Nậm Pồ (Điện Biên) mảnh đất xa xôi và diệu vợi, mỗi lần đặt chân lên mảnh đất này là một lần tôi lại được nghe những câu chuyện, gặp gỡ những nhân vật, những mô hình xoay quanh cách làm giàu… Bao năm rồi đồng bào đau đáu một niềm tin, sẽ có ngày mảnh đất này trở thành nơi cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp đi đầu về công nghệ và chất lượng, mảnh đất của cội nguồn từ Mường Tè, Mường Nhé trước đây.
Nậm Pồ - Nơi tình người thao thiết
Trở lại Nậm Pồ vào một buổi chiều đông cuối năm. Khắp cung đường hoa dã quỳ nở vàng, các triển đồi đất đỏ au. Ở đây, liên kết đất yếu chỉ vài trận mưa là đất đồi sụt lún. Nhưng do được nhà nước đầu tư mở rộng cắt cua nên tuyến đường vào trung tâm huyện đợt này đang được nâng cấp, sửa chữa.
Gần 2 nhiệm kỳ qua, lãnh đạo huyện Nậm Pồ và tất cả các phòng ban đã phải làm việc trong những gian phòng tạm, thiết kế cho trường học. Cách đây chưa đầy năm, tôi có dịp vào huyện công tác, đồng nghiệp tôi lần đầu lên Tây Bắc đi cùng hỏi: Trung tâm huyện Nậm Pồ đây ư? Trụ sở làm việc của huyện sao toàn là lớp học? Khi ấy, con đường vào huyện thật khiếp đảm, mỗi cán bộ vào huyện họp như thể vừa đi cày ruộng ở đồng chiêm trũng, áo quần xộc xệch lấm lem nhem, bánh xe quay tròn, gác - đờ - bu, chắn bùn ô tô, xe máy cơ man bùn đất…
Bây giờ, Nậm Pồ sau 10 năm thành lập đã thay da đổi thịt, diện mạo Trung tâm huyện trở nên khang trang, nơi làm việc của cán bộ huyện Huyện ủy, UBND và các phòng ban đều được bố trí tập trung trong tòa nhà hợp khối, văn minh và hiện đại. Buổi tối, trước sân quảng trường mọc lên quán cóc bán nước, đồ ăn nhẹ cho thanh niên và được hát miễn phí bằng hệ thống âm thanh loa kéo, nhưng chỉ đến 22 giờ là nghỉ. Và đó cũng là sân chơi duy nhất cho thanh thiếu niên, nhi đồng của huyện.
Hôm đó, chúng tôi được Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện, Nguyễn Ngọc Tùng chiêu đãi cơm tối rồi ra ngay quảng trường uống trà đá nghe thanh niên bản hát loa kéo, ngẫu hứng chúng tôi cũng hát vài bài, đang phiêu bỗng mất điện vì quá giờ.
Nậm Pồ như vậy cũng đã là hơn một số huyện vùng cao khác, ăn cơm tối xong 8 giờ đường đã không có bóng người. Nhớ hồi tháng 4/2021, dịch bệnh Covid - 19 bùng phát đã làm cả huyện nghèo như người lên cơn sốt. Từ bản làng xa xôi, người dân cả đời chưa từng chứng kiến sự biến cố nào kinh hoàng đến thế, hệ thống chính trị tỉnh, huyện, xã… họp ngày, họp đêm cắt cử, chia quân phục vụ hàng mấy nghìn người dân và học sinh phải cách ly vì nghi nhiễm Covid – 19. Cả nước hướng về Nậm Pồ, cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men, lương thực cho ngần ấy con người là cả một câu chuyện không đơn giản. Chưa kể huyện còn phải bố trí lực lượng thu hoạch nông sản giúp dân. Cụ ông Chảo Sủ Chiên, bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ thốt lên: “Tất cả vượt quá giới hạn và sức chịu của con người.”
Trụ sở làm việc của huyện Huyện ủy, UBND và các phòng ban đều được bố trí tập trung trong tòa nhà hợp khối, văn minh và hiện đại.
