Sâu tre là loài sâu sống ký sinh theo đàn trong những thân tre non, mỗi độ sang Thu tầm khoảng tháng 9 đến tháng 11 bà con các dân tộc huyện Nậm Pồ lại tất nập lên rừng tìm sâu tre về chế biến thành món ăn và bán. Vì đây là thời điểm sâu tre sinh trưởng nhiều và béo, ngậy nhất.
Niềm vui của anh Giàng A Chùa với thành quả sau một ngày đi lên rừng tìm sâu tre
Tầm khoảng 18 giờ tối, anh Giàng A Chùa bản Huổi Đắp, xã Nậm Tin mang số sâu tre tìm được ra chợ Nậm Tin bán, cầm 2 ống sâu tre trên tay anh phấn khởi chia sẻ: Thời gian này đang đúng mùa sinh trưởng của sâu tre nên đàn ông trong bản chúng tôi tranh thủ đi tìm về bán để có tiền mua đồ ăn cho gia đình đang gặt lúa nương. Hôm nay khá may mắn tôi tìm được 1,5kg sâu tre, giá bán hiện tại là 350.000đồng thế là hôm nay tôi kiếm được hơn 500.000 đồng. Những cây tre bị sâu ăn sẽ không phát triển được nữa, cây nào có nhiều sâu ăn còn chết đi nên khi khai thác con sâu này sẽ không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của rừng.
Sâu tre là một món ăn hiếm, thường chỉ có trong khoảng 1, 2 tháng mùa Thu
Sâu tre chỉ sống trong thân cây tre nên rất sạch. Muốn tìm loài sâu này, người dân phải chọn những cây tre non có lố nhỏ trên thân cây,ngọn tre có màu vàng hoặc tù đầu không thể cao, phần dưới có các đốt ngắn bất thường so với các cây tre khác nghĩa là trong đó đang có sâu làm tổ . Khi những cây măng tre to lớn thì cũng là lúc ấu trùng sâu tre phát triển đến độ trưởng thành, lúc đó sâu sẽ dồn về ở một ống bất kỳ trên thân cây tre non (gọi là thời kì đình động). Khi đó những người có kinh nghiệm sẽ chặt những măng tre này để lấy sâu. Bên trong các ống tre khi chặt ra có hàng chục thậm chí có hàng trăm con sâu tre (tuy nhiên không phải ống nào cũng có).
Những con sâu tre trắng muốt sống trong thân cây tre
Loài sâu tre này to bằng đầu đũa, dài khoảng 3 - 4 cm, màu trắng muốt, đầu đen.Phần chân đen nhìn rất rõ, có lông tơ rất nhỏ, dọc 2 thân sâu tre có các chấm đen. Phần miệng của sâu tre to lớn, có màu nâu thoạt nhìn rất giống con đuông dừa nhưng nhỏ hơn. Nhìn những con sâu lúc nhúc, ngoe nguẩy khiến không ít người rùng mình, nổi da gà, nhưng đây lại là một món ăn được coi như đặc sản của người dân vùng cao nơi đây. Sâu tre ngon nhất vào độ tháng 9 đến tháng 11, đây là thời gian sâu sinh sản của chúng nên sâu thường béo, ngậy. Vì mùa sâu tre ngắn nên nhiều thương lái tranh thủ mua gom, cấp đông và chuyển cho các nhà hàng, quán ăn hoặc gửi xe về dưới Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.
Cô Mùa Thị Sú (đội khăn) bán sâu tre tại chợ huyện Nậm Pồ
Là một trong những người dân có nhiều năm bán sâu tre, cô Mùa Thị Sú, bản Huổi Hâu, xã Nà Khoa cho biết:Cứ đến mùa sâu là nhiều khách ở dưới thành phố lại đặt mua, ở chợ huyện này giá bán giao động từ 300.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, sau khi tìm được về đa số bà con nhân dân sẽ mang đi bán lấy tiền. Sâu tre có thể chế biế thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như: Sâu tre chiên giòn, sâu tre rang lá chanh, sâu tre xào măng chua, sâu tre hấp... nhưng ngon và phổ biến nhất là món sâu tre rang cùng với lá chanh. Khi rang lên sâu tre sẽ có mùi thơm ăn vào rất béo, ngậy, giòn và rất ngon.
Sâu tre sau khi chiên giòn hoặc rang lá chanh lên ăn béo ngậy cực kỳ hấp dẫn ( Ảnh minh họa)
Mặc dù món sâu tre được nhiều người ưa thích, song món ăn đặc sản này thuộc loại côn trùng, sâu bọ trong quá trình chế biến mà làm không kỹ dễ gây ra các triệu chứng như dị ứng, ngộ độc đối với một số người có cơ địa không phù hợp, nên trước khi chế biến sâu tre, cần ngâm vào nước muối pha loãng để con sâu thải hết độc từ ruột ra ngoài, ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc khi ăn./.