Nhờ các nguồn vốn đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng sự giúp đỡ của cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cơ sở vật chất trường lớp học từng bước được xây dựng kiên cố hóa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Tuy nhiên, nhà vệ sinh trường học vẫn là vấn đề nan giải ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ.
Nhiều trường học trên địa bàn huyện chưa đảm bảo được số lượng và chất lượng nhà vệ sinh (điểm trường Huổi Dạo 3, Trường mầm non Vàng Đán)
Nếu có dịp đến trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa mới thấm hết và chia sẻ được những điều “khó nói” từ nhu cầu chính đáng của giáo viên và học sinh. Đó là thực trạng thiếu nhà vệ sinh, thầy Nguyễn Văn Quân – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: nhà vệ sinh trường học là vấn đề tế nhị nhưng lại không hề nhỏ, bởi nó liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh hàng ngày. Hiện nay, nhà trường có 932 học sinh, trong đó 487 học sinh ăn, ở bán trú tại trường nhưng toàn trường chỉ có 03 gian nhà vệ sinh kiên cố và 16 gian nhà tạm. Theo ước tính trường cần có thêm ít nhất 21 gian nhà vệ sinh nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của học sinh.
Việc thiếu nhà vệ sinh càng khó khăn hơn với các em học sinh bán trú khi ăn, ở, sinh hoạt tại trường. Nhiều lúc, các em học sinh phải xếp hàng dài, thậm chí có em nhịn đi vệ sinh hoặc đi không đúng nơi quy định. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh, môi trường xung quanh và khó khăn cho các thầy cô trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, cô giáo Trần Thị Nhung – Giáo viên Tổng phụ trách Đội trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa cho biết thêm.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nà Bủng có 22 lớp, 828 học sinh, trong đó có 670 học sinh bán trú nhưng chỉ có 04 gian nhà vệ sinh kiên cố và 12 gian nhà tạm. Thầy giáo Dương Duy Dần– Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà vệ sinh ít trong khi số học sinh đông đã làm ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, sức khỏe của học sinh. Đặc biệt là đã gây ra tình trạng quá tải vào một số thời điểm nhất định (trước và sau giờ học; giờ giải lao) khiến các em dù muốn hay không vẫn phải đi vệ sinh không đúng nơi quy định; vệ sinh môi trường xung quanh trường lớp bị ảnh hưởng. Nhà trường cũng đã cố gắng khắc phục xong đó chỉ là trước mắt còn về lâu dài nhà trường cần xây dựng thêm 15 gian nhà vệ sinh nữa mới không bị quá tải.
Theo báo cáo của phòng Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, toàn huyện có 43 trường học, trong đó có 23 trường bán trú với 779 lớp, 19.679 học sinh, 13.173 học sinh bán trú hiện đang ăn ở sinh hoạt tại trường; tuy nhiên toàn ngành mới chỉ có 535 gian nhà vệ sinh, trong đó kiên cố 229 gian, tạm 306 gian; đặc biệt là hiện nay, thực hiện chủ trương đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về trung tâm để thành lập các trường bán trú thì nhà vệ sinh ít đã không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của các cháu. Như vậy, trong năm học 2020-2021, để giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh, toàn ngành cần đầu tư xây dựng thêm 406 gian nhà vệ sinh cho học sinh ở 36 trường (ước tính mỗi gian 15.000.000 đồng), trong đó xây tại điểm trường trung tâm là 228 gian, ở các điểm bản là 178 gian với tổng ước tính chi phí đầu tư là hơn 6 tỷ đồng.
Thầy Nguyễn Xuân Thuận – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thiếu nhà vệ sinh trường học xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân.Trước tiên phải kể tới ngân sách đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất trường học còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nguồn lực khác cho các công trình vệ sinh trường học lại không dễ dàng và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Chưa kể đến việc xây dựng các công trình dù nhỏ nhất cũng chịu giá cả cao hơn miền xuôi bởi giá vật liệu, nhân công đắt hơn rất nhiều…
Học sinh cần được sinh hoạt, học tập, vui chơi và quan tâm toàn diện khi tới trường
Giải pháp hiện nay đang được các trường thực hiện, đó là: Huy động cả giáo viên, học sinh vào công việc giữ gìn nhà vệ sinh, ổn định nguồn nước sinh hoạt để tẩy rửa nhà vệ sinh thường xuyên bằng cách sửa chữa đường dẫn nước; đào giếng khoan lấy nước…; đồng thời giáo dục kĩ năng sống, cách giữ gìn vệ sinh chung cho học sinh; huy động sự giúp đỡ của địa phương và phụ huynh học sinh để làm nhà vệ sinh,…nhưng đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời.
Trước thực tế trên, đồng chí Lê Khánh Hòa - Bí thư Huyện ủy đã ra lời kêu gọi ủng hộ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện lời kêu gọi với lộ trình từ tháng 02/2020 đến tháng 12/2021. Tín hiệu vui cho ngành giáo dục, thực hiện lời kêu gọi, đến thời điểm này, Hội Chữ thập đỏ huyện đã kết nối vận động ủng hộ được 4 gian nhà vệ sinh kiên cố, 12 gian nhà tôn (ước tính trên 70.000.000 đồng) cho các trường.
Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay đồng hành của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong và ngoài huyện cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, vấn đề nhà vệ sinh không còn là nỗi ám ảnh của học trò, cản trở tới việc nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện vùng cao gian khó Nậm Pồ./.