Măng là thực phẩm có thể ăn thay rau của nhiều đồng bào dân tộc, từ măng tươi dễ dàng chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn theo nhiều cách khác nhau như: Luộc, xào, ngâm chua nấu canh hay muối ớt. Bên cạnh đó cũng phải kể tới măng khô.Với hương vị thơm ngon, măng khô đã trở thành món ăn được nhiều người yêu thích và trở thành đặc sản của huyện Nậm Pồ nói chung và xã Chà Tở nói riêng...
Măng khô được bà con xã Chà Tở phơi dọc đường vào bản
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, người dân xã Chà Tở lại rủ nhau vào rừng hái măng về làm măng khô. Để có được những cây măng non và ngon bà con phải đi sâu vào bên trong cánh rừng để hái.Khi mặt trời sắp xuống núi, từng dòng người lại gùi những cây măng hái được mang về và chuẩn bị cho công đoạn chế biến.Măng khô được chế biến khá cầu kỳ, những cây măng tươi được hái về, nhặt sạch cho vào nồi to rồi đặt lên bếp củi luộc, phải luộc chín kỹ để loại bỏ bớt chất độc trong măng. Sau đó vớt măng ra, để nguội, dùng dao khứa thành miếng mang ra phơi. Việc phơi măng phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết.
Để có được mẻ măng khô cho màu vàng đẹp mắt, người làm măng phải chọn hôm trời nắng to mới đem ra phơi, măng phơi khoảng từ 4 - 5 nắng là khô kiệt, có thể đóng gói cất đi dùng dần. Măng khô được phơi nắng tự nhiên sẽ có màu vàng nhạt và hơi ngả sang nâu, tỏa hương thơm dễ chịu.Với hương vị thơm ngon, măng khô có thể kết hợp được nhiều món như hầm với xương hoặc chân giò, xào với thịt gà, nấu bún ngan...
Sáng sớm chị Giàng Thị Sía lấy măng ra phơi để kịp nắng lên
Vừa phơi măng chị Giàng Thị Sía, bản Hô Hằng, xã Chà Tở vừa chia sẻ:Trước đây người dân chúng tôi làm măng khô để dự trữ ăn quanh năm. Từ khi có đường giao thông thuận tiện qua bản, chúng tôi cũng làm măng khô mang ra chợ bán. Vì măng ngon và chất lượng nên vài năm trở lại đây có nhiều thương lái đến tận nhà thu mua, phơi khô mẻ nào là gọi thương lái vào cân luôn nên không lo đầu ra. Năm nay, giá măng nứa khô là 160.000 đồng/kg còn măng tre khô là 110.000 đồng/kg.
Nếu thời tiết thuận lợi, không mưa, măng phơi từ 4-5 nắng là khô kiệt
Măng khô chứa nhiều chất cần thiết cho cơ thể con người, theo y học truyền thống măng có vị ngọt hơi đắng, tính hơi hàn có thể hạ khí, thanh nhiệt, giải độc, thông lợi… có thể được dùng để chữa các bệnh như cảm mạo phong nhiệt, phù thũng do viêm thận, sởi và thủy đậu ở trẻ em… Theo y học hiện đại thì măng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng khác nhau như vitamin B1, B2, B3, C; photpho; lipid; Mg; chất xơ… ngoài việc sử dụng làm thực phẩm măng còn có tác dụng đẩy nhu động ruột, trợ giúp tiêu hóa, phòng chống tình trạng béo phì và vữa xơ động mạch,, cao huyết áp, táo bón...
Chiều xuống, người dân thu măng cất vào trong túi bóng buộc kín lại.
Anh Lèng Văn Mến, cán bộ kiểm lâm xã Chà Tở cho biết: Để bà con khai thác măng hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rừng. Ngay từ đầu mùa măng chúng tôi đã làm văn bản kế hoạch tuyên truyền đến bà con nhân dân các bản, bắt đầu khai thác măng từ ngày 15/7 đến 20/9 là dừng. Và bà con sẽ vào rừng hái măng theo đợt như hái 3 ngày thì nghỉ một tuần mới được hái tiếp để đảm bảo sự sinh trưởng của rừng.
Sau khi phơi khô măng có màu vàng nhạt xen kẽ màu hổ phách và có độ bóng nhẹ
Vào những tháng cuối năm, khi gió mùa tràn về, trong cái lạnh tê tái, bắc một nồi canh măng khô nấu với móng giò hoặc xương sườn để cả nhà cùng quây quần thưởng thức; những miếng măng giòn sần sật hòa quyện với vị ngọt, ngậy từ xương hầm, vị thơm từ các loại gia vị thì còn gì đầm ấm hơn. Măng tươi hay khô có ở nhiều nơi vùng sâu, vùng cao trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, song măng ở xã Chà Tở có đặc tính khác hẳn có thể do khí hậu hoặc thổ nhưỡng gì đó? Sản phẩm măng khô đã và đang trở thành một mặt hàng, giúp nhiều hộ dân trong xã tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, gắn bó hơn với làng bản quê hương...