Nà Bủng -  Khát vọng “bay cao” với nghề thêu may trang phục Mông
Thời gian đăng: 03/10/2022 03:05:00 PM

          Nằm sát biên giới Việt - Lào, xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ) là nơi quần cư của bà con người Mông với tỷ lệ 100%. Chính vì lẽ đó mà đi đến bản nào trong xã, chúng ta cũng thấy rực rỡ sắc phục Mông cổ truyền, nhất là bộ nữ phục của các bà, các chị, các em gái... trong lễ tết cũng như trên nương dưới ruộng...

7.jpg

 Những bộ trang phục nam, nữ truyền thống của dân tộc Mông được trưng bày ở gian hàng Ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ lần thứ nhất.

          Quả thật, không khó khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông thường gắn liền với hoạt động thêu thùa, may dệt các trang phục dân tộc để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tại đây, phụ nữ người Mông còn thành lập các mô hình thêu may trang phục dân tộc để tạo nguồn hàng xuất khẩu và góp phần bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc văn hóa dân tộc trên trang phục. Hiện nay, những sản phẩm thêu may trang phục dân tộc Mông đã được xuất khẩu sang một số nước như Mỹ, Thái Lan... mang lại nguồn thu nhập cho nhiều gia đình vùng biên giới thoát nghèo.

          Người phụ nữ dân tộc Mông nơi đây vẫn giữ được phong tục may, thêu và sử dụng trang phục trong cuộc sống hàng ngày. Những lúc rảnh rỗi hầu hết phụ nữ Mông sẽ tập trung may, thêu trang phục cho mình và gia đình. Nghề thêu may các trang phục dân tộc ở đây được phụ nữ Mông lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc.Em Thào Thị Tài, Bản Pá Kha, xã Nà Bủng chia sẻ:Thế hệ trẻ chúng tôi thêu thùa được học từ các bà, các mẹ ngày xưa. Chúng tôi muốn giữ được bản sắc dân tộc của mình để không bị mất đi truyền thống của dân tộc”.

8.jpg

Sợi lanh được sử dụng để thêu những bộ trang phục dân tộc Mông

          Thông thường, một bộ trang phục áo váy dài, phải thêu, may cầu kỳ nhiều họa tiết, phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện, bao gồm cả khâu hạt cườm, đính hạt vòng trang trí vào áo váy. Những chiếc áo, váy ngắn đơn giản hơn thì mất ít thời gian hoàn thiện. Từ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, chị em phụ nữ ở đây cũng đã cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã để phù hợp với mọi lứa tuổi, từng vóc dáng và mục đích sử dụng, nhưng vẫn giữ được truyền thống độc đáo của bộ áo, váy Mông. Việc thêu may các trang phục dân tộc Mông ở Nà Bủng không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình mà đến nay đã có 2 mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông bản Nà Bủng 1 và mô hình nghề thêu chân váy bản Pá Kha với 70 hội viên. Mô hình hoạt động trên nguyên tắc tập hợp các chị em phụ nữ biết thêu thùa, may vá trên địa bàn xã để vừa tạo ra sản phẩm, giúp phụ nữ có thêm nguồn thu nhập cho gia đình vừa duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Chị Mùa Thị Mỷ, mô hình thêu chân váy bản Pá Kha, xã Nà Bủng cho biết:“Chúng tôi thành lập mô hình này mục đích là để chị em phụ nữ biết thêu thùa, với chị em phụ nữ thêu được cái áo, cái váy bán đi để có tiền phục vụ cho gia đình. Với mục đích hơn nữa tôi muốn thành lập mô hình này để chị em có thêm thu nhập, để chị em xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi thêu cái áo cái váy cũng là giữ lại bản sắc dân tộc ngày xưa các cụ để lại cho”.

10.jpg

Chị em phụ nữ ở bản Nà Bủng 1, xã Nà Bủng tập trung thêu, may trang phục khi có thời gian rảnh rỗi.

          Để làm một bộ trang phục dân tộc Mông phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn như: Vẽ sáp ong sau đó mới mang đi nhuộm rồi thêu thùa. Các công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông. Ngoài việc sản xuất trang phục dân tộc, các mô hình còn đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước thông qua nhiều kênh bán hàng. Theo chị Tráng Thị Cầu, bản Nậm Tắt,xã Nà Bủng chia sẻ: “Mỗi bộ trung phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng/bộ... trung bình mỗi năm nghề may trang phục truyền thống ở xã biên giới Nà Bủng đã đem lại thu nhập cho các hội viên trong mô hình từ 30 - 50 triệu đồng. Nhờ đó đã tạo việc làm cho nhiều hộ gia đình.

