Một số quy định về chứng minh nhân dân
Thời gian đăng: 07/09/2018 07:45:07 AM

 

          Chứng minh nhân dân (CMND) là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Cơ sở pháp lý của công tác cấp, quản lý CMND: Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ quy định về CMND (đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định của Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 và Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 của Chính phủ); Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 29/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ quy định về CMND.

          1. Đối tượng được cấp CMND

          - Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, cơ sở để tính tuổi là theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong sổ hộ khẩu phù hợp với ngày, tháng, năm sinh trong giấy khai sinh;

          Trường hợp sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của công dân đều không ghi ngày, tháng, sinh thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại CMND hướng dẫn công dân đến UBND cấp xã nơi đăng ký hộ tịch trước đây hoặc UBND cấp xã nơi cư trú của công dân để đề nghị giải quyết đăng ký, thay đổi, bổ sung hộ tịch theo quy định tại Điều 27 Luật Hộ tịch và quy định tại khoản 1, Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp và sau đó yêu cầu công dân bổ sung thông tin về ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu.

          Sau khi công dân đã thực hiện việc đăng ký, thay đổi, bổ sung hộ tịch và điều chỉnh thông tin về ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại CMND tiến hành làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND cho công dân theo quy định.

          - Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được hiểu là đang sinh sống và đã đăng ký thường trú tại một địa chỉ xác định trên lãnh thổ Việt Nam.

          2. Thủ tục cấp CMND

          - Công dân xuất trình sổ hộ khẩu và đơn đề nghị cấp CMND cùng các giấy tờ liên quan khác;

          - Cơ quan Công an tiếp nhận đơn đề nghị cấp CMND đối chiếu thông tin kê khai với sổ hộ khẩu cùng các giấy tờ liên quan; đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp CMND để tránh tình trạng tráo người, khai man, giả mạo hồ sơ xin cấp CMND thì đề nghị công dân cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin giấy tờ pháp lý của cá nhân làm căn cứ đối chiếu với sổ hộ khẩu.

          - Công dân kê khai tờ khai CMND.

          - Chụp ảnh: Ảnh chân dung làm CMND là ảnh màu, phông nền màu trắng, chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh CMND; ảnh không qua chỉnh sửa photoshop, riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên nhưng phải đảm bảo rõ mặt và rõ hai tai. 

4image001.jpg

CBCS Công an huyện Nậm Pồ chụp ảnh làm CMND cho nhân dân xã Nậm Tin

- Cơ quan Công an thu nhận vân tay của công dân vào tờ khai, chỉ bản và CMND theo quy định; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, bị thương không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó trên tờ khai CMND và chỉ bản; nội dung thể hiện dấu vân tay ngón trỏ trái, ngón trỏ phải trên CMND đối với trường hợp bị cụt, khèo, dị tật, bị thương không lấy được vân tay thì đánh dấu gạch chéo (X) vào vị trí tương ứng của ngón đó.

- Đối với công dân bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định. Việc viết đơn đề nghị, kê khai Tờ khai CMND do người đại diện hợp pháp thực hiện và phải chịu trách nhiệm về các nội dung kê khai. Cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND cho công dân và tiến hành lập danh sách lưu hồ sơ riêng để theo dõi, quản lý.

 4image002.jpg        

CBCS Công an huyện Nậm Pồ lăn tay làm CMND cho nhân dân xã Pa Tần

- Công dân nộp lệ phí cấp CMND theo quy định tại điểm b, khoản 2 điều 5 Thông tư số 250/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

          - Cơ quan Công an cấp giấy hẹn trả kết quả cho công dân;

3. Thủ tục đổi, cấp lại CMND

          - Công dân xuất trình sổ hộ khẩu và đơn trình bày nêu rõ; lý do đổi, cấp lại CMND. Trường hợp cấp lại đơn phải xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn có đóng dấu giáp lai;

          - Công dân kê khai tờ khai CMND;

          - Đối với những trường hợp đổi CMND do thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc ngoài các thủ tục nêu trên còn phải kèm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên, hoặc xuất trình được một trong các giấy tờ như giấy khai sinh, giấy khai sinh đăng ký lại, các giấy tờ khác như học bạ, bằng tốt nghiệp, lý lịch cán bộ và đã được điều chỉnh trong sổ hộ khẩu để thống nhất với nội dung cần điều chỉnh;

          - Những trường hợp xác định lại giới tính và phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi cơ bản đặc điểm nhận dạng của công dân (thay đổi khuôn mặt, mũi, miệng....) Ngoài các thủ tục theo quy định cần có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền nơi thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

          -  Công dân nộp lại CMND trong trường hợp đổi CMND;

          - Các quy định về chụp ảnh, thu nhận vân tay, cấp giấy hẹn, trả CMND thực hiện như quy định của trường hợp cấp CMND.

          - Công dân nộp lệ phí đổi, cấp lại CMND theo quy định.

