Là huyện vùng cao biên giới nên phát triển nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Nậm Pồ giai đoạn 2020-2025. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên dưới sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân các dân tộc huyện biên giới Nậm Pồ đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nông nghiệp theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 3 đã đề ra.
Ông Hạng Nhè Ly, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ kiểm tra dự trữ cỏ chăn nuôi mô hình trâu bò vỗ béo ở xã Si Pa Phìn
Cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 3 nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển nông nghiệp, UBND huyện Nậm Pồ đã xây dựng Chương trình hành động Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Nậm Pồ đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã,chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên, nhân lực để phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện Nậm Pồ đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước tưới phục vụ khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang sản xuất lúa ruộng; hỗ trợ cây giống, con giống, máy móc phương tiện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ rừng và nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư. Ông Hạng Nhè Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: “Sau khi Đảng bộ huyện có nghị quyết phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện; UBND đã có kế hoạch và chương trình hành động cụ thể; trên địa bàn chúng tôi chú trọng vào nông lâm nghiệp. Nông nghiệp chúng tôi tập trung vào phát triển các loại giống cây con có chất lượng cao vào năng xuất; tập trung khai hoang phục hóa phát triển kinh tế”.
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Nậm Pồ tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị kinh tế cao; định hướng việc thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm trong tương lai gần; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu… theo hướng hàng hóa. Sau một năm triển khai, thực hiện, đã triển khai 09 mô hình sản xuất áp dụng các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, dần thay thế các loại giống địa phương kém hiệu quả; vận động nhân dân khai hoang, phục hóa 158,82 ha; chuyển đổi hơn 80 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn từ diện tích lúa, ngô kém hiệu quả sang cây trồng cây hàng năm và cây lâu năm khác. Chuyển đổi hơn 40 ha đất nương đã bạc màu, kém hiệu quả sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi tái sinh, phát triển rừng bền vững như trồng cây mắc ca, cây quế, dổi hạt, sa nhân, cam, mận.....Về Nông thôn mới có 01 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 03 xã cơ bản đạt, các xã còn lại đạt từ 8-12 tiêu chí, bình quân đạt 11,53 tiêu chí/xã. Có 01 sản phẩm OCOP (Mật ong Chà Nưa) được UBND tỉnh cấp hạng 3 sao, hiện đang tiếp tục giữ hạng, dự kiến năm 2022 sẽ có thêm 2-3 sản phẩm. Ngoài ra huyện phối hợp với công ty Cổ phần du lịch và Nông nghiệp Công nghệ cao Điện Biên và Công ty Mắc ca Tây Bắc triển khai, tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng và phát triển cây Mắc ca. Tính đến nay, đã rà soát, đo đạc được 470ha. Nhờ đó, góp phần nâng tổng diện tích cây lương thực có hạt: Đạt 8.869,74ha = 96,3% nghị quyết của giai đoạn; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 22.442,4 tấn, đạt 93,7% nghị quyết của giai đoạn.
Có điều kiện về tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, huyện Nậm Pồ đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác cải tạo giống, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao thích hợp cho từng vùng. Ðồng thời, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn; chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Từ khi có nghị quyết, nhiều xã đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; người dân bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng bền vững. Sau hơn một năm thực triển khai thực hiện Nghị quyết, Nậm Pồ đã triển khai được 17 mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo chủ yếu tại xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ, nâng tổng đàn gia súc của toàn huyện đạt 73.818 con, đạt 89,3% so với nghị quyết của giai đoạn; gia súc khác 5.726 con; đàn gia cầm các loại đạt 205.826 con, đạt 77,4% so với nghị quyết giai đoạn. Ðiển hình như các xã: Si Pa Phìn có trên 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò; xã Phìn Hồ có trên 20 trang trại; các xã: Chà Nưa, Nà Bủng, Vàng Ðán, Nà Hỳ hàng năm số trang trại chăn nuôi cũng được mở rộng với quy mô nhiều hơn. Theo ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con về các giống cây trồng vật nuôi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho bà con; trong đó sang năm tới đây chúng tôi tập trung cho việc thực hiện nghị quyết phát triển chăn nuôi trâu, bò; chúng tôi sẽ triển khai 10 mô hình trong đó có 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản,4 mô hình chăn nuôi trâu bò thịt; phát triển nguồn thức ăn sẵn sàng cho mùa khô”.
Nậm Pồ là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước. Là huyện thuần nông, có điểm xuất phát thấp nên Nậm Pồ chú trọng nhiều giải pháp xây dựng các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Từ các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo của Đảng và Chính phủ, như: Chương trình 30a; Chương trình 135/CP; Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện Nậm Pồ đã ưu tiên phát triển sản xuất; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thủy lợi thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và ủy ban nhân dân các xã tập trung triển khai kịp thời, đúng đối tượng các chính sách hỗ trợ sản xuất như: Hỗ trợ tiền khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang; hỗ trợ tiền khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và trồng rừng sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau huyện Nậm Pồ đã thực hiện hỗ trợ sản xuất cho trên 10.000 lượt hộ dân với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của huyện như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã triển khai nhiều mô hình khuyến nông - khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất, đã tạo điều kiện để cho các hộ nghèo tiếp cận với các cách thức làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Theo ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phìn Hồ huyện Nậm Pồ cho biết: “Thực hiện nghị quyết đảng bộ xã chúng tôi chỉ đạo đến các chi bộ xây dựng chuyên đề cụ thể, xã triển khai trồng cỏ voi nuôi trâu. Các hộ gia đình trên địa bàn cũng phát triển chăn nuôi, trồng cỏ voi chăn nuôi trau bò, góp phần thực hiện phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo”.
Trang trại bò của gia đình Ông Hồ Chử Vàng, Bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ
Việc Triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa III nhiệm kỳ 2020-2025 được cụ thể hóa thành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và các kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, được các phòng ban chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tin rằng Nậm Pồ sẽ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo bền vững./.