          Ngoài ra, để bảo tồn, phát huy và lan tỏa nghề thêu may trang phục truyền thống đến với các thế hệ trẻ người Mông và quảng bá rộng rãi đến các dân tộc anh em khác trên địa bàn huyện và du khách ở nhiều địa phương. Các sản phẩm từ thêu may của chị em hội viên Mô hình ở Nà Bủng được mang bán tại các phiên chợ vùng cao, quảng bá tại các Ngày hội của huyện khi có dịp. Như mới đây, tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ lần thứ I năm 2022. Các gian hàng trưng bày không gian văn hóa dân tộc Mông, phần gian hàng độc đáo, bắt mắt nhất vẫn là những bộ váy, áo truyền thống của nam, nữ dân tộc Mông. Chị Mùa Thị Mỷ, Mô hình thêu chân váy bản Pá Kha, xã Nà Bủng cho biết thêm: “Chúng tôi mang váy, áo của dân tộc mình, do chính chị em chúng tôi thêu, may ra đây trưng bày. Gian hàng của chúng tôi trưng bày là hoàn toàn các sản phẩm áo, váy bằng vải lanh, thêu tay. Chúng tôi mong muốn được nhiều người biết đến trang phục truyền thống của mình, mong các bạn trẻ sẽ gìn giữ và phát huy. Sau này, mô hình chúng tôi không chỉ thêu mỗi áo, váy mà sẽ may thêm túi, balo thủ công để phục vụ nhu cầu sử dụng cho chị em người Mông”.

11.jpg

Những bộ áo, váy truyền thống của phụ nữ Mông được các thế hệ trẻ gìn giữ

          Để bảo tồn và phát huy nghề thêu may trang phục truyền thống dân tộc Mông, huyện Nậm Pồ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đồng bào tiếp tục duy trì, bảo tồn nghề truyền thống với những nét hoa văn chủ đạo của dân tộc mình. Đồng thời, hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển các mô hình gắn với việc tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Pồ cho biết:“Để hỗ trợ việc phát triển mô hình, Phòng VH&TT đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện Nghị quyết bảo tồn thì dự kiến năm nay sẽ hỗ trợ máy khâu để mô hình này phát triển. Hiện tại theo khảo sát ban đầu, mỗi mô hình có 1 đến 2 máy khâu, hiện tại rất khó khăn. Theo nguyện vọng của Ban chủ nhiệm và thành viên các mô hình mong muốn được hỗ trợ máy khâu để phát triển sản phẩm tốt hơn. Mục tiêu hỗ trợ mô hình đạt 2 mục tiêu. Thứ nhất là việc bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng. Thứ hai giúp cho các thành viên các hộ gia đình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.

12.jpg

Những bộ trang phục truyền thống phụ nữ Mông mặc thường ngày

          Là người tâm huyết với di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, về vấn đề trang phục dân tộc Mông nói riêng, ông Phan Ngọc Linh kiến giải: Bản sắc văn hóa và sự biến đổi một hay nhiều nét văn hóa của một tộc người hay một vùng văn hóa bao gồm nhiều tộc người, điều đó không đơn giản là sự đo đếm khô khan hay con số thống kê những di sản truyền thống còn lưu giữ được. Không ít trường hợp, với nhiều vùng đất hoặc với những sắc tộc cụ thể, văn hóa chính là sự cảm nhận, sẻ chia và ai có sự cảm nhận tinh túy nhất, sự sẻ chia sâu sắc nhất, người đó sẽ có cái nhìn toàn bích hơn, đầy đủ, đa chiều và tinh tế hơn... Trong một xã hội đa văn hóa và ở vào thời đại hội nhập, con người - đối tượng vừa thụ hưởng thành quả của văn hóa vừa là người sáng tạo ra sản phẩm văn hóa - là những chủ thể chịu sự va đập và những tác động qua lại của quy luật sinh tồn, trong đó có bản sắc văn hóa vật thể cũng như phi vật thể và văn hóa Mông cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.

           Phát triển nghề thêu may các trang phục truyền thống dân tộc Mông ở Nà Bủng, không chỉ tạo nguồn hàng xuất khẩu ổn định cho thị trường trong và ngoài nước mà còn góp phần quan trọng quảng bá, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tại thời điểm này, theo chúng tôi là xã Nà Bủng đã đi đúng hướng, tuy nhiên, các cụ có câu “đường dài mới biết ngựa hay”. Rất mong khát vọng “bay cao” của cán bộ và nhân dân Nà Bủng về nghề thêu may các trang phục truyền thống dân tộc Mông, đã và tiếp tục được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện giúp đỡ, phát huy!...

Mắn On
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên