Cùng với nhà sàn, trang phục truyền thống dân tộc Thái là một nét văn hóa đặc trưng và có từ lâu đời. Đến nay, dân tộc Thái ở huyện Nậm Pồ vẫn luôn giữ gìn và mặc trang phục truyền thống trong cuộc sống hàng ngày hay các ngày lễ Tết, Ngày đại đoàn kết toàn dân, Ngày hội Văn hóa...Trang phục truyền thống của dân tộc Thái tuy đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất của các chàng trai, cô gái miền biên giới Nậm Pồ.
Trang phục truyền thống của dân tộc Thái huyện Nậm Pồ
Ngày xưa để có được một bộ trang phục truyền thống dân tộc Thái là cả một quá trình lao động miệt mài, chăm chỉ của người phụ nữ Thái từ khâu trồng bông, chế biến bông thành sợi, nhuộm màu, dệt vải, cắt may cho đến thêu hoa văn trên trang phục,...Vì thế người Thái thường có câu “Nhinh hụ dệt phai/ Chai hụ san hẻ, nhinh na” có nghĩa là “gái biết dệt vải/ trai biết đan chài, bắn nỏ”. Ngày nay, xã hội phát triển, kinh tế khá giả hơn, bà con có thể tự mua vải ở chợ về cắt may trang phục, vừa rẻ, vừa thuận tiện, không tốn nhiều công sức bằng việc trồng bông, lanh, dâu tằm để tạo sợi dệt vải. Thông thường, một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Thái huyện Nậm Pồ gồm có: Áo cóm, váy, thắt lưng, xà cạp, khăn piêu, các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích.
Áo cóm: Trước đây, những chiếc áo cóm được người phụ nữ Thái cắt may đơn giản, tuân thủ theo đúng cách truyền thống như: áo được may bằng vải nhuộm chàm, dài tay… Ngày nay, áo cóm tuy vẫn đảm bảo những nét cơ bản, nhưng có thể sử dụng nhiều loại vải khác nhau với nhiều màu sắc, tay áo có thể may bồng hoặc không. Dù là thời điểm nào, chiếc áo cóm luôn được may bó sát người, gấu áo vừa chấm cạp váy, rất kín đáo nhưng vẫn làm tôn thêm những đường nét trên cơ thể của người phụ nữ. Điểm nổi bật nhất trên chiếc áo Cóm của phụ nữ Thái đó là 2 hàng khuy bướm mang nhiều ý nghĩa về nhân sinh. Một bên là đại diện cho hàng khuy bướm đực, một bên là hàng khuy bướm cái được cài đan xen vào nhau tạo thành một đường thẳng rất đẹp và nổi bật trên nền áo. Khuy bướm thường có 13 đôi, có nhiều hình dáng khác nhau như: Hình con bướm, con nhện, con ve hay hình lá cây…điểm phân biệt áo Cóm giữa 2 nhóm ngành Thái là áo cóm Thái trắng xẻ ngực hình chữ V phía trước, nẹp vải đen, màu áo chủ yếu là trắng còn Thái Đen thường là loại cổ tròn, đứng.
Váy: Chiếc váy của người Thái xưa được làm bằng vải bông, nhuộm chàm, nay thường được làm bằng vải nhung hay sa-tanh màu đen, hình ống. Chiều dài của váy phụ thuộc vào chiều cao của người mặc. Khi mặc váy sẽ được gập vào một bên hông rồi kéo phần váy phía sau sát vào thân để tạo đường cong từ lưng, eo xuống mông tạo ra những nét cần phô của cơ thể người phụ nữ. Váy cũng được phân thành 2 loại: Váy đen tuyền và váy đen có hoa văn kim tuyến đẹp mắt.
Thắt lưng: Thắt lưng làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lá, có chức năng giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng, ngày trước ở 2 đầu thắt lưng được khâu thêm 2 mẩu vải khác màu vải bông, khi thắt váy có thể buông xuống cho đẹp, hoặc dắt kĩ vào trong thắt lưng cho chặt, ngày nay chủ yếu là thắt lưng cài. Khi thắt váy, thắt lưng được trùm quanh eo che phần kín của cạp váy hở ra một đường phía trên tạo thêm màu sắc cho bộ trang phục.
Xà cạp: Được cắt theo hình tam giác cân, cạnh góc vuông có độ dài 1 khổ vải 40 cm, độ dài của xà cạp bằng nửa sải vải và có thêm 1 đoạn dây dài nối vào đuôi để buộc xà cạp cho chặt. Xà cạp thường dùng để quấn khi đi làm, bảo vệ đôi chân khỏi bị cào xước. Nhưng ngày nay, người phụ nữ Thái chủ yếu đi giầy, đi ủng trong lao động nên xà cạp không còn phổ biến như trước.
Một điểm để phân biệt rõ nét dân tộc Thái Đen và Thái Trắng là chỉ có phụ nữ Thái đen mới tẳng câu và đội khăn piêu. Chiếc khăn piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kỳ, với đường nét tinh sảo và hoa văn mang đậm chất núi rừng hoang sơ cùng màu sắc sặc sỡ, thể hiện tình yêu, sức mạnh nữ tính. Phụ nữ Thái thường rất thích đeo các đồ trang sức như: Vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc, xà tích... vừa để làm đẹp vừa để thể hiện sự quý phái của người phụ nữ.
Ngoài ra, phụ nữ Thái trắng còn có một loại trang phục truyền thống nữa là áo sở luông dài. Áo sở luông dài được phụ nữ Thái trắng mặc trong dịp lễ cưới, nhà làm lý (làm lễ) hay nhà có đám. Áo có màu đen may dài đến đến mắt cá chân. Sở luông dành cho người già được may thụng không chiết eo như áo của người trẻ. Trong đám cưới, cô dâu khi về nhà chồng bắt buộc phải mặc áo sở luông.
Quần áo dân tộc Thái của nam giới hiện nay cũng khá giống với người Kinh, họ cũng có đồ truyền thống nhưng cũng khá đơn giản. Áo của đàn ông có hai loại là cánh ngắn và cánh dành. Áo ngắn thường được làm bằng vải chàm, xẻ trước và có cổ tròn. Khuy áo một là làm bằng đồng, hai là tết thành các nút vải giống như quần áo xưa. Áo sẽ là một màu trơn mà không có trang trí gì đặc biệt. Chỉ là trong các dịp đặc biệt họ sẽ mặc những chiếc áo mới có đôi quả chỉ ở đầu đường xẻ hai bên hông áo.
Bà Tao Thị Lên bản Nà Én, xã Chà Tở một trong những người am hiểu về trang phục phụ nữ Thái chia sẻ: Qua bàn tay của người phụ nữ Thái, áo váy truyền thống được kết hợp khéo léo, cân đối, toát lên tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống. Ở mỗi độ tuổi, người phụ nữ lại khéo léo kết hợp các màu sắc với nhau. Nếu là cô gái Thái đang tuổi hẹn hò, yêu đương thì luôn chọn bộ trang phục truyền thống gam màu sáng, có hoa văn uốn lượn, bay bổng, thơ mộng, cuốn hút. Còn với các thế hệ bà, mẹ lớn tuổi thì lấy gam màu trầm làm chủ đạo, đường nét rắn rỏi và có sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Mặc dù có những nhóm người Thái khác nhau nhưng nhìn chung trang phục của họ phần nào cũng thể hiện ảnh hưởng của nhau. Tất cả đều rất tự hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tộc người, góp phần xây dựng nền văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.