bộ cơ sở của 5/15 xã thuộc huyện Nậm Pồ. Qua chuyến thăm quan này, cùng với những kinh nghiệm học hỏi được, đội ngũ cán bộ cơ sở sẽ có thêm những cách làm hay góp phần đem lại kết quả khả quan trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Nậm Pồ trong thời gian tới. Chia sẻ cảm nhận của mình sau chuyến đi, ông Khoàng Văn Van – Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa nhận định: Qua quá trình đến thăm các xã nông thôn mới của huyện Nậm Nhùn, tôi thấy Tỉnh Lai Châu và huyện Nậm Nhùn đã có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, chi tiết đến từng xã, từng bản. Đồng thời, qua thăm quan các mô hình như: mô hình nuôi cá lồng bè của bà con nhân dân xã Mường Mô, mô hình trồng cây mắc ca của xã vùng cao Pú Đao, chúng tôi thấy những mô hình này rất hiệu quả; chúng tôi cũng thấy các làng bản rất khang trang, sạch sẽ, đời sống nhân dân ổn định. Từ những kinh nghiệm rút ra sau chuyến đi, về xã Chà Nưa, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn bạc, họp thống nhất để đưa ra những quyết sách phù hợp cho các tiêu chí mà xã chưa đạt để xã đạt nông thôn mới đúng theo lộ trình vào năm 2018.

Kinh-nghi-m-sau-m-t-chuy-n-i-th-c-t-4.jpg

Mô hình nuôi lợn thịt tại xã nông thôn mới Mường Mô ( Nậm Nhùn, Lai Châu)

Qua chuyến đi thực tế, anh Vàng A Vảng, trưởng bản Nậm Đích, xã Chà Nưa đặc biệt ấn tượng với xã vùng cao Pú Đao, anh chia sẻ: xã nông thôn mới Pú Đao của huyện bạn là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông, nhưng đồng bào dân tộc Mông ở đây sinh sống tập trung, do vậy mà Nhà nước cũng dễ đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Đồng bào Mông bên này còn sinh sống rất văn hóa, nhà nào cũng có khuôn viên riêng với đầy đủ các công trình phụ. Qua đây, khi về bản, mình cũng sẽ cố gắng vận động bà con nhân dân trong bản về ở tập trung gần nhau, có như vậy thì Nhà nước mới thuận lợi trong việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu. Vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với việc xây dụng nếp sống văn minh./.

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên