Mã số trên thẻ căn cước công dân (CCCD) sẽ chính là mã số định danh cá nhân của mỗi công dân sau khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2021. Do đó, trước ngày 1/7/2021, toàn bộ công dân đang sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) sẽ được cấp đổi thành thẻ CCCD. Sau đây là một số vấn đề mà nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi:
Câu 1: Mới làm lại CMND thì có phải đổi qua làm CCCD không?
TRẢ LỜI: Chắc chắn phải đổi lại CCCD có gắn thẻ trong thời gian tới. Vì sắp tới, thẻ CCCD sẽ thay toàn bộ cho CMND (cũ). Tuy nhiên, trong thời gian này, CMND vẫn còn hiệu lực sử dụng, nếu chưa có nhu cầu cấp thiết để đổi vẫn có thể dùng CMND cho các thủ tục hành chính.
Câu 2: Đổi thẻ CCCD thì vẫn giữ được số CMND cũ phải không? Nếu thay đổi rồi thì những giấy tờ ngân hàng, đất đai… có ghi thông tin CMND cũ sẽ như thế nào?
TRẢ LỜI: CMND chỉ có 9 số, còn CCCD có 12 số. Vì vậy đổi thẻ CCCD thì sẽ phải thay đổi dãy số, không như CMND nữa. Như vậy, thủ tục cấp CCCD là cấp mới, không phải là cấp đổi. Ngoài ra, khi nhận thẻ CCCD gắn chip mới bạn sẽ được cơ quan Công an cấp thêm tờ giấy xác nhận thay đổi số CMND 9 số qua CCCD 12 số. Trong tương lai, các cơ quan, doanh nghiệp sẽ có máy quét thẻ chip có thể cập nhật được sự thay đổi về số.
Câu 3: Có làm CCCD ở nơi tạm trú được không?
TRẢ LỜI: Được. Nhưng thời gian đầu thì chưa, do hệ thống dữ liệu chưa sẵn sàng 100%. Trong thời gian tới Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD đã đi vào vận hành thì công dân có thể đến bất kỳ cơ quan quản lý CCCD nào để làm thủ tục cấp CCCD. Vì vậy, hiện nay có hộ khẩu ở đâu thì người dân làm CCCD gắn chip ở địa phương đó.
Câu 4: Làm CCCD mang theo thủ tục gì? Có nhanh không?
TRẢ LỜI: Mang theo hộ khẩu và CMND cũ để tra cứu thông tin. Cơ bản thông tin cá nhân của công dân đã được cập nhật trên hệ thống CSDLQGVDCnhưng cũng có những trường hợp chưa cập nhật thông tin lên dữ liệu. Vì vậy, để tránh mất thời gian do chưa nắm rõ thông tin của mình đã được cập nhật trên hệ thống CSDLQGVDChay chưa thì công dân cứ mang theo hộ khẩu và CNMD cũ để phục vụ cho việc tra cứu cho chắc. Đến làm CCCD trải qua các thủ tục tra cứu thông tin, lăn tay, chụp ảnh tại chỗ. Quy trình mất khoảng 15 phút cho mỗi người.
Câu 5: Có tốn phí làm CCCD hay không?
TRẢ LỜI: Có nhưng khi đến thực hiện thủ tục cấp mới thì chưa đóng. Khi nào nhận thẻ CCCD hoàn chỉnh mới đóng phí. Phí làm thẻ CCCD đang thực hiện theo Thông tư 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 của Bộ Tài chính quy định về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong đó, tiếp tục giảm 50% lệ phí cấp CCCD đến hết ngày 30/6/2021. Cụ thể, kể từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, lệ phí cấp CCCD bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân. Mức thu là 15 nghìn đồng (cấp mới), 25 nghìn đồng (cấp đổi), 35 nghìn (cấp lại).
Câu 6: Vì sao hiện nay việc cấp CCCD lại chậm như vậy?
TRẢ LỜI: Hiện nay, số lượng làm CCCD tại các địa phương trên cả nước là rất lớn. Thông tin được Công an các địa phương thu thập chuyển ra Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội để sản xuất thẻ. Tuy nhiên, hiện cả nước cùng thực hiện một lúc nên thời gian lâu hơn quy định. Các lực lượng chức năng đang nỗ lực hết sức để việc cấp thẻ được diễn ra nhanh, gọn. Trong lúc chờ đợi có thẻ, người dân vẫn có thể sử dụng CMND để giao dịch.
Câu 7: CMND sắp hết hạn, giờ muốn lên xin cấp lại CMND mới thay vì cấp mới CCCD được không ?
TRẢ LỜI: Không được, hiện nay việc cấp CMND đã dừng. Toàn bộ các đơn vị, địa phương chuyển sang cấp mới CCCD.
Câu 8: CCCD có hạn sử dụng không? Nghe nói phải thay đổi theo độ tuổi.
TRẢ LỜI: Có thời hạn sử dụng. Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Câu 9: Những thông tin nào về nhân thân sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC)
Thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào (CSDLQGVDC) từ tàng thư và Cơ sở dữ liệu CCCD, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư. Theo khoản 1 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020, từ ngày 01/7/2021 các thông tin sau đây về nhân thân sẽ được cập nhật vào CSDLQGVDC: (1) Họ, chữ đệm và tên khai sinh; (2) Ngày, tháng, năm sinh; (3) Giới tính; (4) Nơi đăng ký khai sinh; (5) Quê quán; (6) Dân tộc; (7) Tôn giáo; (8) Quốc tịch; (9) Tình trạng hôn nhân; (10) Nơi thường trú; (11) Nơi tạm trú (hiện hành không có quy định này); (12) Tình trạng khai báo tạm vắng (hiện hành không có quy định này); (13) Nơi ở hiện tại; (14) Quan hệ với chủ hộ; (15) Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; (16) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; (17) Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình (hiện hành quy định họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ); (18) Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.
Có thể trong thời gian đầu, do tập trung đông người sẽ khiến việc cấp CCCD phải chờ đợi, mong người dân kiên nhẫn, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch covid-19 khi đi làm CCCD.