Cơn bão đại dịch qua đi, bình yên trở lại, Nậm Pồ yên ả như chưa hề xảy ra bất kỳ biến cố nào. Đồng bào lại lên nương gieo ngô, trỉa hạt, hệ thống chính trị lại tập trung vào xây dựng các mô hình kinh tế, giữ vững quốc phòng an ninh. Và cũng chính vì Nậm Pồ trải qua đợt dịch bệnh mà tôi có cảm nhận nơi đây tình người thao thiết. Lịch sử chứng minh, trong dịch bệnh và trong các cuộc chiến tranh xâm lược bài học về sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của Nhân dân mỗi khi có dịp lại trở thành tấm khiên lá chắn quật cường. Bài học kinh nghiệm rút ra từ thự tiễn mà Ban Thường vụ huyện ủy Nậm Pồ đã vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận mà khởi nguồn là Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa. Anh chia sẻ: “Dân vận luôn là một trong những yếu tố mấu chốt trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực công tác, thành bại cũng ở khâu này. Chỉ cần đồng sức, đồng lòng thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua thôi.” Và câu chuyện dân vận ở Nậm Pồ đã trở hình mô hình kiểu mẫu được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên đánh giá cao trong năm 2022 về công tác dân vận đảng, dân vận chính quyền... ở nơi đây.
Cũng chính lẽ đó mà thời gian qua Nậm Pồ luôn lấy thước đo công việc làm nền móng, cơ sở cho việc xây dựng địa phương. Các phong trào thi đua đã lan tỏa đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; nhiều mô hình, hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực như: “Thêm việc tốt mỗi ngày”, “Ngày cuối tuần tình nguyện”, “Tiết kiệm mỗi ngày 2000 đồng cho giáo dục”… Sau 10 năm thành lập, kinh tế – xã hội huyện Nậm Pồ ngày càng phát triển; tổng giá trị sản xuất theo giá thực tế cuối năm 2023 đạt 1.483,6 tỷ đồng, đạt 102,23% kế hoạch. Năm 2022 huyện Nậm Pồ đứng thứ nhất trong 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh về chỉ số cải cách hành chính. Các phong trào văn hóa, thể thao ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc vì thế được nâng lên.
Mô hình “đánh thức một vùng đất”
Hàm nghĩa sâu xa của mô hình là hướng người dân, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản phẩm từ chính diện tích đất hiện có của bà con. Bao thế hệ cha ông người Thái, người Mông, người Dao, người Cống… ở Nậm Pồ tay làm hàm nhai. Nếu vỡ hoang là niềm vui của đời cha thì hạnh phúc hái quả là của đời con. Dẫu những con người trên mảnh đất đỏ ba zan khốn khó ấy nhất thời có bỏ bản đi làm ăn xa thì cuối cùng vẫn quay về bám trụ với đất, sống nhờ vào đất. Như hiểu được gan ruột của đồng bào mà Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ xây dựng lên Nghị quyết đánh thức một vùng đất bắt nguồn từ ý nghĩa nhân sinh ấy.
Vườn rau sạch của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.
Lâu ngày gặp lại, Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa, người đứng đầu huyện vẫn giữ nguyên phong thái như ngày đầu tôi gặp anh cách đây 5 năm; điềm đạm, giản dị, chân thành nhưng vẫn toát lên vẻ cương nghị cho dù khuôn mặt đã có những vết chân chim. Cái tướng tôn nghiêm, cương nghị quện trong nét phúc hậu, thiện lương thì vẫn cứ hiển hiện lên cả khuôn mặt chữ điền, trong lời nói trầm tĩnh, điềm nhiên của anh. Tôi hỏi:
Làm thế nào để Nậm Pồ không bị lãng phí tài nguyên đất của dân, trong khi địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp? Đôi mắt nâu hiền từ Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa trả lời như cắt nghĩa. Cảm ơn Nhà báo đã đưa ra câu hỏi rất trúng và thú vị. Xuất phát từ thực tiễn, hiện nay vùng đất Si Pa Phìn rộng lớn phì nhiêu, ngoài chăn nuôi thì chưa có cây gì mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, lẽ đó mà Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ ban hành hẳn một Nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và phát triển vùng sản xuất rau, củ quả an toàn từ nay đến năm 2025.
Từ đó, Ban Thường vụ huyện giao cho các cán bộ đảng viên là đối tượng tiên phong thực hiện nội dung này. Sau khi thành công, sẽ nhân rộng mô hình và chuyển giao công nghệ xuống cho dân. Nói ra quy trình để tập thể tham ra thực hiện thì nhiều lắm, nhưng tựu chung lại là huyện đang áp dụng giống mô hình trồng bí xanh đã thành công ở xã Chà Nưa “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Đến nay, diện tích quế đã trồng năm 1.000ha. Trong khi Nghị quyết phấn đấu đến năm 2025 là 5.000ha. Chanh leo đã trồng tại Si Pa Phìn năm 2023 khoảng 50ha. Tổng diện tích rau củ, quả an toàn toàn dự kiến 30ha, tại xã Si Pa Phìn.
Vườn trồng cà chua của HTX rau sạch Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ.
Theo chỉ dẫn của Bí thư Huyện ủy Lê Khánh Hòa, chúng tôi xuống xã Si Pa Phìn, mặt trời đứng bóng. Si Pa Phìn có độ dốc cao trên 800m so với mực nước biển, rất phù hợp với trồng các loại rau sạch áp dụng công nghệ cao. Bây giờ đang là tháng chạp, dã quỳ hai bên đường nở hoa vàng xuộm. Cánh đồng Si Pa Phìn đã đổi thay, những thửa ruộng bậc thang đã được các hộ sản xuất công nghệ cao cải tạo, mặt bằng rộng, thửa liền thửa, cột bê tông, giá đỡ, nhà lưới, nhà kính lắp đặt bề thế. Nhiều diện tích xu hào, bắp cải, cải canh, cải ngọt đã đang thì sinh trưởng. Hệ thống tưới nước, phun sương lắp đặt tự động tưới cho toàn bộ diện tích rau màu. Anh Phạm Ngọc Khải, kỹ thuật chính HTX nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn lâm thời, chia sẻ: HTX có khoảng 7 - 10 thành viên tham gia, góp đất, góp vốn cùng làm. Hiện nay, quỹ đất của HTX có khoảng 30ha, toàn bộ diện tích đất này chúng tôi sẽ trồng rau, củ, quả theo hướng hữu cơ. Một số giống được ưu tiên như: su su, cà chua, dưa gang, dưa chuột, cải bắp... rất phù hợp với độ cao và khí hậu ở đây. Thị trường của HXT chủ yếu cung cấp rau sạch, an toàn cho các trường học giá bằng với giá thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận. Như hiện nay, toàn bộ hệ thống trường các trường học huyện Nậm Pồ, mỗi lần HTX cung ứng 4, 5 tấn rau, củ/ lần, đều đặn 2 ngày 1 lần chuyển.
Nhìn vào cơ ngơi ấy, chúng tôi có thể khẳng định mô hình rau sạch công nghệ cao tại Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đứng đầu tỉnh Điện Biên.
Toàn bộ hệ thống trường các trường học huyện Nậm Pồ, mỗi lần HTX cung ứng 4, 5 tấn rau, củ/ lần, đều đặn 2 ngày 1 lần chuyển.
Chia tay Nậm Pồ khi mặt trời khuất dần sau dãy núi. Kỹ thuật Khải không quên tặng chúng tôi mỗi người một túi nặng rau xanh. Và anh dặn dò: “Khi nào rau thu hoạch rộ thì nhớ vào đây chếch - in nhé. Đẹp lắm.” Chúng tôi bắt tay anh ra về trong lòng khấp khởi vui mừng đem câu chuyện kể với lãnh đạo tỉnh. Các anh cũng như chúng tôi, vui mừng hơn cả những người đang làm ra sản phẩm thành công. Và tôi có cảm nhận rằng họ thực sự xúc động và còn hỏi thật kỹ xem mô hình đó ở địa phương nào, ai làm chủ… Phải rồi! Không vui mừng sao được, khi thấy bà con chăm lo lao động sản xuất, tạo sản phẩm có giá trị cao trên chính mảnh đất canh tác 1 vụ và thường xuyên bị bỏ hoang. Thành công của đồng bào chính là thành quả của địa phương, đánh thức cả một vùng về nhận thức của người dân. Ý nghĩa sâu sa là như thế…!