Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Ban Dân tộc huyện, chúng tôi tìm đến Văn phòng HÐND - UBND huyện Nậm Pồ. Mặc dù rất đường đột nhưng thật may là chúng tôi gặp được ngay người mà mình cần diện kiến: Ðó là ông Chẻo A Xoang - Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HÐND huyện Nậm Pồ. Là người con của dân tộc Dao, nên những hiểu biết của ông Chẻo A Xoang về chính dân tộc của mình, quả thực phải mô tả là... sâu sắc và rất đa dạng. Hơn nữa, vốn dĩ là một Thạc sỹ, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, nên những kiến thức mà ông Chẻo A Xoang cung cấp thật sự có lớp lang, trình tự như người ta nói là với một “kỹ năng truyền thụ” thật khoa học và dễ tiếp thu...
Bản Huổi Sâu, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ).
Theo ông Chẻo A Xoang, ở Việt Nam dân tộc Dao có nhiều ngành, song với Nậm Pồ người Dao gồm 2 ngành là Dao Ðỏ và Dao Khâu. Cả 2 ngành này đều từ các tỉnh khác đến định cư trên địa bàn Nậm Pồ vào các thời điểm khác nhau. Nhóm Dao Ðỏ đầu tiên di cư từ tỉnh Yên Bái, Lào Cai sang vào những năm 1950; nhóm Dao này được coi như nhóm “bản địa” về cư trú tại xã Si Pa Phìn. Ðến năm 1990, nhóm Dao Khâu của Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu ngày nay) đến định cư tại bản Sín Chải 1 và bản Sín Chải 2 xã Nà Hỳ. Năm 1995, một nhóm Dao Ðỏ của huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai ngày nay) tiếp tục sang định cư tại bản Huổi Cơ xã Nà Hỳ. Theo con số thống kê, ở huyện Nậm Pồ, dân tộc Dao có số lượng lớn thứ 3 sau dân tộc Mông và dân tộc Thái, chiếm tỷ lệ 4,1% dân số toàn huyện, với trên 2.000 nhân khẩu. Tại huyện Nậm Pồ người Dao sinh sống tập trung ở các bản: Huổi Sâu thuộc xã Pa Tần (89 hộ = 413 khẩu); bản Huổi Cơ Dạo (88 hộ = 464 khẩu), bản Sín Chải 1(92 hộ = 527 khẩu), bản Sín Chải 2 (48 hộ = 246 khẩu) thuộc xã Nà Hỳ và bản Vàng Ðán Dạo (31 hộ = 181 khẩu) thuộc xã Vàng Ðán. Trong đó ngành Dao Khâu có 171 hộ với 954 khẩu, cư trú tại các bản Sín Chải 1, Sín Chải 2 và bản Vàng Ðán Dạo thuộc xã Vàng Ðán.
Tộc danh “Dao” là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành tộc người, được người Dao thừa nhận và chính thức được Nhà nước công nhận. Người Dao có nền văn hoá lịch sử lâu đời và tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học cổ truyền với các bài thuốc lá hiệu nghiệm và bí truyền. Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thủy, các nghi lễ nông nghiệp, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Người Dao có nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ. Bàn Vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình. Thông thường, mỗi bản của người Dao có từ 30-90 hộ gia đình. Việc phân bố dân cư trong từng bản phụ thuộc vào địa hình và diện tích đất đai. Người Dao thường chọn những nơi địa hình hiểm trở, có rừng già, khí hậu nhiệt đới, phù hợp với việc phát triển lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp và làm lúa nước, nương rẫy và cũng để làm nhà, dựng bản. Người Dao ở Nậm Pồ sống chủ yếu bằng trồng lúa nương và lúa nước với kỹ thuật canh tác tiến bộ; họ phát triển nương rẫy nhưng vẫn bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lý. Châm ngôn người Dao có câu “Chảm mài kềm, lải mài miền” (ở đâu có rừng, ở đó có người Dao). Câu nói này không chỉ phản ánh tập quán bám lấy rừng núi để cư trú, mà còn nói lên tầm quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế của các bản người Dao.
