Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các em học sinh bán trú nói riêng và học sinh trên địa bàn toàn huyện nói chung, huyện Nậm Pồ kêu gọi xã hội hóa để xây dựng 406 nhà vệ sinh.
Nậm Pồ là huyện vùng cao biên giới, mới chia tách thành lập của tỉnh Điện Biên. Toàn huyện có 43 trường học, trong đó có 23 trường bán trú với tổng số 779 lớp, 16.679 học sinh, có 13.173 học sinh bán trú hiện đang ăn ở sinh hoạt tại trường. Do mới thành lập nên cơ sở vật chất trường lớp học và các công trình phụ trợ còn nhiều thiếu thốn. Với đặc thù phần lớn là học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sống xa nhà, ở trường cả tuần để học tập, sinh hoạt. Nhưng thực tế, các em học sinh bán trú trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn về nơi ăn, trốn ở, sinh hoạt, đặc biệt là nhà vệ sinh chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể là với gần 20 nghìn học sinh trên toàn huyện nhưng chỉ có 535 nhà vệ sinh, có trường gần 700 học sinh mà chỉ có 10 nhà vệ sinh (Trường PTDTBT THCS Nà Bủng, THCS Nà Khoa, THCS Phìn Hồ, TH Na Cô Sa, TH Nà Bủng). Theo kết quả rà soát, hiện nay trên toàn huyện còn 406 gian nhà vệ sinh thuộc 36 trường cần xây dựng lại. Ước tính chi phí đầu tư là 6.090.000.000 đồng, mỗi gian vệ sinh là 15.000.000 đồng. Trong đó xây dựng tại trường trung tâm 228 gian, tại điểm bản là 178 gian.
Một dãy nhà vệ sinh với 3 gian phục vụ cho gần 200 học sinh ở một tường Tiểu học trên địa bàn huyện
Huyện Nậm Pồ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đồng hành của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để có thêm nguồn lực cùng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cho môi trường học đường an toàn, thân thiện, sạch sẽ, có đủ các hạng mục để học sinh con em các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn./.