Nậm Pồ - Dấu ấn 5 năm xây dựng và phát triển
Thời gian đăng: 22/06/2018 09:53:06 AM

                                                                      

Nhìn lại 5 năm qua (2013 – 2018), cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã có rất nhiều n lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên tinh thần bám sát thực tiễn, quyết liệt chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giải quyết những hạn chế, yếu kém, quyết tâm tạo ra cơ sở nền tảng, cơ hội cho sự phát triển. Nhờ đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra, góp phần đưa vùng đất miền biên giới phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Những ngày đầu mới thành lập, huyện Nậm Pồ là địa bàn rất phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Chất lượng cán bộ và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng và các điều kiện làm việc thấp kém. Toàn huyện không có vùng kinh tế, sản phẩm đặc trưng rõ nét, không có mô hình kinh tế nổi bật, không có sản phẩm địa phương chiếm ưu thế thị trường; các tuyến đường tỉnh, huyện, xã đều là đường đất lầy lội, chia cắt huyện thành nhiều vùng; chỉ 17% dân cư được sử dụng điện lưới quốc gia; nhiều trụ sở xã, trường lớp học, nhà trạm y tế xã, nhà ở công vụ, nhà ở học sinh còn tạm bợ; tình trạng phá rừng, khai thác gỗ tràn lan không kiểm soát được. Biên chế các cơ quan huyện được giao rất thấp. Giáo dục, y tế vừa thiếu biên chế, vừa kém phát triển; trên 80% hộ dân thuộc diện nghèo. Tình hình đơn thư nhiều năm chưa giải quyết được đang trở nên phức tạp, nhiều địa bàn dân cư suy giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Trước những khó khăn chồng chất của ngày đầu thành lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nậm Pồ đã phát huy tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTQ tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh; sự lãnh đạo, điều hành linh hoạt, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện, tinh thần đoàn kết của cán bộ, đảng viên đã phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, toàn huyện đã tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao; giải quyết tốt những vấn đề, yêu cầu trước mắt, nhất là về an ninh trật tự, thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước nghiên cứu và phát huy tiềm năng về tài nguyên, con người, văn hóa để xây dựng quy hoạch phát triển vùng, sản phẩm, thúc đẩy sản xuất và thương mại phát triển, nâng cao dần thu nhập của người dân, tạo nền tảng cơ bản cho bước phát triển tiếp theo.

t1image036.jpg

Tập quán sản xuất Nông nghiệp đã có thay đổi toàn diện, Nậm Pồ đã tự chủ an ninh lương thực

Giai đoạn năm 2013-2018, Đảng bộ huyện đã xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế -xã hội như: Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 15/8/2016 về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 15/8/2016 về Bảo vệ và phát triển rừng huyện Nậm Pồ, giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 05-NQ/HU về lãnh đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 01/9/2016 về đấu tranh phòng, chống, kiểm soát ma túy, giai đoạn 2016-2020. Sự quan tâm của tỉnh và của các tổ chức thể hiện rõ qua số liệu trong 5 năm qua, tổng nguồn ngân sách nhà nước được đầu tư vào huyện là 939,3 tỷ đồng ; nguồn vận động hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng là 6,7 tỷ đồng; các tổ chức và cá nhân ủng hộ đời sống hỗ trợ an sinh xã hội cho nhân dân quy thành tiền ước đạt 7 tỷ 300 triệu đồng. Nhờ đó, 5 năm qua, huyện Nậm Pồ đã đạt được những thành tựu cơ bản, đó là:

1. Kinh tế tăng trưởng, phát triển năm sau cao hơn năm trước. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được nâng lên 10,33 triệu đồng/người/năm, tăng 3,51 triệu đồng/người/năm so với năm 2013. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, làm cho cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh; lao động nông thôn ra làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng lên nhanh, tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp hoặc trong Doanh nghiệp nông nghiệp đã trở thành phổ biến.

Khai hoang trên 500 ha ruộng bậc thang, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 là 18.262,0 tấn, tăng 3.600 tấn so với năm 2013 (bình quân mỗi năm tăng gần 1.000 tấn); lương thực bình quân đầu người đạt 359 kg/người/năm, tăng 23,7 kg/người/năm so với năm 2013, an ninh lương thực được đảm bảo.