Trang phục của phụ nữ Dao Khâu (bản Sín Chải 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) với màu chàm là chủ đạo.
Bằng vốn hiểu biết về chính dân tộc mình, ông Chẻo A Xoang cho rằng một trong những nét tinh túy của nền văn hóa dân gian Dao đó là lễ cấp sắc. Hàng năm, cứ vào quãng tháng 9, tháng 10 dương lịch, khắp các làng bản người Dao lại rộn rã tiếng thanh la, não bạt, chũm choẹ, chuông đồng..., cùng các bài khấn ê a của các thầy cúng. Ðó là âm thanh phát ra từ các lễ cấp sắc (còn gọi lễ Lập tịch)... Trước hương án Bàn Vương - Bàn Hồ (thuỷ tổ của người Dao), thầy cúng trong trang phục thiên về màu đỏ hoặc màu đen, trịnh trọng thắp hương và thành kính khấn vái khắp bốn phương tám hướng. Nội dung bài cúng cầu mong các đấng thần linh phù hộ cho chàng trai khỏe mạnh, cho làng bản được mùa, gia súc gia cầm không bị dịch bệnh. Tiếp sau đó, thầy cúng tuyên đọc 10 điều răn dạy của tổ tiên đối với một chàng trai khi đến tuổi trưởng thành. Ðấy là, tuyệt đối không được chửi trời trách đất, không được bạc bẽo với cha mẹ, không được sát sinh tuỳ tiện, không được dâm ô, không được ghen ghét với người tài giỏi hơn mình.
Ðặc biệt, khi gặp kẻ nghèo hèn hay hoạn nạn, phải hết lòng giúp đỡ, dù có bị hổ báo hay ma quỷ cản đường vẫn xả thân vì nghĩa cử... Trước khi trời sáng, thầy cúng giao cho chàng trai hai lá sớ, đó là “chứng chỉ” xác nhận chàng trai đã qua lễ cấp sắc, kể từ nay chính thức được coi là người trưởng thành, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trong cộng đồng người Dao. “Chứng chỉ” cấp sắc viết bằng chữ Nôm - Dao, trên giấy đỏ, chữ đen, đóng triện ở giữa và đây là “bùa thiêng”, nó được cất giữ như một báu vật trong suốt cuộc đời người đàn ông. Lúc này, phần lễ đã xong, đến lượt gia đình và họ hàng quây quần ăn uống, vừa ăn vừa hát các bài truyền thống về dòng tộc, về mùa màng, về các cuộc thiên di gian khổ trong lịch sử tổ tiên người Dao.
Phong tục từ xưa truyền lại, đàn ông người Dao đến tuổi trưởng thành ai cũng phải trải qua lễ cấp sắc, kể từ đây mới có tên gọi riêng, được quyền lấy vợ, sinh con, làm nhà và có thể thực hiện những chuyến đi xa. Trước kia lễ cấp sắc tổ chức rất tốn kém, với những cuộc ăn uống hàng mấy ngày đêm. Bởi thế có những người cả đời không lấy nổi vợ vì nhà nghèo, không có tiền làm lễ cấp sắc. Nhưng nay, về chi phí vật chất đã giảm đi rất nhiều, cho dù nội dung và trình tự thủ tục lễ cấp sắc không có gì thay đổi.
Trước lúc khép lại câu chuyện, ông Chẻo A Xoang không quên bày tỏ những ưu tư khi mà xã hội ngày một phát triển kéo theo nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của người dân tộc Dao cũng dần bị mai một. Mặt khác, những người hiểu rõ văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc tuổi ngày càng cao; cùng với việc đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Dao còn gặp nhiều khó khăn, lứa tuổi thanh niên chưa ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc... dẫn đến người dân càng không chú ý đến việc phải giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc thiểu số khác của huyện Nậm Pồ nói chung, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải được chú trọng thực hiện với những nỗ lực bền bỉ và cao nhất...