Mục tiêu đến ngày 15/12/2021, UBND huyện Nậm Pồ phấn đấu hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, giao diện tích có rừng cho các tổ chức, cá nhân với tổng diện tích hơn 9.000 ha - Đó là một trong những nội dung kết luận của đồng chí Bùi Văn Luyện - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BCĐ giao đất, giao rừng huyện Nậm Pồ, tại cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện vào chiều ngày 21/10.
Toàn cảnh cuộc họp
Theo báo cáo tóm tắt của Ban Chỉ đạo Giao đất, giao rừng huyện Nậm Pồ: Đối với đất lâm nghiệp có rừng, tính đến ngày 19/10/2021 đã thực hiện rà soát, khoanh vẽ đất lâm nghiệp có rừng tại 14/15 xã. Trong đó đã rà soát xong 4 xã: Chà Nưa, Chà Tở, Si Pa Phìn và Phìn Hồ; với tổng diện tích đã rà soát khoanh vẽ được là 5.458/6.919 ha, đạt 80% kế hoạch. Dự kiến giao cho 114 chủ rừng, trong đó: 69 chủ rừng là cộng đồng bản, 41 chủ rừng là hộ gia đình và 1 tổ chức. Hiện nay đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, đồng thời hoàn thiện Phương án giao đất, giao rừng đối với cấp xã, triển khai tại xã Chà Cang và một số bản chưa rà soát.
Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng: UBND huyện đã trình 3 ngành liên quan: Tài chính, Nông nghiệp &Phát triển nông thôn và Tài nguyên - Môi trường tham gia ý kiến vào Phương án và dự toán kinh phí; huyện đã tiếp thu chỉnh sửa xong. Hiện nay UBND huyện tiếp tục trình Sở Tài chính và UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí để triển khai thực hiện trên 7 xã nội địa với diện tích hơn 22.100 ha, kinh phí thực hiện dự kiến trên 6 tỷ đồng. Còn lại 8 xã biên giới chưa lập dự toán, vì có dự án đo đạc địa chính các xã biên giới của Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Quốc phòng do Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện.
Quá trình triển khai công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm tiến độ, đến thời điểm hiện tại chưa giao được diện tích rừng nào cho các tổ chức, cá nhân do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan: Việc hiệu chỉnh địa giới hành chính theo Đề án513 của Chính phủ từ năm 2015 đến nay chưa được Chính phủ phê duyệt, các xã có tranh chấp địa giới hành chính rất khó khăn trong việc triển khai, giải quyết tranh chấp giữa các xã, các bản giáp địa giới hành chính. Diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu rà soát lại những diện tích còn sót của giai đoạn trước. Một số người dân chưa đồng tình ủng hộ, vì liên quan một số diện tích đất luân canh của bà con; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt vào cuộc triển khai. Một số diện tích đất lâm nghiệp có rừng chưa giao trước đây là nương cũ do Nhân dân của nhiều bản cùng canh tác, nên đến thời điểm đi khoanh vẽ các bản chưa thống nhất được sẽ giao cho bản nào hay hộ gia đình nào. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân về chủ trương, chính sách giao đất, giao rừng chưa sâu rộng, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng; một số cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế về năng lực, kinh nghiệm trong khitriển khai công tác giao đất, giao rừng; lực lượng tư vấn triển khai trên địa bàn ít người, kinh nghiệm triển khai còn hạn chế dẫn đến tiến độ triển khai còn rất chậm. Diện tích rừng cách đường biên giới Việt - Lào khoảng 100 m, các Đồn Biên phòng đề nghị giao cho Biên phòng quản lý, bảo vệ; tuy nhiên Nhân dân các bản chưa đồng ý.
Lực lượng chức năng kiểm tra thực tế diện tích rừng tại xã Nậm Tin
Tại cuộc họp, nhiều giải pháp được các đơn vị liên quan đưa ra để khắc phục tình trạng trên: Thành viên BCĐ của huyện, Tổ giúp việc của BCĐ thường xuyên tổ chức đi kiểm tra tại thực địa để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn; Tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã đẩy nhanh tiến độ rà soát, thẩm định, tham mưu trình cấp có thẩm quyền Quyết định phê duyệt giao rừng cho chủ rừng quản lý, bảo vệ. Đối với UBND các xã: Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn, công chức địa chính xã phối hợp chặt chẽ với Đơn vị tư vấn rà soát, lập phương án để giao đất lâm nghiệp có rừng thông qua HĐND xã. Chủ động giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: Tranh chấp đất, rừng, địa giới hành chính giữa cấp xã, ranh giới giữa các bản trong xã. Trong quá trình rà soát, khoanh vẽ tại thực địa phải có sự tham gia của tất cả các chủ rừng giáp ranh liền kề đảm bảo công khai, minh bạch; Kết hợp rà soát đất lâm nghiệp chưa có rừng gắn với rà soát triển khai đo đạc, quy chủ đất trồng cây mắc ca tại các xã nội địa có Dự án mắc ca.
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng huyện, nêu rõ: Huyện đặt mục tiêu đến ngày 15/12/2021, phấn đấu hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, giao diện tích có rừng cho các tổ chức, cá nhân với tổng diện tích hơn 9.000 ha. Giao kiểm lâm huyện chủ trì, phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn và UBND các xã để xử lý kỹ thuật bản đồ do kiểm lâm cung cấp để xử lý các vướng mắc giữa bản đồ và thực tế thực hiện; với tinh thần diện tích dễ làm, không có tranh chấp làm trước, các diện tích đang có vướng mắc làm sau. Đối với diện tích rừng thuộc phạm vi vành đai biên giới của các xã biên giới, giao cho cộng đồng dân cư của bản quản lý, bảo vệ. Lực lượng biên phòng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Chậm nhất đến ngày 30/11/2021, đơn vị tư vấn phải hoàn thiện hồ sơ các xã, để huyện trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định. Giao Phòng TN&MT chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn làm việc trực tiếp với Sở TN&MTtrong quá trình thẩm định hồ sơ, để kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh. Chậm nhất đến ngày 15/12/2021, UBND huyện ký Quyết định giao đất, giao rừng cho các cá nhân, tổ chức quản lý. Trong quá trình thục hiện nhiệm vụ tại hiện trường: Tư vấn, kiểm lâm, UBND các xã, Phòng TN&MT phải cử cán bộ cùng tham gia để khớp số liệu./.