Điệu múa quạt ấn tượng khai mạc Hội thi do các thành viên của bản Huổi Thủng 1 biểu diễn
Đến với Hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới (NTM) xã Na Cô Sa lần thứ I có 6 đội thi, đại diện cho 11 bản trên địa bàn xã. Trong đó có 10 bản liên kết thành lập 5 đội thi là: Nậm Chẩn - Huổi Po; Na Cô Sa 1 - Na Cô Sa 2; Na Cô Sa 3 - Na Cô Sa 4; Huổi Thủng 2 - Huổi Thủng 3; Pắc A 1 - Pắc A 2; riêng bản Huổi Thủng 1 thành lập một đội tham gia dự thi. Đặc biệt, thành viên của các đội thi là Trưởng, Phó bản và đại diện người dân ở các bản. Các đội đã thực hiện 3 phần thi là: thi chào hỏi, thi kiến thức và thi năng khiếu. Trong phần thi kiến thức, các đội đã thể hiện được sự hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến xây dựng nông thôn mới; các kiến thức cơ bản và ý nghĩa, mục đích, nội dung, nguyên tắc thực hiện chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vai trò của người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Phần thi chào hỏi qua điệu múa vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế gia đình ở nông thôn của bản Huổi Thủng 1
Đặc biệt, trong phần thi năng khiếu, 6 đội dự thi đều dàn dựng một tiểu phẩm. Các các tiểu phẩm tự biên, tự diễn với nội dung phản ánh sâu sắc những tình huống, sự việc diễn ra tại địa phương trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, như: khó khăn trong việc vận động hiến đất làm đường nông thôn; vận động con em ra lớp; ý nghĩa của việc tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng và tương lai giống nòi; vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phát triển kinh tế gia đình ở nông thôn; phê phán hành vi bạo lực gia đình, công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Với lối diễn xuất tự nhiên, dí dỏm, sáng tạo của các đội đã truyền tải được nhiều thông điệp về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, tạo ấn tượng sâu sắc đối với người xem.
Tiểu phẩm tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng của bản Nậm Chẩn và Huổi Po
Nậm Chẩn và Huổi Po là hai bản mới được sáp nhập vào xã Na Cô Sa, đến với Hội thi tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới của xã, hai bản đã chọn đề tài tuyên truyền về việc tiêm chủng với mục đích vận động bà con trong bản cũng như nhắn nhủ đến nhân dân trong xã về lợi ích của việc tiêm chủng đối với sức khỏe của con em mình. Trưởng bản Nậm Chẩn - Giàng A Sú vui vẻ cho biết: đây là lần đầu tiên đi thi, cái khó nhất là mình không nhớ được kịch bản, lại diễn trước nhiều người nên mình viết ra giấy cho chắc ăn. Ở bản mình, cái việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ con dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi còn rất hạn chế, do bà con thấy sau khi tiêm trẻ con hay bị sốt, gia đình lại phải bố trí người ở nhà trông con, không có người đi làm nương rẫy. Cái tiểu phẩm của bản mình là tuyên truyền làm rõ tại sao trẻ hay bị sốt sau khi tiêm, đó là phản ứng của thuốc tốt, bị sốt thì thuốc mới có tác dụng, việc đạt tỷ lệ tiêm chủng thấp thì xã sẽ không đạt tiêu chí quốc gia về Y tế. Không chỉ riêng bản mình, chúng tôi mong muốn là tất cả bà con ở các bản trong xã đều thực hiện tốt việc tiêm chủng định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho con em mình.
Tiểu phẩm "Giấc mơ của A Páo" phê phán sâu sắc quan niệm phải có con trai trong cộng đồng các dân tộc của bản Huổi Thủng 2 - Huổi Thủng 3
Với lối diễn xuất tự nhiên, dí dỏm, phê phán sự việc có thật tại bản cũng như trong xã, các vai diễn đại diện cho hai bản Huổi Thủng 1 và Huổi Thủng 2 đã phản ánh được toàn diện quan niệm lạc hậu đang tồn tại là phải có con trai trong cộng đồng các bản, thân phận của người phụ nữ dân tộc, phê phán hành vi bạo lực gia đình và sức khỏe sinh sản, ý nghĩa của việc chỉ nên có từ 1 đến 2 con trong mỗi hộ gia đình. Ông Hờ A Lừ - Trưởng bản Huổi Thủng 2 phấn khởi: đến với Hội thi này chúng tôi chuẩn bị đầy đủ trang phục đúng với dân tộc mình, rồi tìm đề tài tuyên truyền sát với đời sống của bà con trong bản mình và chúng tôi tổ chức tập luyện rất kỹ các phần thi. Tiểu phẩm của chúng tôi là vận động không sinh nhiều con, mỗi gia đình chỉ nên có 2 con thôi, cho dù là con trai hay con gái cũng là con. Bởi vì sinh nhiều con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em, vợ sẽ già nhanh, con cái không được chăm sóc đầy đủ, kinh tế gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tiểu phẩm "Xã hội hóa giáo dục chung tay xây dựng nông thôn mới" của bản Pắc A 1 và Pắc A 2
Tiểu phẩm "Chung tay xây dựng nông thôn mới" phê phán tệ nạn cờ bạc, rượu bia, đóng góp công sức xây dựng nông thôn của bản Na Cô Sa 1 - Na Cô Sa 2
Tiểu phẩm "Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới" phê phán hành vi trông trờ, ỷ lại vào nhà nước, cách tuyên truyền vận động nhân dân tham gia ngày công, hiến đất làm đường nông thôn của bản Na Cô 3 - Na Cô Sa 4
Đánh giá về Hội thi, ông Giàng A Tủa - CT UBND xã Na Cô Sa cho biết: Hội thi đã thành công tốt đẹp, các nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được truyền tải đầy đủ. Đặc biệt là các bản đã rất quan tâm đến Hội thi này, đại diện tổ chức bản nắm rất chắc các nội dung và hiểu rõ vai trò của cán bộ cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Hiện xã Na Cô Sa đã đạt được 4/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn đến năm 2020, chúng tôi phấn đấu đạt từ 7 - 10 tiêu chí. Tuy nhiên xã còn gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện như: nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, việc huy động nguồn lực, sức dân còn khó khăn. Qua Hội thi này nhằm phát huy triệt để nội lực của địa phương, xóa bỏ tư tưởng trông trờ, ỷ lại của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ
Bản Pắc A 1 nhìn từ trên cao
Hệ thống Trường lớp học đầy đủ
100% các bản của xã Na Cô Sa đã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 96,6%
Là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, Na Cô Sa có 11 bản (tháng 8/2017, 107 hộ, 630 nhân khẩu thuộc hai bản Nậm Chẩn và Huổi Po, xã Nà Khoa được sáp nhập vào xã Na Cô Sa). Toàn xã có 800 hộ, với hơn 6.000 nhân khẩu. Với điều kiện của xã 100% là đồng bào dân thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 84%. Việc phát huy nội lực của địa phương trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Qua Hội thi đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đồng thời tạo điều kiện để các bản giao lưu, trao đổi những kiến thức cơ bản về xây dựng NTM. Qua đó, giúp cán bộ cơ sở và nhân dân hiểu hơn về ý nghĩa của chương trình. Từ đó, phát huy nội lực của địa phương và vai trò của cán bộ, nhân dân trong việc chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, Na Cô Sa cũng đang rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa để xã có những bước đột phá trong xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề cho người dân phát triển kinh tế./.