Một thoáng Sa Luông
Thời gian đăng: 16/04/2019 03:43:03 PM

 

          Là một trong 11 bản nằm trong Cụm bản Hua Mức của huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Sa Luông nhỏ nhắn nằm  giữa núi rừng, bên cạnh dòng Nậm Mức yên ả. Bởi vậy nên Sa Luông bỗng nên thơ, trữ tình. Bản nhỏ này, để lại trong lòng du khách bao nỗi tương tư, trăn trở.

14image001.jpg

Một chiều cuối xuân 2019 ở Sa Luông

Bản Sa Luông có 44 hộ, với 350 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống của nhân dân trong bản còn nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào trồng lúa nước và canh tác trên nương, bắt cá suối. Từ lối mở Mốc 65 thuộc xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ đi đến Sa Luông đường dài khoảng trên 40 km. Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho phép đoàn cán bộ 6 xã của huyện Nậm Pồ sang giao ban bảo vệ biên giới với Cụm bản Hua Mức, đoàn công tác của Nậm Pồ đến Sa Luông vào cuối buổi chiều một ngày đầu tháng tư, tháng tết té nước của người Lào. Sa Luông bỗng bừng lên râm ran, nhộn nhịp đón khách.

 14image002.jpg

Một góc bản Sa Luông

Đến Sa Luông, ngoài vẻ bình yên, trầm mặc vốn có, người dân nơi đây vô cùng hiếu khách. Họ sống giản dị, hồn hậu, dễ mến từ trong tâm hồn đến mỗi lời nói và hành động. Và, khi đón những vị khách Việt Nam, chúng tôi cảm nhận rõ nét tình cảm trong mỗi người dân Sa Luông vừa nồng ấm, vừa thân thương, mến nhau như đón người anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Tôi được nghe một người cao tuổi ở Sa Luông nói trong bữa cơm đón đoàn công tác của các xã biên giới, huyện Nậm Pồ như thế này: “Việt Nam giúp giải phóng, bây giờ Việt Nam còn giúp nhiều thứ lắm, con đường này cũng Việt Nam mở sang, nhân dân bên này cũng sang Việt Nam khám chữa bệnh”.

14image003.jpg

Tiết mục văn nghệ đậm đà văn hóa các dân tộc Lào được biểu diễn để đón khách

Đảng và Chính phủ Lào rất quan tâm hỗ trợ vùng khó khăn theo cách tiết kiệm nhất. Người dân trong bản Sa Luông, nhà nào cũng có ánh điện, đó có thể là điện từ năng lượng mặt trời, điện lưới quốc gia, hay điện do các hộ gia đình tự phát điện bằng sức nước; 100% người dân trong bản được sử dụng nước sạch. Điều đặc biệt là, ở đây họ không xây bể, mà ở mỗi điểm cung cấp nước sạch là hệ thống van vòi; ai đến lấy nước thì tự mở van xả. Có thể nói là tiết kiệm tài nguyên nước khá khoa học. Người dân ở đây không đẻ nhiều và tất cả học sinh trong bản đều được đi học.

14image004.jpg

Một điểm cung cấp nước sạch ở Sa Luông

Sa Luông là bản trung tâm của Cụm bản Hua Mức, nên là nơi tập trung công sở, trường học, trạm y tế. Thế nhưng cơ sở vật chất nơi đây vẫn còn thiếu thốn rất nhiều; còn khá nhiều phòng học và nhà ở học sinh làm bằng tre nứa tạm, kê tấm gỗ làm bàn ghế. Nơi họp bản, làm việc của Cụm bản vẫn còn là nhà tạm.

14image005.jpg

Phần lớn các lớp học đều bằng tranh tre nứa lá

14image006.jpg

Xen lẫn các lớp học là nhà ở của các em học sinh

14image007.jpg

Trạm y tế cụm bản Hua Mức có quy mô 3 giường bệnh

14image008.jpg

Dãy phòng học kiên cố nhất cụm được ưu tiên dành cho học sinh tiểu học

Dù còn nhiều khó khăn về đời sống, cũng như cơ sở hạ tầng, song người dân Sa Luông luôn sống ôn hòa, đoàn kết, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào, luôn có ý thức vun đắp tình hữu nghị Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đờì đời bền vững./.

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên