Ngày 03/12, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hội Nông dân huyện Nậm Pồ, UBND xã Nà Hỳ cùng Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thanh Yên thử nghiệm mô hình gieo mạ khay, cấy máy ứng dụng vào sản xuất lúa. Đồng chí Tòng Văn Thiện, giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ tham gia hướng dẫn người dân phương pháp gieo cấy mạ khay, ứng dụng vào sản xuất lúa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện phương pháp gieo cấy lúa hiện nay chủ yếu là phương pháp gieo cấy thủ công truyền thống mất nhiều lao động trong khi lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu. Đồng thời, phương pháp gieo cấy thủ công truyền thống cũng bộc lộ nhiều bất cập như việc lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật, lúa quá dầy phải tăng chi phí dặm tỉa, sâu bệnh nhiều, dễ bị lốp đổ ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện đã đề xuất giải pháp gieo mạ khay cấy bằng máy, xã Nà Hỳ được lựa chọn để thử nghiệm phương pháp gieo cấy mạ khay.
Theo đánh giá chung: Mạ khay cấy máy sẽ từng bước giảm dần diện tích gieo thẳng và tăng tỷ lệ cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất. Đặc biệt thể hiện rất rõ trong việc tiết kiệm thời gian và giảm rõ nét công lao động, chi phí dịch vụ cũng phù hợp với khả năng, điều kiện của người sản xuất trong việc đầu tư chi phí. Đồng thời giảm diện tích chân mạ, giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao, cụ thể: Gieo mạ khay giúp bà con nông dân chủ động, khắc phục được ảnh hưởng do thời tiết (nhất là với vụ xuân khi thời tiết gặp rét đậm, rét hại kéo dài), chủ động thời vụ, dễ chăm sóc; Giảm chi phí sản xuất: Công lao động trong nông nghiệp (công lấy bùn, làm đất gieo mạ, nhổ mạ đem đi cấy), giảm số lượng giống... so với làm mạ truyền thống. Việc vận chuyển mạ khay cũng gọn nhẹ và dễ dàng. Sử dụng mạ gieo luống trước đây thường phải 3 xe thồ mạ và thêm công xúc mạ, nhổ mạ mới đủ cấy được 1 sào, nay chỉ cần 6 - 8 khay mạ đã cấy được 1 sào; Gieo mạ trên khay còn có nhiều ưu điểm so với mạ truyền thống như cấy mạ non nên cây giữ nguyên hạt lúa (còn gọi là “gan” mạ), lượng dinh dưỡng vẫn tiếp tục được bổ sung cho cây. Do đó khi cấy xuống ruộng nhanh bén rễ, hồi xanh và khả năng đẻ nhánh rất khỏe, số rảnh cấy ít hơn sẽ tiết kiệm được chi phí giống; Mạ khay có thể cấy bằng tay theo truyền thống hoặc cấy bằng máy nên rất thuận tiện cho nông dân trong việc chăm sóc và cây lúa đảm bảo sinh trưởng tốt, đồng ruộng thông thoáng nên ít bị sâu bệnh hại. Đồng thời rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa (thời gian cây lúa ở giai đoạn mạ được rút ngắn so với gieo mạ truyền thống); Thay đổi thói quen cấy mật độ dày, sâu tay, cấy không hàng lối, nhất là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Xuất phát từ những lợi ích trên, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hợp tác xã thử nghiệm gieo cấy mạ trên hơn 200 khay, tạo tiền đề đưa cơ giới hóa đồng bộ vào ruộng, giúp bà con nông dân tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất, sản lượng lúa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện./.