          4. Thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND cho người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và giải quyết cấp, đổi, cấp lại CMND cho học viên trong các trường Quân đội nhân dân, Công an nhân dân

          a) Thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND cho người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

          - Đối với những công dân trong biên chế chính thức của Quân đội, CAND đang ở tập trung trong doanh trại, nhà tập thể khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND cũng phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định chung. Riêng việc xuất trình sổ hộ khẩu được thay bằng giấy giới thiệu của cấp có thẩm quyền kèm theo Chứng minh QĐND, Chứng minh CAND; các trường hợp chưa được cấp Chứng minh QĐND, Chứng minh CAND cần kèm theo quyết định tuyển dụng, quyết định phân công công tác.

          - Về thẩm quyền cấp giấy giới thiệu và trường hợp cán bộ, chiến sỹ QĐND, CAND đã đăng ký thường trú theo hộ gia đình thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2,3 điều 14 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ Công an quyết định thi hành Luật căn cước công dân và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật căn cước công dân.

          b) Việc giải quyết cấp, đổi, cấp lại CMND cho học viên cho các trường Quân đội nhân dân, Công an nhân dân

          - Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 22 của Luật Cư trú thì chỉ các trường hợp được tuyển dụng vào QĐND, CAND ở tập trung trong doanh trại mới bị xóa đăng ký thường trú, còn các công dân trúng tuyển vào học tại các trường CAND, QĐND không thuộc diện xóa đăng ký thường trú.

          - Đối với các trường hợp công dân là học viên trong các trường QĐND, CAND có nhu cầu đổi, cấp lại CMND thì công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoặc phòng PC64 Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân đăng ký thường trú có trách nhiệm đổi, cấp lại cho công dân là học viên các trường QĐND, CAND.

          - Trường hợp do nhầm lẫn đã thực hiện xóa đăng ký thường trú cho công dân trúng tuyển vào học tại các trường trong QĐND, CAND thì phải làm thủ tục theo quy định để đăng ký thường trú lại cho các công dân đó. Sau khi đăng ký thường trú xong học viên làm thủ tục đổi, cấp lại CMND theo quy định chung.

          5. Các đối tượng sau đây tạm thời chưa được CMND

          Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Các trường hợp nói trên nếu hết thời hạn tạm giam, thời hạn thi hành án phạt tù hoặc hết thời hạn chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được cấp CMND.

          6. Thời hạn sử dụng của CMND

          CMND có giá trị sử dụng là 15 năm kể từ ngày cấp.

          7. Nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND

          - Công dân thuộc diện được cấp, đổi, cấp lại CMND hiện đăng ký hộ khẩu thưởng trú thuộc địa phương nào thì do Công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND. Công dân đang biên chế chính thức trong QĐND, CAND (trừ số đang thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, phục vụ có thời hạn trong CAND, học viên trong các trường QĐND, CAND) đang ở tập trung trong doanh trại, nhà ở tập thể thì do Công an cấp huyện nơi đơn vị đó đóng quân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND.

          - Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân cấp việc tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục để nghị cấp, đổi, cấp lại CMND cho công dân tại phòng PC64.

          - Cơ quan Công an cấp huyện hoặc phòng PC64 tiến hành tổ chức cấp, đổi, cấp lại CMND tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc tại cơ quan, đơn vị, trường học, địa bàn nếu xét thấy cần thiết.

          - Cơ quan Công an cấp huyện hoặc phòng PC64 tổ chức cấp CMND tại chỗ ở của công dân đối với trường hợp người già yếu, bệnh tật, ốm đau không thể đi lại có xác nhận của Công an cấp xã nơi người đó cư trú.

4image003.jpg

Công an huyện Nậm Pồ tổ chức cấp CMND cho cán bộ, nhân dân xã Phìn Hồ

8. Xử lý vi phạm hành chính trong công tác cấp, quản lý, sử dụng CMND

          Việc xử lý vi phạm hành chính liên quan đến công tác cấp, quản lý, sử dụng CMND được thực hiện theo quy định tại điều 9 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

9. Cách ghi biểu mẫu trong công tác cấp, quản lý CMND

          Ghi đầy đủ, chính xác, rõ ràng nội dung trong từng biểu mẫu, chữ viết phải cùng một loại mực.

          Người đến làm thủ tục không biết chữ hoặc không thể tự kê khai được thì nhờ người khác kê khai hộ theo lời khai của mình. Người kê khai hộ phải ghi “người viết hộ” kê khai trung thực, ký và ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về việc kê khai hộ.

          Các cột, mục trong biểu mẫu phải được ghi theo đúng chú thích hướng dẫn trong các biểu mẫu (nếu có). Trường hợp thông tin ghi trong cột, mục của biểu mẫu dài thì được viết tắt nhưng phải đảm bảo rõ các thông tin cơ bản.

          Màu mực để ghi biểu mẫu, chữ ký của người có thẩm quyền và các nội dung trong biểu mẫu chỉ được dùng màu mực xanh, tím than hoặc đen.

          Nghiêm cấm tự ý tẩy xóa, sửa chữa nội dung đã ghi trong biểu mẫu./.

 

Nguyễn Văn Hoàn – Công an huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên