Nậm Pồ: Chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng cho năm học mới
Thời gian đăng: 01/09/2020 05:07:21 PM

          Đến thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị từ cơ sở vật chất (CSVC), sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng tâm thế cho năm học mới 2020 – 2021 với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

01.jpg

Hội nghị giao ban học cuối học kỳ II, năm học 2019-2020, ngành tập trung thảo luận những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2020-2021

          Năm học 2019-2020 vừa qua, đánh dấu mốc là năm cuối cùng nước rút để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp chủ yếu được thực hiện một cách sâu sắc, toàn diện; Ngành giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đãcơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển giáo dục đã đề ra và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.

          Trao đổi về công tác chuẩn bị cơ sở vất chất, sách giáo khoa, thiết bị dạy học và đội ngũ giáo viên trong năm học mới 2020-2021, đồng chí Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: Năm học 2020-2021, toàn ngành tuyển sinh trên 19.900 học sinh với 792 lớp, dự kiến đưa trường mầm non Nậm Nhừ và mầm non Nậm tin đi vào hoạt động, nâng tổng số trường thuộc Phòng quản lý lên 42 trường. Ngay khi kết thúc năm học, phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất trường lớp học; xây dựng kế hoạch sửa chữa, xây mới, chỉnh trang khuôn viên; mua sắm thêm các trang thiết bị, sách giáo khoa; đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để vận động học sinh ra lớp,… chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện cho năm học mới.

          Qua thống kê, năm học 2019-2020, toàn huyện có 820 phòng học (trong đó có 522 phòng kiên cố, bán kiên cố đạt 63,7%, 264 phòng học ba cứng, khung sắt; còn 10 phòng học tạm, gỗ); có 70 phòng học chức năng, 725 phòng nội trú, nhà công vụ; 39 bếp ăn tập thể; 346 gian nhà vệ sinh; 32/40 trường có sân khấu ngoài trời phục vụ cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh; 4 trường có nhà đa năng; 01 trường có sân vận động sử dụng cỏ nhân tạo; các trường đều có sân chơi cho học sinh được bê tông hóa với tổng diện tích khoảng 56.378 m2.

          Theo kế hoạch, năm học mới 2020-2021, toàn huyện sẽ cải tạo nâng cấp, sửa chữa 09 phòng học ở các cấp học, trong đó chủ yếu là mầm non và tiểu học, bảo đảm đúng phương châm mỗi lớp 1 có đủ 1 phòng, học 2 buổi/ngày và một số hạng mục khác như: sân chơi, sân khấu, phòng công vụ, thư viện, nhà bếp, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ ở một số trường như: TH Si Pa Phìn, MN Chà Nưa, TH Nậm Nhừ, MN Na Cô Sa,…với tổng giá trị hơn 6 tỷ đồng.

          Trở lại xã Nậm Nhừ sau trận lũ quét lịch sử lúc rạng sáng ngày 17/8 vừa qua, chúng tôi vẫn gặp không khí lao động khẩn trương chuẩn bị đón năm học mới.Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Nhừ, cho biết: Cơn lũ quét bất ngờ đã để lại hậu quả nặng nề, một dãy nhà nội trú học sinh bị cuốn trôi,dãy nhà công vụ bị hư hỏng nặng,trên 100 bộ sách vở và một số vật dụng sinh hoạt bị hư hỏng.Ngay sau khi cơn lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền huyện, xã đã huy động sự tham gia của lực lượng công an, bộ đội, dân quân cùng nhân dân và phụ huynh học sinh liên tục dọn dẹp bùn, đất, đá… ra khỏi khu phòng lớp học và khuôn viên nhà trường.Cho đến thời điểm này,nhà trường đã dọn dẹp vệ sinh xong các phòng học, khu nhà vệ sinh cũng như sân, lớp học đã sạch sẽ rồi; dãy nhà công vụ bị hư hỏng nặng thì huyện cho chủ trương phá bỏ để cân đối xây dựng lại.

02.jpg

Các thầy cô cùng với nhân dân và lực lượng bộ đội biên phòng Nậm Nhừ tiếp tục lao động xây dựng cơ sở vật chất ở cơ sở mới

           Được biết sau khi khắc phục được hậu quả thiên tai, toàn bộ cơ sở vật chất trường PTDTBT TH Nậm Nhừ sẽ bàn giao cho trường mầm non Nậm Nhừ sử dụng vào đầu tháng 9 khi nhà trường đi vào hoạt động; các thầy cô và học sinh trường Tiểu học Nậm Nhừ sẽ chuyển lên ngôi trường mới với 21 phòng học, 01 khu nội trú cho học sinh và 01 nhà ăn được xây dựng bằng nguồn ngân sách huyện năm 2020. Cô Nguyễn Thị Thúy cho biết thêm: Mặc dù được chuyển sang trường mới nhưng nhà trường còn thiếu nhiều hạng mục công trình khác như: nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinh, bể nước, các học phòng chức năng,... Chúng tôi vẫn còn ngổn ngang rất nhiều việc phải làm, ngày nào người dân trong bản cùng với các phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo cũng lao động, vệ sinh trường lớp, khu nội trú cho học sinh với quyết tâm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón các cháu học sinh xuống trường.

03.jpg

Các thầy cô giáo chỉnh trang phòng ở nội trú, chuẩn bị đồ dùng thiết yếu để đón các em học sinh xuống trường

          Thầy giáo Phạm Thanh Hoàn, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Na Cô Sa chia sẻ về việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới: Ban giám hiệu nhà trường đã phân công giáo viên thực hiện vệ sinh khuôn viên trường, lớp; tu sửa phòng, lớp học khang trang, sạch sẽ. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa phát cho học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách; tiến hành rà soát những em học sinh có điều kiện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho các em mượn sách tại thư viện. Để tất cả học sinh được đến trường đúng vào dịp khai giảng năm học mới, trường đã thông báo lịch học cho các trưởng bản, phụ huynh; phân công giáo viên đến từng bản vận động các em trong độ tuổi đi học đến trường.

          Riêng đối với cấp tiểu học, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy, Phòng GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các trường có học sinh tiểu học lựa chọn sách giáo khoa lớp 1. Trên cơ sở đó, các đơn vị trường đã thành lập Hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 1, triển khai thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 đảm bảo đúng theo Thông tư hướng dẫn.

          Theo đồng chí Hoàng Thị Bích, Phó trưởng phòng GD&ĐT: Tổng số bộ sách đưa ra để lựa chọn là 05 bộ (Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Chân trời sáng tạo, Cánh diều). Sau khi nghiên cứu các ưu, nhược điểm, đánh giá mức độ phù hợp của từng bộ sách với tình hình thực tế của địa phương, 16/16 đơn vị trường đã lựa chọn 2 bộ sách: Bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” chọn 5 môn (Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Mĩ thuật) và Bộ “Cánh diều” chọn 4 môn (Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, Tiếng Anh); các trường đã báo cáo chính quyền địa phương và thông báo cho gia đình phụ huynh học sinh biết 02 bộ sách với những môn đã chọn để đăng ký mua sách giáo khoa cho học sinh. Hiện tại, các loại sách của học sinh, giáo viên đã được cung ứng đầy đủ số lượng và chủng loại đến các đơn vị trường.

          Cùng với chuẩn bị về CSVC, thời gian qua, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; bồi dưỡng chính trị qua hình thức trực tuyến cho hơn 1.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành để sẵn sàng bước vào năm học mới 2020-2021.

04.jpg

Tổ chức bồi dưỡng chính trị qua hình thức trực tuyến cho hơn 1.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành.

          Có thể thấy, công tác chuẩn bị cho năm học 2020-2021 đang tạo khí thế mới trong phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục vì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ở các đơn vị trường. Do đó, tại các trường, điểm trường còn nhiều khó khăn, như: Nậm Chua 3, Nậm Chua 3 nhóm Cháy (Nậm Nhừ), Sìn Thàng, Hô Củng (Chà Tở), Nậm Pang, Huổi Nỏng, Huổi Văng (Nậm Khăn), Huổi Quang, Huổi Púng (Pa Tần), Na Cô Sa 3 nhóm 2 (Na Cô Sa),... và các trường mới đi vào hoạt động (mầm non Nậm Tin, mầm non Nậm Nhừ), công tác này cũng được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành giáo dục thực hiện quyết liệt. Trong đó, việc chuẩn bị về đội ngũ, phân công giáo viên giảng dạy, giáo viên ở các điểm bản được thực hiện công khai, dân chủ; công tác tu sửa hệ thống CSVC trường, lớp học, vận động học sinh, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ dạy học được thực hiện thường xuyên, liên tục. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, toàn ngành đã huy động được 39,3% trẻ từ 0 – 36 tháng tuổi và 99,8% trẻ 5 tuổi đến trường đối với cấp học mầm non; tỷ lệ tuyển sinh cấp tiểu học đạt 99,8% và 101,1%  đối với cấp THCS.

          Chỉ còn vài ngày nữa cùng với học sinh cả nước, học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn toàn huyện sẽ bước vào ngày tựu trường, bắt đầu năm học mới. Hy vọng, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, năm học 2020-2021 sẽ có nhiều đột phá, “gặt hái” thêm nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người” ở huyện biên giới Nậm Pồ./.

 

                                                                            

Vi Minh – Phòng GD&ĐT
Các tin bài liên quan
  • Công an huyện Nậm Pồ với công tác đảm bảo an ninh trật tự
  • 4041-4041 of 4041<  ...  396  397  398  399  400  401  402  403  404  405  >
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên