Cả lớp đang tập trung nghe thầy giáo giảng
Vào một buổi tối tháng 4, năm 2019, trong chuyến công tác tôi có dịp ghé thăm lớp học xóa mù chữ của các chị em ở trong bản Huổi Sâu, xã Pa Tần. Đến lớp học, hình ảnh mà làm xúc động và để lại nhiều ấn tượng nhất là bé gái 7 tuổi ngồi cạnh, dạy mẹ đánh vần từng chữ cái, hai bé ít tuổi hơn ngồi cạnh đứa thì giật tóc, đứa bấu má mẹ. Đó là trường hợp của chị Lý Thị Chứ, dân tộc Mông ở Lào Cai lấy chồng bản Huổi Sâu, hiện đang theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho hội viên, phụ nữ năm 2018-2019 tại lớp học được mở tại điểm trường Tiểu học bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ. Chị mong muốn sử dụng được tiếng phổ thông lưu loát để đi lại, giao lưu, buôn bán, tối nào chị cũng dắt theo 3 đứa con nheo nhóc đến lớp học.
Ngày trước khi còn bé, muốn đi học nhưng không ai làm việc, bố mẹ không cho đi học, lớn rồi đi lấy chồng không biết được câu nào tiếng phổ thông. Rất muốn đi học, nên giờ có lớp học, có con nhỏ vẫn mang theo các con đến lớp để học con chữ để đi đâu còn biết hỏi đường, chứ không biết chứ khổ lắm - Chị Chứ nói
Hình ảnh chị Lý và các con tại lớp học
Đã hơn 2 tháng nay, cứ vào mỗi tối, tại điểm trường Tiểu học bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, các học viên của lớp xóa mù chữ lại chăm chỉ bên cuốn sách giáo khoa, dưới sự giảng dạy và chỉ bảo tận tình của giáo viên để học chữ. Thầy Lò Văn Nu, giáo viên phụ trách giảng dạy lớp học cho biết: Lớp được tổ chức học từ tháng 1 năm 2019 và kéo dài trong thời gian 4 tháng, có 20 học viên theo học, các học viên có độ tuổi trung bình từ 27 đến 42 tuổi, phần lớn các học viên điều độ tuổi nuôi con nhỏ, ban ngày đi nương rẫy, tối về phải chăn lợn, gà và lo cơm nước cho con. Thậm chí nhiều học viên phải mang con lên lớp học theo do không có chỗ gửi, nhưng học viên đi học rất đông đủ, Nên chúng tôi cũng rất thông cảm và tạo điều kiện cho học viên theo học.
Bây giờ đi ra ngoài, mọi người ai cũng tự giao tiếp, buôn bán được, Như chúng tôi bây giờ, không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông, không thể giao lưu được với các dân tộc tộc khác. Đi đâu làm gì cũng gặp khó khăn, đến tên mình không biết viết. Nên khi có lớp, dù khó khăn, tôi vất vả vẫn cố gắng theo học để có cái chữ phục vụ cho bản thân mình – Đó là chia sẻ củachị Phàn San Mẩy, một học viên khác tại lớp học.
Các chị em lớp học xóa mù chữ tại điểm trường bản Huổi Sâu, xã pa Tần đang rất cố gắng học đánh vần từng chữ cái
Bà Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 03 của UBND huyện Nậm Pồ về phổ cập xóa mù chữ giai đoạn 2016 -2020 và định hướng đến năm 2025 và để đạt lộ trình đến năm 2020 toàn huyện đạt chuẩn phổ cập xóa mù chữ mức độ 2. Căn cứ tờ trình xin mở lớp xóa mù chữ của Hội viên phụ nữ các xã, hàng năm, phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và các Đồn Biên phòng đứng trân trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức mở các lớp xóa mù chữ cho chị em Hội viên phụ nữ tại các bản. Tính từ năm 2018 đến nay, huyện đã mở được 20 lớp với gần 400 học viên là chị em phụ nữ có độ tuổi từ 15 - 45 tuổi. Năm học 2019 – 2019 có 9 lớp đang được mở tại các Pa Tần, Chà Tở, Phìn Hồ, Si Pa Phìn và Nà Bủng. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối trong tuần nhằm tạo điều kiện cho chị em có thời gian làm việc nhà, lên nương rẫy. Giáo viên giảng dạy là thầy, cô Trường tiểu học trên địa bàn có lớp xóa mù chữ. Sau lớp học về cơ bản, 100% học viên nói, viết được thông thạo tiếng phổ thông.
Dù chưa thấy được ngay, nhưng chắc chắn, những lớp học xoá mù như thế này sẽ có hiệu quả trong đời sống của bà con dân tộc nơi đây. Vượt lên trên khó khăn, họ đã biết yêu quý cái chữ, coi việc học cái chữ là cái đích để cải thiện cuộc sống của mình, dù việc học hành đôi khi vẫn bị gián đoạn bởi công việc mưu sinh hàng ngày. Mỗi sớm thức dậy, những học viên lại tất tả lên nương, đem những kiến thức học được đêm trước, dù còn ít ỏi vào công việc, cuộc sống hàng ngày với niềm vui hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn./.