Theo sự giới thiệu của người dân địa phương xã Nà Hỳ, chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản của đôi vợ chồng trẻ Lê Văn Bộ và Chị Lèng Thị Đợi, ở bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Hai vợ chồng anh Bộ mới lấy nhau cuối năm 2015, được gia đình anh em họ hàng giúp hỗ trợ cùng với nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện, 2 vợ chồng trẻ đã đầu tư vào chăn nuôi lợn nái sinh sản, đến nay đàn lợn sinh trưởng phát triển tốt, bước đầu cho thu nhập.
Chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh Bộ áp dụng khoa học, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh
Anh Bộ sinh ra lớn lên ở Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc, năm 2010 theo chân anh em lên trên mảnh đất Nà Hỳ làm ăn buôn bán, cuối năm 2015, anh xây dựng gia đình với Chị Lèng Thị Đợi là người dân bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ. Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng trẻ được gia đình, anh em họ hàng hỗ trợ, cùng với nguồn vốn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi trang trại lợn nái sinh sản. Với khuôn viên trang trại hơn 1.700 m2, năm 2016 anh đã xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi quy mô với 10 ô nuôi. Hiện nay trang trại của anh nuôi 15 lợn nái sinh sản. Mỗi năm lợn nái sinh sản 3 lứa, mỗi lứa trung bình 10 con lợn sữa/01 con lợn nái, như vậy một năm anh có 450 con lợn sữa. Anh nuôi 01 tháng rồi bán cung cấp giống cho nhân dân trong và ngoài xã có nhu cầu. Mỗi con lợn sữa trung bình có giá từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng. Trừ mọi chi phí sẽ cho thu lãi gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, trang trại nhà anh còn nuôi thêm gần 40 con lợn thịt sắp cho xuất chuồng.
Vợ chồng anh Bộ đang chăm sóc đàn lợn của mình
Anh Bộ chia sẻ: Để có kinh nghiệm chăn nuôi tôi đã tìm hiểu các mô hình chăn nuôi ở nhiều địa phương khác nhau, vừa nghiên cứu kỹ qua sách vở, qua các phương tiện thông tin đại chúng để biết chăm sóc sau sinh cho lợn nái. Lúc lợn nái chuẩn bị đẻ trước một tuần cho ăn cám dành cho nái đẻ và nuôi con; Sau khi nái đẻ được một tuần đàn lợn con bắt đầu được tập cho ăn cám sữa dành cho lợn con; Khi lợn con được khoảng 35 đến 40 ngày tuổi bắt đầu tách mẹ và cho ăn cám sữa để đàn lợn có trọng lượng từ 7 - 15kg có thể cung cấp ra thị trường.
Do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn lợn nái của gia đình anh Bộ nuôi sinh sản tốt, đều lứa, đều con và mỗi lứa hàng chục con. Nhờ đó vợ chồng anh đã tiết kiệm được nhiều chi phí mà vẫn có con giống tốt cung cấp ra thị trường.
Thú Y xã Nà Hỳ đang phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng định kỳ cho đàn lợn nái sinh sản của anh Bộ
Dẫn chúng tôi tới thăm mô hình trang trại của anh Bộ, anh Lò Văn Chuyên, Phó chủ tịch UBND xã Nà Hỳ cho biết: Hiện nay xã Nà Hỳ cũng có nhiều mô hình chăn nuôi lớn nái, lợn thịt nhưng chỉ với quy mô nhỏ lẻ, đồng thời chưa áp dụng đúng kỹ thuật khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thường không cho hiệu quả cao như mô hình gia đình anh Bộ. Đây là một trong những mô hình mà chúng tôi đánh giá là đạt hiệu quả kinh tế cao, mô hình chăn nuôi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, áp dụng đúng khoa học công nghệ trong chăn nuôi sản xuất, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người dân địa phương.
Anh Bộ cũng cho biết trong thời gian tới vợ chồng anh sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi, xây dựng mới thêm chuồng trại để nuôi lợn sinh sản cung cấp giống cho các hộ gia đình tại địa phương cũng như các địa phương khác có nhu cầu chăn nuôi lợn nái, đồng thời nuôi thêm lợn, gà thịt thương phẩm, để tăng thêm thu nhập cho gia đình./.