Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của cấp ủy, chính quyền và nhân dân mà công tác xóa đói giảm nghèo (XÐGN) của huyện Nậm Pồ đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo năm sau giảm hơn năm trước; tính đến cuối năm 2019 toàn huyện còn 6.071 hộ nghèo (chiếm 60,12%), giảm 110 hộ (tương đương 3,27%) so với năm 2018. Ước đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn trên 52,06% . Kết quả này có được là nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện để từng bước thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Anh Lò Văn Cam, Bản Nà Mười, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ chăm sóc đàn bò của mình mỗi ngày
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, UBND huyện Nậm Pồ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương và đã được các cấp, ngành trong huyện đồng thuận, phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Huyện cũng kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan phòng, ban, thành viên ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo của huyện. Ðồng thời, Nậm Pồ phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp các xã đặc biệt khó khăn về công tác XÐGN, tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác XÐGN từ huyện đến cơ sở. 100% xã của huyện đã xây dựng nghị quyết chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng kế hoạch để làm cơ sở đánh giá tình hình thực hiện; thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, mô hình XÐGN trên địa bàn...
Thực hiện dự án, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.Từ năm 2013 đến nay, huyện Nậm Pồ được đầu tư, hỗ trợ trên 350 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù cho công tác giảm nghèo. Ngoài ra, huyện đã huy động và lồng ghép các chương trình khác để đầu tư cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với số vốn hơn 720 tỷ đồng. Các nguồn vốn này tập trung tạo việc làm, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các chính sách về hỗ trợ cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2020, huyện đã hỗ trợ 244 con trâu, 176 con bò, 171 máy xới đất, 116 máy tuốt lúa cho 863 hộ, bàn giao Trạm Thú y thực hiện việc tiêm phòng dịch, với tổng kinh phí trên 8,309 tỷ đồng. Ngoài ra tổ chức 10 lớp nâng cao năng lực cho 470 cán bộ, tuyên truyền viên cơ sở làm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm Nậm Pồ đã tạo việc làm mới cho 458 lao động; đào tạo nghề cho 244 lao động nông thôn. Huyện đã phân bổ vốn tín dụng ưu đãi về các xã để kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng với số tiền 69,331 tỷ đồng; tổng dư nợ toàn huyện đến nay là 319 tỷ 447 triệu đồng. Khi được vay vốn các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành đầy đủ các cam kết đã ký với ngân hàng, trả lãi hàng tháng và trả gốc khi đến hạn. Sử dụng vốn vay có hiệu quả, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi gà của anh Thùng Văn Huy xã Chà Nưa
Ở xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có lẽ rất nhiều người biết đến tấm gương vượt khó của hai anh em Huy và Hoà ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa. Học hết lớp 12, gia đình lâm vào tình cảnh đặc biệt khó khăn, Huy-Hoà chọn con đường khởi nghiệp từ việc vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi gà thịt và lợn giống. Chỉ trong hai năm, từ 2018 đến nay, hàng tấn thịt gà và hàng trăm lợn giống được xuất bán đã mang lại cuộc sống ấm no cho hai anh em và quan trọng hơn điều đó đã tạo dựng được niềm tin để họ vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình. Huy phấn khởi chia sẻ: “Để có được những thành công như hôm nay cũng nhờ vào cán bộ xã đã nhiệt tình hỗ trợ, lúc đầu cũng chỉ giám nuôi 20 con gà, nhưng sau khi có kinh nghiệm rồi, 2 anh em đã bàn với nhau vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để mua 500 con gà về nuôi, đàn gà sinh trưởng phát triển tốt, có lúc trong chuồng nuôi đến cả1000 con. Sau thành công nuôi gà, tôi và em đã thống nhất mở rộng sang nuôi thêm lợn nái sinh sản. Năm vừa rồi bán gần 100 con lợn con ra thị trường. Thu về cả bán gà và lợn gần 400 triệu đồng, giờ cũng đã trả hết nợ ngân hàng, anh em họ hàng rồi”
Còn gia đình anh Lò Văn Cam bản Nà Mười, xã Chà Tở, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò giống, nuôi 1 thời gian, bò lớn nhanh, khỏe mạnh, nên vợ chồng tôi đã vay tiền mua thêm 1 con bò nữa để nuôi. Sau 3 năm nuôi chỉ từ 2 con, giờ thì đàn bò nhà tôi đã lên tới cả chục con, tính giá trị bán ra thị trường hơn hai trăm triệu, năm ngoái nhà tôi cũng đã bán 2 con thu về gần được 45 triệu để sửa lại nhà cửa”
Chính những chính sách như hỗ trợ trầu, bò giống cho người dân, vay vốn ưu đãi…đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng khó khăn như Chà Nưa, Chà Tở và các xã trên địa bàn huyện có điều kiện thoát nghèo và dần cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Xuân Thuận, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn chúng tôi tập trung vào những thế mạnh của huyện như khoanh nuôi tái sinh rừng, chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay bà con được hưởng dịch vụ môi rường rừng có kinh tế để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Trong đó chăn nuôi đàn gia súc phát triển rất mạnh, ngoài ra có mô hình sa nhân, hợp tác xã nuôi ong, mây tre đan. Để công tác giảm nghèo nhanh, bên vững huyện Nậm Pồ tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như về phát triển giáo dục và đào tạo. Vì phát triển chất lượng nguồn nhân lực cũng như tri thức thì lực lượng lao động sau này, thế hệ tương lai mới có lực lượng lao động có trí tuệ. Cũng nhờ đó mà 7 năm nay chất lượng giáo dục của huyện đạt được rất nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt xây dựng cơ sở vật chất cho những năm đầu, hiện nay ngoài chế độ chính sách có gần 6000 cháu học sinh được hưởng chế độ ăn bán trú; Việc xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, đặc biệt nhà lớp học ở điểm bản, đã thu hút được rất nhiều sự ủng hộ, cơ bản đến 99% trường lớp học ở bản được kiên cố hóa.
Đào tạo nghề thợ xây tại bản Nà Cang, xã Chà Nưa
Để đạt được những kết quả giảm nghèo ấn tượng đó là do cấp ủy, chính quyền các xã, huyện đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; Thực hiện lồng ghép các nguồn lực, nguồn vốn, xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế. Mặc dù, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện Nậm Pồ vẫn còn trên 50%, song có thể thấy, các chương trình, chính sách về giảm nghèo đã và đang góp phần chuyển biến tích cực mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, đời sống của người dân từng bước được cải thiện./.