Đã bảo vệ nghiêm ngặt được gần 59.000 ha rừng, đang triển khai khoanh nuôi-tái sinh trên 3.000 ha rừng. Kinh tế rừng, đặc biệt là sản phẩm dưới tán rừng trở thành nguồn tăng thu nhập quan trọng cho nhân dân tạo hướng đi mới cho phát triển nông - lâm nghiệp. Kinh phí chi trả DVMT rừng trong 4 năm qua vào huyện trên 130,0 tỷ đồng, hàng năm nguồn lợi lâm sản phụ mang đến cho người dân trong huyện trên 30,0 tỷ đồng.

t1image038.png

Hiện tổng đàn gia súc của huyện đạt hơn 72.300 con, tăng gần 19.800 con so với năm 2013

Ngành chăn nuôi đã có hướng phát triển rõ nét mang lại thu nhập cao; sản phẩm gia cầm và lợn, dê mang lại thu nhập thường xuyên và khá cao cho nhân dân. Toàn huyện hiện có 25.000 con trâu, bò, tăng trên 1.100 con/năm, làm cơ sở cho huyện dần trở thành vùng chăn nuôi gia súc khá lớn.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Toàn huyện có 4 chợ đầu mối nông sản. Dịch vụ viễn thông và vận tải phát triển khá mạnh. Từ tháng 3/2018 chính thức hoạt động phòng giao dịch Ngân hàng Bưu điện tại huyện Nậm Pồ.

Sản phẩm công nghiệp từ năm 2017 đã có Gạch không nung đảm bảo cung ứng cho toàn bộ thị trường vật liệu gạch xây dựng trong huyện.

t1image046.jpg

Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm cho lao động nông thôn

2. Về cơ sở hạ tầng và xây dựng NTM

Cơ sở vật chất các xã được tăng cường làm cho nhiều xã khang trang hơn. Trong đó làm mới và nâng cấp trụ sở, nhà văn hóa các xã: Si Pa Phìn, Chà Cang, Chà Nưa, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa, Nà Hỳ, Vàng Đán, Nậm Chua. Mở mới và mở rộng, sửa chữa trên 300 km các tuyến đường giao thông đến gần hết các bản; đến hết năm 2018 toàn huyện chỉ còn 6 bản (Sìn Thàng, Huổi Púng, Huổi Tang, Nậm Nhừ Con, Pú Đao, Huổi Quang) chưa có đường ô tô vào bản; đầu tư xây dựng mới 123 dự án với tổng kinh phí là 939,3 tỷ đồng (Trong đó các dự án do tỉnh quản lý là 611,3 tỷ đồng). Huyện Nậm Pồ đã có đường giao thông trên bộ và đường thủy giao thương với huyện Nậm Nhùn; xây mới, nâng cấp 6 điểm chợ tập trung: Vàng Lếch (xã Nậm Tin), Chà Cang, Nà Hỳ, Phìn Hồ, chợ phiên biên giới Si Pa Phìn và chợ trung tâm huyện tạo điều kiện cho người dân mua bán, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và sắp xếp dân cư thành đô thị nông thôn quanh các khu chợ.

Đã nâng số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia từ 17% lên 66%. Lắp đặt loa truyền thanh đến hầu hết các bản có điện. Xóa toàn bộ phòng học tạm, trên 60% lớp học đã được kiên cố hóa; 100% xã có Trạm Y tế được đầu tư xây dựng kiên cố và hoàn chỉnh; 100% dân cư sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Xã Chà Nưa được công nhận cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2017. Xã Chà Cang đã đạt 10/19 tiêu chí NTM; 8/15 xã có sân vận động xã; xây dựng mới 3 NVH xã. Các xã đều có chương trình xử lý rác thải khu trung tâm xã và vận động hộ gia đình làm WC tự hoại.

t1image042.jpg

Giao thông liên bản, liên xã được mở mới, tạo đà thúc đẩy kinh tế phát triển

3. Về giáo dục, văn hóa, y tế

Đến năm 2018 huyện có 37 trường từ mầm non đến THCS với 808 lớp, 18.206 học sinh, tăng 63 lớp, tăng 3.679 học sinh so với năm học 2013-2014; Có 20/37 trường (54,1%) đạt chuẩn quốc gia, tăng 16 trường so với năm 2013; có 15/15 xã duy trì PCGD tiểu học mức độ 2; trong đó có 8/15 xã đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 8/15 xã đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 100% trẻ 5 tuổi ra lớp; 100% trường học ở điểm trung tâm có khuôn viên và được xây dựng kiên cố sạch đẹp. Huyện có 3 trường Trung học phổ thông, trong đó thành lập mới 2 trường.

Huyện đã xây dựng được phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cơ sở hoạt động sôi nổi, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; hàng năm tổ chức tốt các Hội thi, Hội thao trong huyện, đồng thời tham dự các Hội thi, Hội thao cấp tỉnh đạt giải cao, trong đó năm 2018 tham dự Đại hội TDTT toàn tỉnh lần thứ X, huyện Nậm Pồ đạt giải ba toàn tỉnh, giải nhất các huyện vùng cao với 8 huy chương vàng, 8 bạc, 5 huy chương đồng.

Đã kiện toàn bộ máy và biên chế ngành Y tế, củng cố các Trạm Y tế xã; nâng khả năng khám, điều trị bệnh của Trung tâm Y tế huyện và các PKĐK khu vực. Toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn y tế quốc gia, nâng chỉ số thực hiện mục tiêu y tế quốc gia.

t1image040.jpg

Trong 4 năm đã xây hơn 300 phòng lớp học "3 cứng", xóa hoàn toàn phòng học tạm

4. Về các vấn đề xã hội

Đã giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2015 từ 72,09 %, năm 2016 giảm còn 67,97%, đến năm 2017 giảm còn 63,39% (giảm 8,7% qua 2 năm). Năm 2017 có nhiều xã giảm tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Chà Nưa giảm 18,37%, Pa Tần giảm 16,56%, Chà Cang giảm 13,72%. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 400 lao động, đào tạo nghề cho 1.576 lao động (tăng 952 lao động so với năm 2013), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 7,82% (tăng 4,71% so với năm 2013). Các chính sách thương binh liệt sỹ, người có công và các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, 99% dân cư tham gia bảo hiểm y tế; đã kiềm chế gia tăng tệ nạn ma túy, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chú trọng bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn hóa và tiến bộ. Tư duy của nhân dân đã chuyển hóa từ cục bộ khép kín sang tư duy sản xuất hàng hóa, thị trường.

Trong 5 năm qua, huyện đã tập trung giải quyết xong cơ bản những vấn đề bức xúc tồn đọng từ trước về đất đai: Tranh chấp, chồng lấn đất đai và địa giới hành chính huyện, xã, bản tại 29 điểm. Lập lại trật tự quản lý đất đai ở các khu vực: Trung tâm xã Chà Cang, Trung tâm xã Nà Hỳ, Trung tâm xã Si Pa Phìn và Khu tái định cư Nậm Chim - xã Si Pa Phìn.

5. Đã sớm chuyển hóa thành công địa bàn toàn huyện từ phức tạp về ANTT thành địa bàn ổn định về ANTT, kiềm chế hoàn toàn tình hình di cư tự do đến, tình hình hoạt động vương quốc Mông. Luôn đảm bảo ANTT ổn định vững chắc tạo điều kiện cho kinh tế- xã hội phát triển; chuyển biến và nâng cao rõ nét chất lượng công tác QS-QP địa phương. Quan hệ đối ngoại với bạn Lào sâu sắc hơn. Quản lý tốt các hoạt động tôn giáo, an ninh nông thôn; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo và các tổ chức xã hội ở cơ sở đóng góp vào ổn định ANTT và vận động quần chúng tham gia các chương trình phát triển kinh tế- xã hội.

6. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, đào tạo - bồi dưỡng cán bộ đạt kết quả tích cực. Đã tuyển dụng, bố trí, xắp xếp cán bộ đúng quy định, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực. Kỷ cương kỷ luật hành chính được thường xuyên chấn chỉnh và củng cố nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng công vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực làm việc, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và tổ chức. Định hình phong cách làm việc công tâm, sát cơ sở, vì dân, học tập nhuần nhuyễn tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

t1image044.jpg

Đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp

7. Về công tác xây dựng đảng và củng cố xây dựng hệ thống chính trị

Công tác phát triển đảng viên được quan tâm, đặc biệt phát triển đảng ở những nơi chưa có đảng viên, nơi chưa có tổ chức đảng. Tổng số đảng viên toàn huyện: 2.149 đảng viên (tăng 772 đảng viên); đã xóa được 24 bản chưa có đảng viên (hiện nay còn 16 bản chưa có đảng viên, các bản chưa có đảng viên đã có nguồn để kết nạp, phấn đấu trong năm 2018 xóa xong các bản chưa có đảng viên).

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng được chú trọng. Sau 05 năm thành lập, Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh: có 40 tổ chức cơ sở đảng (tăng 25 tổ chức cơ sở đảng), trong đó: đảng bộ 17 (xã 15; lực lượng vũ trang 02); chi bộ 23, số chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở 138 (tăng 46 chi bộ).

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động trong cơ quan Nhà nước không ngừng được kiện toàn, củng cố, phần lớn được rèn luyện, thử thách trong quá trình công tác, được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và năng lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể huyện vững mạnh, toàn diện. Đến hết năm 2018, số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ đại học đạt hơn 70% trở lên, trong đó gần 20% cán bộ quản lý các cấp (từ Hiệu trưởng, Hiệu phó, Trưởng, Phó phòng và tương đương trở lên) có bằng Thạc sỹ. Đến hết năm 2019, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ Đại học đạt 75%; tỉ lệ cán bộ quản lý có bằng Thạc sỹ đạt hơn 25% và đảm bảo tiêu chuẩn về Trung cấp LLCT đạt gần 100%. Đối với cấp xã tỉ lệ cán bộ, công chức trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên tăng từ 67% năm 2013 lên hơn 81% năm 2018, trong đó có trình độ Đại học và trên đại học chiếm hơn 15%.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được củng cố kiện toàn và từng bước đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.  Tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân; tổ chức cho Nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, chăm lo phát triển đoàn viên, hội viên.

Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực; tạo niềm tin và sự đồng thuận, phấn khởi của Nhân dân vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.

Trong giai đoạn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, nhân dân toàn huyện xác định tập trung khắc phục những yếu kém, tiếp tục những định hướng cơ bản như sau:

1. Tập trung nguồn lực tạo chuyển biến mạnh về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên.

2. Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật và có sự tham gia của Doanh nghiệp với vai trò làm “bà đỡ” cho sản xuất của người nông dân, tạo sản phẩm được sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tận dụng tiềm năng đất đai để tăng thu nhập cho nhân dân.

3. Tạo điều kiện thuận lợi để công nghiệp thủy điện, sản xuất vật liệu xây dựng phát triển trên địa bàn trên cơ sở người dân phải được hưởng lợi, nâng cao hơn đời sống, thu nhập của nhân dân.

4. Tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa. Đảm bảo và phát huy hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường dạy nghề, giới thiệu việc làm, phòng chống ma túy.

5. Tăng cường xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng củng cố chính quyền ở cơ sở; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng đúng trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu; tăng cường kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ; đổi mới tư duy, phong cách làm việc mới “gần dân, trọng dân”, sâu sát, hiệu quả, công tâm và khách quan.

6. Tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh trật tự và tiềm lực quốc phòng địa phương, không để tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra.

7. Tăng cường công tác đối ngoại theo quan điểm của Đảng, bảo vệ và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển; giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh trên biên giới; sớm đưa các xã biên giới, bản biên giới phát triển và thoát nghèo.

Chặng đường 5 năm phát triển của huyện Nậm Pồ đánh dấu quá trình đổi mới, phát triển đi lên dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ tận tình của các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; sự đoàn kết đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội phát triển, tạo sức bật mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh.Trong giai đoạn mới, mỗi cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện cần tích cực phát huy thành tích, thế mạnh, cống hiến sức lực xây dựng Nậm Pồ đổi mới, ấm no và phát triển bền vững./.

 

 

 Đồng chí Thùng Văn Siêng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên