Nậm Khăn trồng thử nghiệm cây Sa nhân xanh
Thời gian đăng: 13/05/2017 02:03:52 PM

          Nậm Khăn là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, người dân phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo toàn xã còn cao với 185 hộ, chiếm 50%. Tháng 6 năm 2015, xã Nậm Khăn đã đưa cây Sa nhân xanh vào trồng thử nghiệm 2 ha, với mong muốn tìm hướng thoát nghèo bền vững cho nhân dân trong xã, cũng như thực hiện hiệu quả tiêu chí thứ 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

25-N-m-Kh-n-tr-ng-th-nghi-m-c-y-Sa-nh-n-xanh-s-a-1.jpgMột góc trung tâm xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ

          Xã Nậm Khăn có tổng diện tích tự nhiên gần 10.470ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp khoảng 288ha, còn lại là đất rừng tự nhiên, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt gần 70%. Xã có 7 bản với 370 hộ/1.891 nhân khẩu thuộc 4 dân tộc Thái,  Mông, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống, trong đó dân tộc thái chiếm 49,23%, dân tộc Mông chiếm 39,98%. Phát triển kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng. Cây trồng chính là ngô, lúa và sắn (với tổng diện tích khoảng 70ha ngô/vụ/năm; hơn 85ha lúa/vụ/năm, gần 53ha sắn/vụ/năm). Vật nuôi chủ yếu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương là trâu, bò, dê và lợn, với tổng đàn hiện có trên 2.470 con, đàn gia cầm gần 8.300 con.

          Với định hướng nhân dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tìm hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trong xã, tháng 6/2015, xã Nậm Khăn đã đưa cây Sa nhân xanh vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại bản Nậm Khăn, với 24 hộ gia đình đăng ký tham gia nhận chăm sóc và bảo vệ. Sau gần 2 năm triển khai trồng thí điểm, mô hình cây Sa nhân xanh đã mang lại tín hiệu khả quan: cây phát triển tốt, đã ra hoa. Là một trong 24 hộ gia đình tham gia mô hình, ông Lèng Văn Tiến - Trưởng bản Nậm Khăn, xã Nậm Khăn cho biết: mô hình này chỉ mất thời gian chăm sóc ban đầu, khi trồng cây giống, chúng tôi mang cả máy phát điện lên nương để bơm nước tưới cho cây và chăm sóc cây theo đúng hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện. Với lại điều kiện tự nhiên xã Nậm Khăn rất phù hợp với cây Sa nhân, cây phát triển rất tốt, bây giờ không tốn nhiều công chăm sóc. Hiện tại cây đã ra hoa, bà con rất phấn khởi, nếu mà cây Sa nhân xanh này có hiệu quả cao, nhân dân trong bản và gia đình sẽ phát triển, nhân rộng phát triển kinh tế cho gia đình.

25-N-m-Kh-n-tr-ng-th-nghi-m-c-y-Sa-nh-n-xanh-s-a-2.jpgCác hộ gia đình thay phiên làm cỏ, chăm sóc mô hình Sa nhân xanh

          Là mô hình trình diễn thí điểm, người dân tham gia được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, người dân bỏ công trồng, chăm sóc và được hưởng lợi 100% khi thu hoạch. Việc trồng xen cây Sa nhân xanh dưới tán rừng có nhiều lợi ích, vừa có tác dụng chống xói mòn, giữ ẩm cho đất, tán rừng tạo bóng mát cho sa nhân phát triển. Theo anh Lèng Văn Tự - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Khăn, hiện tại trên địa bàn xã Nậm Khăn có 2 loại xa nhân mọc tự nhiên là Sa nhân đỏ và Sa nhân xanh, với giá thị trường được tiểu thương thu mua tại xã hiện nay dao động từ 400.000 - 450.000 đồng/kg Sa nhân xanh khô thì trên diện tích 2ha này sau 1 năm nữa người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ trồng cây sa nhân. Nói về mô hình Sa nhân xanh này, anh Lèng Văn Tự - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ chia sẻ: việc trồng thí điểm cây sa nhân xanh trên địa bàn với mong muốn của xã là sẽ mở ra một hướng phát triển sản xuất cho bà con nhân dân theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay cây sinh trưởng, phát triển rất tốt và đã ra hoa. Tới đây thu hoạch, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình này, nếu có hiệu quả, xã sẽ tuyên truyền nhân rộng để bà con nhân dân tận dụng các diện tích dưới tán rừng mở rộng diện tích trồng Sa nhân xanh để tăng thu nhập cho bà con nhân dân cũng như thực hiện hiệu quả tiêu chí thứ 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của xã.

25-N-m-Kh-n-tr-ng-th-nghi-m-c-y-Sa-nh-n-xanh-s-a-3.jpgHợp với điều kiện tự nhiên, cây Sa nhân xanh phát triển khá tốt

25-N-m-Kh-n-tr-ng-th-nghi-m-c-y-Sa-nh-n-xanh-s-a-4.jpg"Vàng xanh" của rừng đã ra hoa

          Theo tìm hiểu của chúng tôi, sản phẩm hạt Sa nhân xanh khô có giá trị hơn Sa nhân đỏ và là nguyên liệu quan trọng có trong thành phần thuốc bắc, được các tiểu thương quan tâm thu mua. Là người chuyên thu mua sản phẩm nông - lâm sản trên địa bàn xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, anh Lương Xuân Lợi khẳng định: có bao nhiêu cũng thu mua hết, lúc cao điểm nhất nhà mình thu mua Sa nhân xanh hơn 500 nghìn đồng/1 kg khô, còn Sa nhân đỏ chỉ từ 150 - 200 nghìn đồng. Anh cũng cho biết: hiện tại người dân trong huyện đang ngồi trên đống thuốc, có rất nhiều loại cây có giá trị, nếu như người dân trồng được cây hoa Hòe và cây Nghệ đen nữa thì họ sẽ có thêm nguồn thu nhập nữa, cây này cũng dễ trồng, dễ bán, hiện tại hoa Hòe và Nghệ đen cũng có giá 300 nghìn/1kg.

          Với những ưu điểm nổi bật về hiệu quả kinh tế và đặc tính canh tác, cây Sa nhân xanh hứa hẹn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng giúp bà con nông dân trong huyện vươn lên thoát nghèo, đồng thời mở ra hướng sinh kế lâu dài không chỉ riêng cho người dân xã Nậm Khăn mà còn nhiều xã vùng cao biên giới của huyện Nậm Pồ thay đổi tập quán canh tác còn lạc hậu. Bởi nếu cứ khai thác từ tự nhiên như hiện nay, sẽ dẫn đến nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, đây là một mô hình cần được nhân rộng./.

 

Lèng Toản - Đài TT.TH Nậm Pồ
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên