Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế liên quan và được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố, 701 điểm cầu các quận, huyện với trên 19 nghìn 360 đại biểu tham dự tại điểm cầu trên cả nước. Dự tại điểm cầu Huyện Nậm Pồ có đồng chí Hạng Nhè Ly, UVBTV Huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện.
Trước khi khai mạc hội nghị các đại biểu dự Hội nghị và các đại biểu tại các điểm cầu đã được xem phóng sự khái quát tình hình thiên tai trên thế giới và tình hình thiên tai, công tác khắc phục thiên tai tại các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra.Năm 2021, thiên tai trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến bất thường, khốc liệt, với gần 380 trận thiên tai gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống song thiên tai đã làm 16.000 người chết, thiệt hại về kinh tế trên 343 tỷ USD cao hơn nhiều so với năm 2020.
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền cơ sở, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản trong năm 2021 (108 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất 5.200 tỷ đồng), thiệt hại thấp nhất trong những năm gần đây. Thiên tai tuy không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, bất thường ngay trong những tháng đầu năm 2022 với mưa lũ lớn trái mùa kèm theo dông lốc trên diện rộng cuối tháng 3 đầu tháng 4 tại các tỉnh miền Trung; rét lịch sử cuối tháng 2 ở khu vực miền núi phía bắc; động đất gia tăng cả về cường độ và tần suất tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum; bên cạnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động phòng chống thiên tai. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.
Tại hội nghị đã có 7 địa phương và 2 đại diện tổ chức quốc tế là Hà Giang; Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam; Phú Yên; Kon Tum, Cà Mau và 5 Bộ, ngành là Bộ Công an; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải: Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Quốc phòng trình bày tham luận về Bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với rét hại, băng giá và công tác xây dựng văn phòng thường trực chuyên trách; Công tác quản lý đê điều phòng, chống lũ và xây dựng tuyến đê kiểu mẫu; Công tác phòng, chống thiên tai và triển khai Bộ chỉ số cấp tỉnh; Công tác hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn vùng thiên tai; : Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du tại khu vực miền Trung. Công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Kết luận Hội nghị, Phủ Thủ tướng Chính phủ Lê Xuân Thành đề nghị trong thời gian tới các Bộ, Ban ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động đối phó sang chủ động phòng ngừa, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai. Tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Giao các bộ, ngành, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn Bộ quốc phòng rà soát các trang thiết bị, chủ động tích cực khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra./.